Tổng thống Brazil - Chủ tịch G20 Luiz Inácio Lula da Silva đón Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 - Ảnh: TTXVN
Có người ví von thượng đỉnh G20 mỗi năm giống như một khối đất sét mà nước chủ tịch năm ấy là người sẽ nhào nặn và định hình. Hình hài của hội nghị năm nay, qua bàn tay của Brazil, phản ánh một thực tế đang thay đổi về trật tự thế giới.
"Brazil đã trở lại"
Rio de Janeiro, thành phố đông dân thứ hai của Brazil, trong những ngày diễn ra thượng đỉnh G20 rất thưa thớt người qua lại để bảo đảm an toàn và an ninh cho gần 50 đoàn lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế.
Từ trước hội nghị, khi nhận định chung về nhiệm kỳ chủ tịch G20 năm nay của Brazil, không ít chuyên gia đã nhìn nhận đây là mốc đánh dấu sự trở lại của nước này trên trường quốc tế. Nói chính xác hơn là sự trở lại của Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva, khi chủ đề phiên thảo luận đầu tiên của G20 vào ngày 18-11 là "hòa nhập xã hội và chống đói nghèo".
Đây là lĩnh vực ưu tiên từ lâu trong chính sách đối nội của Brazil và là dấu ấn trong hai nhiệm kỳ đầu của ông Lula da Silva khi ông triển khai chương trình Không còn nạn đói (Fome Zero).
Nhưng với sáng kiến "Liên minh toàn cầu chống đói nghèo" cũng được ra mắt trong cùng ngày, Brazil đã đánh dấu việc tái lập "cuộc chiến" với đói nghèo như một ưu tiên toàn cầu trong một diễn đàn cấp cao và quy tụ nhiều nước phát triển như G20.
Sự ra đời của sáng kiến và việc mở rộng nó cho cả các thành viên ngoài nhóm G20, nói như một số chuyên gia, cho thấy nỗ lực tìm kiếm tiếng nói chung tại G20 trong bối cảnh thế giới phức tạp và nhiều khác biệt như hiện tại. Nước chủ nhà cũng dường như hy vọng sự đồng thuận trên sẽ truyền cảm hứng cho nhiều vấn đề khác tại hội nghị lần này.
"G20 không có ban thư ký thường trực hoặc các quy tắc thủ tục cụ thể để xác định giới hạn. Điều đó lại tạo nên sự thành công của G20, bởi nó cho phép các quốc gia giữ chức chủ tịch luân phiên xác định chương trình nghị sự theo cách mà họ tin là phù hợp, trong khi ở các cơ chế khác, nước chủ tịch luân phiên phải chịu một số ràng buộc từ các quy chế" - GS Kanica Rakhra đến từ Ấn Độ, nước giữ chức chủ tịch G20 năm 2023, nói với Tuổi Trẻ.
Ngoài chống đói nghèo, Brazil cũng đưa chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững, cải tổ hệ thống quản trị toàn cầu vào thảo luận tại thượng đỉnh G20. Đây sẽ là những bước chạy đà cần thiết để Brazil xác định chương trình nghị sự cho Hội nghị thứ 30 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu tại Belém vào tháng 11-2025.
Cơ hội của các nước Nam Bán cầu
Thượng đỉnh G20 năm nay là một minh chứng nữa cho thấy các nước Nam Bán cầu (Global South, phân chia theo trình độ phát triển, không theo khu vực địa lý) đang củng cố hiện diện ngày càng nhiều hơn tại các diễn đàn đa phương, với tiếng nói mang tính tập thể để tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề toàn cầu.
Do tính chất luân phiên của ban thư ký, để bảo đảm sự chuyển đổi suôn sẻ và liền mạch giữa các nước chủ tịch luân phiên, G20 có cơ chế "Troika" gồm nước chủ tịch luân phiên trước đây, hiện tại và liền kề sắp tới.
Cả ba nước này sẽ phối hợp với nhau để đảm bảo chương trình nghị sự cho năm chủ tịch và hội nghị thượng đỉnh thành công. Chính cơ chế này đã và sẽ tạo điều kiện để nhóm Nam Bán cầu thúc đẩy mạnh mẽ tiếng nói của họ với các vấn đề toàn cầu trong giai đoạn từ năm 2022 đến 2025.
Ấn Độ đã kết thúc năm chủ tịch G20 hết sức thành công vào năm ngoái, trong khi Nam Phi sẽ là chủ tịch vào năm 2025. Như vậy cả ba quốc gia đã, đang và sẽ là chủ tịch G20 trong 3 năm liên tiếp đều được xếp vào các quốc gia Nam Bán cầu. GS Kanica Rakhra cho biết đây là lần đầu tiên kể từ khi cơ chế "Troika" được đề ra năm 2011 mới có tình huống như trên.
Ấn Độ đã thúc đẩy mạnh mẽ vai trò của nhóm Nam Bán cầu và Brazil cũng đang cho thấy điều tương tự. Chính vì vậy, có thể kỳ vọng Nam Phi sẽ tiếp tục xu hướng này vào năm 2025, trước khi tư cách chủ tịch luân phiên được chuyển giao cho Mỹ vào năm 2026.
Đối với Việt Nam, GS Julien Chaisse thuộc Đại học Hong Kong (Trung Quốc) cho rằng quan hệ đối tác của Việt Nam với Brazil có thể củng cố tiếng nói của Nam Bán cầu trong G20 và thúc đẩy các lời kêu gọi về thương mại công bằng và tiếp cận công nghệ.
"Việt Nam có thể hợp tác với Brazil và các nền kinh tế Nam Bán cầu khác để thúc đẩy các điều khoản thương mại công bằng và các chính sách chia sẻ công nghệ có lợi cho các quốc gia đang phát triển. Bằng cách hợp tác với Brazil, Việt Nam có cơ hội thúc đẩy tiếp cận công bằng hơn với công nghệ và hỗ trợ tài chính, đặc biệt là trong các dự án năng lượng tái tạo", ông Chaisse nói với Tuổi Trẻ.
Sáng 18-11 (giờ Brazil, tối cùng ngày giờ Việt Nam), Thủ tướng Phạm Minh Chính bắt đầu các hoạt động đầu tiên trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20 ở thành phố Rio de Janeiro.
Tổng thống Brazil, Chủ tịch G20 năm 2024, ông Luiz Inácio Lula da Silva và Phu nhân đón Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân tại Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại, nơi diễn ra các phiên thảo luận chính của hội nghị.
Trong khuôn khổ thượng đỉnh G20, buổi sáng 18-11, Thủ tướng dự lễ phát động Sáng kiến Liên minh toàn cầu chống đói nghèo, đánh dấu Việt Nam trở thành thành viên sáng lập của sáng kiến này.
Trong bối cảnh nỗ lực của thế giới để xóa đói giảm nghèo và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu đang chậm lại, sự ra đời của sáng kiến này được kỳ vọng sẽ góp phần tạo động lực chính trị mới, phối hợp hiệu quả với các nỗ lực sẵn có về xóa đói giảm nghèo.
Người đứng đầu Chính phủ sau đó dự và phát biểu tại phiên thảo luận về hòa nhập xã hội và cuộc chiến chống đói nghèo. Đây là lĩnh vực mà Việt Nam có nhiều kinh nghiệm và đã đạt thành tựu to lớn, được cả thế giới ghi nhận và đánh giá cao.