Chuyên mục  


base64-17319470921641067835913.jpeg

Tổng thống Biden vui vẻ trò chuyện cùng mọi người trong chuyến thăm rừng Amazon vào hôm 17-11, trước khi đến Rio de Janeiro tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 - Ảnh: Reutere

Nó mang nhiều ý nghĩa khi vũ khí Mỹ được cho phép sử dụng tấn công mục tiêu trên lãnh thổ Nga, và điều này có thể được phía Matxcơva coi là một hành động khiêu khích.

Quy luật quen thuộc

Tuy nhiên, liệu quyết định này có thể được coi là một yếu tố thay đổi cục diện chiến trường khi sự cho phép này diễn ra theo một quy luật quen thuộc. Đó là chính quyền Biden từ chối nhiều lần trước khi đồng ý, và khi đồng ý thì việc cung cấp không còn nhiều ý nghĩa.

Đây không phải là lần đầu tiên mà chính quyền Tổng thống Ukraine Zelensky trải qua, khi Kiev thường xuyên lập luận rằng việc không được phép sử dụng những loại vũ khí như vậy bên trong lãnh thổ Nga, giống như bị yêu cầu chiến đấu với một tay bị trói sau lưng.

Các yêu cầu khác trước đây của Ukraine đối với hệ thống pháo phản lực HIMARS, xe tăng Abrams, tên lửa Patriot, máy bay chiến đấu F16 đều rơi vào một quy luật tương tự là chính quyền Washington từ chối trong nhiều tháng rồi bất ngờ đảo ngược quyết định và cuối cùng đồng ý cấp cho Kiev vào thời điểm gần như đã quá muộn. 

Dù gì đi nữa thì đây cũng được coi là một trong những "hành động đẹp" cuối cùng của ông Biden dành cho Ukraine, khi thời gian tại chức của ông chỉ còn khoảng 7 tuần nữa.

Cho đến nay, tên lửa đạn đạo ATACMS (do Tập đoàn Lockheed Martin sản xuất) là một trong những tên lửa mạnh nhất được Mỹ cung cấp cho Ukraine có tầm bắn lên tới 300km, với độ chính xác cao do có khả năng tự dẫn đường, bằng việc kết hợp giữa quán tính và định vị vệ tinh GPS.

Ngoài ra, ATACMS có tính linh động cao do có thể được triển khai từ nhiều nền tảng khác nhau bao gồm từ các bệ phóng di động. ATACMS cũng có khả năng mang nhiều loại đầu đạn cho phép linh hoạt trong việc lựa chọn phương án tấn công. Điều này giúp tăng tính cơ động và khả năng phản ứng nhanh của quân Ukraine trong chiến trường. 

Phía Mỹ biện minh cho quyết định quan trọng này là do sự hiện diện của quân đội Triều Tiên chiến đấu bên cạnh quân Nga chống lại Ukraine ở khu vực biên giới Kursk - nơi Ukraine đã chiếm đóng lãnh thổ kể từ tháng 8.

Khó thay đổi đáng kể cuộc chơi

Một trong những lý do mà Washington trước đây từ chối cho phép Ukraine sử dụng tên lửa đạn đạo ATACMS, để thực hiện các cuộc tấn công như vậy vì lo ngại chúng sẽ làm leo thang chiến tranh, lôi kéo Mỹ và các quốc gia NATO vào vòng cuộc chiến. 

Tất nhiên, lo ngại của chính quyền ông Biden cũng có cơ sở do Matxcơva cũng nhiều lần lên tiếng mấp mé cảnh báo về một cuộc chiến tổng lực lan rộng hơn, nếu vũ khí Mỹ được sử dụng tấn công lãnh thổ Nga. 

Quả thật ngay sau quyết định của ông Biden, các nhà lập pháp Nga ngày 17-11 đã cảnh báo quyết định của Washington cho phép Kiev tấn công sâu vào lãnh thổ Nga bằng tên lửa tầm xa của Mỹ, đã làm leo thang xung đột ở Ukraine và có thể dẫn đến Thế chiến thứ ba.

Tuy nhiên, dựa trên một số dữ kiện hiện tại có thể dự đoán rằng tác dụng của ATACMS không cao. Thứ nhất, ATACMS khó đạt hiệu quả trong việc tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga với tầm bắn 300km khi Nga đã kéo các vị trí chủ chốt ra xa tiền tuyến hơn, vượt ngoài tầm của ATACMS. 

Quả thật Nga đã rút nhiều kinh nghiệm trong việc đối phó với hỏa lực Ukraine, khiến cho phía Ukraine hầu như không tiến triển gì trên chiến trường trong nhiều tháng qua.

Bên cạnh đó, mặc dù không rõ Ukraine còn có bao nhiêu tên lửa ATACMS trong kho dự trữ, nhưng số lượng được coi là có hạn vì Ukraine đã sử dụng một số loại vũ khí này vào các mục tiêu Nga bên trong lãnh thổ của mình. 

Khó có thể hy vọng chính quyền Biden sẽ viện trợ ồ ạt ATACMS cho Ukraine trong thời gian ngắn còn lại khi quan chức Mỹ cũng lo ngại về việc kho vũ khí có độ chính xác cao của Mỹ đang cạn kiệt và không thể bổ sung kịp thời do thời gian sản xuất tên lửa tiên tiến kéo dài.

Bối cảnh của việc "bật đèn xanh" cho Ukraine sử dụng tên lửa chính xác của Mỹ để tấn công sâu hơn vào bên trong nước Nga diễn ra vào thời điểm mà Ukraine cần sự hỗ trợ tinh thần mạnh mẽ từ phương Tây. 

Việc ông Donald Trump sắp trở lại Nhà Trắng đang làm dấy lên lo ngại về tương lai hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine. Tổng thống Biden dường như rất muốn làm tất cả những gì có thể để giúp đỡ Ukraine trong thời gian ngắn ngủi còn lại, nhằm mang lại cho Kiev thuận lợi trong bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào có thể diễn ra phía trước.

Việc thay đổi chính sách của ông Biden đối với Ukraine có vẻ sẽ không tạo ra sự "thay đổi cuộc chơi" đáng kể dù nó đánh dấu sự "dính sâu" hơn của Washington vào cuộc xung đột Ukraine. 

Tuy nhiên, ít nhất "hành động đẹp" này của ông Biden thể hiện nỗ lực của Mỹ rằng Ukraine có những gì họ cần trước khi ông Trump nhậm chức tổng thống vào tháng 1-2025.

Ông Trump ép Ukraine đàm phán với Nga?

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump nhiều lần nói rằng ông có thể giải quyết cuộc chiến Ukraine trong 24 giờ, dù không nói rõ ông sẽ làm như thế nào.

Tuy nhiên, nhiều người dự đoán rằng ông Trump sẽ ép Ukraine ngồi vào bàn đàm phán với Nga. Ông Steven Cheung, giám đốc truyền thông của Tổng thống đắc cử Donald Trump, nói trong một thông cáo với Đài CNN: "Như Tổng thống Trump đã nói trong quá trình vận động tranh cử, ông ấy là người duy nhất có thể đoàn kết cả hai bên để đàm phán hòa bình, đồng thời nỗ lực hướng tới chấm dứt chiến tranh và ngừng giết chóc".

Ông Cheung không trả lời các câu hỏi về việc liệu ông Trump hoặc các cố vấn an ninh quốc gia sắp nhậm chức của ông có nhận được cảnh báo trước từ chính quyền Biden về một quyết định có thể có "tác động sâu sắc" đến cuộc chiến giữa Ukraine và Nga hay không.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020