Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và Thượng nghị sĩ Marco Rubio tại sự kiện vận động ở Dorton Arena, Raleigh, North Carolina, ngày 4-11-2024 - Ảnh: Reuters
Danh sách các bộ trưởng tương lai của Tổng thống đắc cử Donald Trump đã có, nào là ông Marco Rubio ở Bộ Ngoại giao, Cố vấn an ninh quốc gia Mike Waltz, Giám đốc CIA John Ratcliffe, Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth, Bộ trưởng An ninh nội địa Kristi Noem... tổng cộng 15 người.
Song, như các đời tổng thống trước đây kể từ sau Thế chiến thứ hai, ông Trump sẽ không họp thường xuyên với cả nội các mà là với Hội đồng an ninh quốc gia (NSC), gồm một số bộ trưởng cốt cán. Câu hỏi đặt ra là nhiệm kỳ tới Tổng thống Donald Trump sẽ họp bàn chuyện quốc sự với NSC như thế nào?
Thôi bàn bạc, chỉ minh họa
Được biết trong nhiệm kỳ 2017-2021, ông Trump và cố vấn an ninh quốc gia của ông cũng thường triệu tập NSC. Những cố vấn đầu tiên - các ông Michael Flynn, John Bolton và trung tướng hồi hưu H. R. McMaster - do có quan điểm chính sách mạnh mẽ dựa trên kinh nghiệm quân sự hoặc ngoại giao sâu sắc, nên đã không trùng ý kiến với ông Trump.
Chưa kể mỗi ông đều tìm cách thể hiện các quan điểm chính sách của mình nên sớm va chạm không cứu vãn với ông ấy. Riêng cố vấn cuối cùng, ông Robert C.O'Brien, thì không "ý kiến, ý cò" gì nhiều, nên đã tại vị lâu hơn cả và do đó đã thay đổi hẳn cung cách họp của NSC.
Tờ New York Times ngày 23-2-2020 thuật lại rằng ông cố vấn O'Brien thường mở đầu các cuộc họp bằng cách phân phát các bản in những dòng tweet mới nhất của ông Trump về chủ đề thảo luận hôm đó.
Tờ báo này tán thán: "Dưới thời O'Brien, NSC thực hiện chính sách của ông Trump chứ không phát triển chính sách đó. Với ông Trump, công việc của NSC chỉ còn là làm sao biện minh, ban hành hoặc giải thích chính sách của ông, chứ không phải tư vấn cho tổng thống về chính sách đó nên như thế nào".
Liệu câu chuyện "NSC chỉ minh họa Nhà Trắng" tám năm trước có thành nếp làm việc của ông Trump không? Tất nhiên, điều này cũng còn tùy thuộc phần nào vào thực lực của các bộ trưởng tương lai. Cũng có khi sau bốn năm tạm "ở ẩn", ông Trump đã có thời giờ để chiêu mộ những người cùng chí hướng.
Như Bộ trưởng Ngoại giao tương lai Marco Rubio. Mới hôm 7-11 vừa rồi, trong chương trình phỏng vấn của Raymond Arroyo, một bài phỏng vấn cho thấy rất ủng hộ ông Trump. Ông này đã định vị nước Mỹ trên bản đồ thế giới 2024: "Ngày nay chúng ta đang ở trong một thế giới mà Trung Quốc, Nga, Triều Tiên và Iran ngày càng hợp tác với nhau để phá hoại lợi ích của chúng ta trên thế giới… Do đó chúng ta phải thực dụng và phải đề ra những ưu tiên".
Theo ông Rubio, ưu tiên đầu tiên là: "Phải xác định lợi ích quốc gia cốt lõi của chúng ta là gì và chúng ta phải thực sự ưu tiên những lợi ích đó. Và đó là điều tôi nghĩ quý vị sẽ nhận được từ chính quyền Trump - Vance này".
Đến đây, ông hô hào: "Chúng ta là quốc gia vĩ đại nhất. Chúng ta giàu nhất thế giới… Nhưng chúng ta cũng có nguồn lực hạn chế… Chúng ta phải đầu tư cả thời gian và tiền bạc của mình vào những thứ phục vụ cho lợi ích quốc gia cốt lõi của chúng ta. Có rất nhiều mục tiêu lớn lao trên thế giới nhưng chúng ta không thể tham gia vào tất cả. Chúng ta không đủ khả năng chi trả. Không quốc gia nào có thể".
Có thể thấy ông vừa minh họa khẩu hiệu "nước Mỹ trước hết" của chủ tướng của ông, vừa nhắc lại phương châm mà ông Trump đã đặt ra cho NATO, Nhật Bản, Hàn Quốc là đóng thêm "phí phòng vệ" chứ bấy nhiêu sao đủ! Còn nhớ đầu nhiệm kỳ thứ nhất, theo tạp chí Foreign Policy, ông Trump đã yêu cầu Tokyo tăng chi trả gấp bốn lần cho quân đội Mỹ tại Nhật.
Chỉ họp chứ không bàn?
Ưu tiên thứ nhì, có thể nghĩ như vậy, là thoát ra khỏi vấn đề Ukraine. Ngoại trưởng Mỹ tương lai rất thực tế: "Ngay cả khi chúng ta đổ hàng trăm tỉ USD vào Ukraine, khả năng đánh bại một quốc gia lớn hơn nhiều là rất hạn chế.
Nga có thể chế tạo vũ khí nhanh hơn trong khi Ukraine chỉ có thể tuyển lính nhiều hơn. Đó không phải là một lựa chọn thực tế. Và chúng ta đang nói láo khi nói với họ rằng sẽ có thể cứ sau mỗi 10 tháng, ra trước Quốc hội Mỹ mà nhận 60 tỉ USD".
Và ông đưa ra một kết luận không thể phũ phàng hơn: "Vì vậy chúng ta muốn thấy cuộc xung đột đó kết thúc và điều này sẽ đòi hỏi một số lựa chọn rất khó khăn".
Ưu tiên tiếp theo là quan hệ với Trung Quốc. Ông đánh giá rất sát tình hình: "Tôi nghĩ tương lai của thế kỷ 21 sẽ phần lớn được xác định bởi những gì xảy ra ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Và tôi nghĩ Trung Quốc sẽ thích chúng ta sa lầy ở châu Âu trong một cuộc xung đột mà không tập trung vào những gì đang xảy ra ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi mà mỗi ngày họ không chỉ đe dọa Đài Loan mà còn cả Philippines".
Song ông chọn con đường hòa hoãn, khác với ngoại trưởng khác chỉ muốn đòi chiến tranh: "Trung Quốc là một quốc gia lớn và hùng mạnh. Họ có vũ khí hạt nhân. Chúng ta phải có khả năng nói chuyện với họ. Tổng thống Trump hiểu điều mà nhiều người đã dành thời gian trong chính trường đôi khi quên mất, đó là bạn có thể thân thiện với ai đó".
Có thể thấy NSC Mỹ tới đây dưới thời Trump 2.0 sẽ chỉ họp chứ không có bàn.