Chuyên mục  


Dữ liệu nhật ký hải trình của tàu Dali được NBC News công bố ngày 30/3 cho thấy con tàu container nặng 95.000 tấn này đã tiếp nhiên liệu lần cuối tại châu Á rồi đi thẳng qua kênh đào Panama đến bờ Đông nước Mỹ nhận hàng, rời cảng Baltimore mà không tiếp thêm nhiên liệu ở bất kỳ đâu, làm tăng nghi vấn con tàu đã mua nguồn dầu lậu không đảm bảo chất lượng giữa hành trình.

"Dầu bẩn" đang là một trong những nghi vấn được các điều tra viên xem xét trong vụ tàu Dali gặp sự cố chết máy và trôi tự do, dẫn đến việc đâm sập cầu Francis Scott Key ở Baltimore, thuộc bang Maryland của Mỹ, hồi đầu tuần này.

Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) Jennifer Homendy ngày 27/3 nói điều tra viên sẽ thu thập và xét nghiệm mẫu dầu trên tàu, kiểm tra mức độ tạp chất hòa lẫn. Những con tàu sử dụng "dầu bẩn" thường có nguy cơ chết máy, dẫn đến mất toàn bộ hệ thống điện cũng như điều khiển trên tàu.

Dữ liệu mà NBC News công bố được lấy từ Hệ thống Thông tin và Tự động nhận dạng tàu biển Tầm xa (LRIT) của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) thuộc Liên Hợp Quốc. Một nguồn tin có quyền đăng nhập vào hệ thống đã thu thập và cung cấp dữ liệu cho báo Mỹ, với điều kiện giấu danh tính.

Hãng tin sau đó xác thực lộ trình của tàu Dali và nơi tiếp nhiên liệu thông qua dữ liệu trên Hệ thống Nhận diện tàu Tự động (AIS), mua từ công ty phân tích hàng hải MarineTraffic.

Các dữ liệu đều cho thấy tàu Dali cập cảng thành phố Chương Châu thuộc tỉnh Phúc Kiến ở Trung Quốc vào nửa đêm 6/2, neo lại đây khoảng 5 tiếng để tiếp dầu.

Ba ngày sau, tàu di chuyển đến thành phố cảng Chu Sơn thuộc tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Tàu di chuyển tiếp đến thành phố Busan của Hàn Quốc và tiếp dầu vào ngày 20/2, cũng là lần tiếp dầu cuối cùng cho hải trình vượt Thái Bình Dương đến Mỹ.

Dữ liệu hải trình tàu Dali cho thấy chỉ qua ba điểm tiếp dầu gồm Chương Châu (1), Chu Sơn (2) và Busan (3) trước khi đi thẳng đến Mỹ. Đồ họa: CARTO

Dữ liệu từ LRIT không ghi nhận thêm bất kỳ lần cập cảng nào khác của tàu Dali để bổ sung nhiên liệu khi đi qua kênh đào Panama, các cảng New York, Virginia và Baltimore. Các chuyên gia hàng hải đều cho rằng đây là điều rất bất thường, bởi con tàu đáng lẽ phải tiếp liệu ở một trong những cảng này.

Tàu Dali cũng không đặt lịch tiếp dầu ở New York hay Baltimore sau khi bắt đầu hải trình từ cảng Mỹ để đến Sri Lanka. "Số nhiên liệu mà con tàu tiếp nhận vào tháng 2 đáng ra phải hết sạch trước cả khi con tàu đến được Baltimore", các chuyên gia cho hay.

Điều này dẫn đến giả thuyết tàu Dali đã mua "dầu bẩn" từ một bên cung cấp không chính thức nào đó, có thể bằng hình thức tiếp liệu trên biển. Theo các chuyên gia, dầu bẩn thường là nhiên liệu được trộn với nước, nhưng loại này hiếm khi gây ra sự cố kỹ thuật nghiêm trọng.

Dầu bẩn có nguy cơ gây tai nạn nghiêm trọng thường là loại được pha với các loại tạp chất nặng, có khả năng ăn mòn cao hơn. Một số chủ tàu thường sử dụng dầu bẩn để tăng tối đa lợi nhuận trong các chuyến hàng, vì chúng rẻ hơn nhiều so với các loại dầu đảm bảo chất lượng mua tại cảng.

Dữ liệu của LRIT và MarineTraffic không nêu cụ thể loại nhiên liệu, cũng như nguồn gốc và chất lượng nhiên liệu mà tàu Dali tiếp nhận.

Hiện trường vụ tàu container Dali đâm sập cầu Francis Scott Key ở Baltimore, Maryland, Mỹ, hôm 26/3. Ảnh: AFP

Giới chuyên gia cho biết mỗi năm trên thế giới có nhiều sự cố tàu hàng chết máy giữa biển vì dầu bẩn. Tuy nhiên, các sự cố này thường bị làm ngơ vì chúng xảy ra giữa biển khơi, nơi thủy thủ đoàn có đủ không gian và thời gian để xử lý.

"Trong hơn 50 năm qua, người làm trong ngành nhiên liệu tàu thuyền thường xuyên làm ngơ trước những thiệt hại nhỏ vì dầu bẩn. Họ cho rằng đây là vấn đề không đáng quan tâm", Jonathan Arneault, CEO FeulTrust tại Houston, chuyên về tư vấn quản lý nhiên liệu hàng hải, cho biết. Ông tiết lộ công ty mình đã phát hiện gần 500 sự cố liên quan dầu bẩn trong hai năm qua.

Arneault nhận định tàu Dali đã gần cạn nhiên liệu khi rời cảng Baltimore vào nửa đêm 25/3. Nếu tàu mua dầu bẩn trước đó, tạp chất sẽ lắng xuống đáy bồn dầu và khi nhiên liệu sắp cạn, chúng bị hút vào hệ thống động cơ, gây chết máy cũng như máy phát điện chính.

Khi bị mất điện toàn bộ, hệ thống điều khiển, liên lạc trên tàu sẽ bị tê liệt. Thủy thủ đoàn dường như đã khởi động máy phát điện dự phòng để khôi phục nguồn điện, khiến tàu phụt ra luồng khói đen dày đặc. Tuy nhiên, họ không khởi động lại được máy chính để hãm tốc độ hay chuyển hướng con tàu.

Ở nơi chật hẹp như ở sông Patapsco, thủy thủ đoàn không có đủ thời gian lẫn không gian để xử lý sự cố, khiến họ không có cách nào tránh được cú đâm vào trụ cầu Francis Scott Key.

Tàu Dali gặp trục trặc với hệ thống điện, phụt khói đen trước khi đâm vào trụ cầu. Ảnh: StreamTeamLive

Video do nhóm StreamTeam quay cầu Francis Scott Key và phát trực tiếp trên mạng cũng cho thấy hệ thống đèn trên tàu Dali liên tục tắt rồi sáng khi nó tiến về phía cầu lúc 1h24 sáng 26/3, dấu hiệu cho thấy máy phát điện gặp trục trặc.

"Những biểu hiện này cho thấy tàu không chỉ gặp trục trặc động cơ. Hệ thống máy phát điện trên tàu đã hỏng. Đây là dấu hiệu nhiên liệu có vấn đề", Arneault phân tích.

Kevin Doell, người đại diện hãng vận tải Đan Mạch Maersk, công ty thuê tàu Dali chuyển hàng, từ chối bình luận về nghi vấn nhiên liệu không đảm bảo chất lượng của tàu góp phần gây ra tai nạn vào rạng sáng 26/3. Doell nói công ty đang "theo dõi sát sao cuộc điều tra từ các cơ quan liên quan và đơn vị vận hành con tàu, song song với nỗ lực điều tra độc lập của hãng".

Người phát ngôn IMO, cơ quan Liên Hợp Quốc xây dựng quy định vận tải biển quốc tế và vận hành hệ thống LRIT, từ chối bình luận về cuộc điều tra tàu Dali.

Quan chức này lưu ý Công ước Quốc tế về Ngăn chặn Ô nhiễm do Tàu thuyền (MARPOL) quy định nhiên liệu cung cấp cho tàu hàng không được phép hòa lẫn với những hóa chất gây hại hoặc hóa chất. Các nước thành viên đều phải thông báo cho IMO khi phát hiện sự cố liên quan MARPOL.

Thanh Danh (Theo NBC)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020