Chuyên mục  


ttxvn_1508_afghanistan.jpgCác nữ sinh tới trường ở Kabul, Afghanistan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 15/8/2023 đánh dấu tròn 2 năm Taliban lên nắm quyền tại Afghanistan.

Sau 2 năm dù đã chứng kiến một số điểm tích cực dưới sự điều hành của lực lượng Taliban song vẫn còn rất nhiều quan ngại về tình hình chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội tại quốc gia Tây Nam Á này.

Đã ghi nhận một số điểm tích cực

Từ tháng 8/2021, Taliban lên nắm quyền tại Afghanistan. Tuy nhiên, cho đến nay chính quyền do Taliban lãnh đạo vẫn chưa được cộng đồng quốc tế công nhận.

Hai năm sau khi lên nắm quyền tại Afghanistan, Taliban đã ngỏ ý muốn xây dựng và phát triển một mối quan hệ tích cực với cộng đồng quốc tế dựa trên cơ sở cùng có lợi.

[Mỹ tiếp tục bày tỏ sự lo ngại về tình hình tại Afghanistan]

Trong thông điệp đưa ra hồi tháng 4 vừa qua, Mawlawi Hibatullah Akhundzada, lãnh đạo chính quyền Taliban ở Afghanistan, khẳng định: “Afghanistan muốn tham gia một cách xây dựng và phát triển quan hệ tích cực với cộng đồng quốc tế, trong đó có các nước láng giềng, các quốc gia Hồi giáo cũng như thế giới nói chung dựa trên cơ sở cùng có lợi và trong khuôn khổ các nguyên tắc Hồi giáo.”

Theo ông Akhundzada, Taliban không muốn can thiệp vào công việc nội bộ của bất kỳ quốc gia nào và cũng trông đợi điều tương tự từ các quốc gia khác.

Đề cập tới những thành tựu đạt được kể từ khi lên nắm quyền, ông Akhundzada khẳng định chính quyền do Taliban lãnh đạo đã giúp chấm dứt xung đột và bảo đảm hòa bình tại Afghanistan, đồng thời đưa nền kinh tế vào quỹ đạo, cấm trồng cây anh túc, cấm chế biến và buôn bán ma túy tại nước này.

Đối với lĩnh vực giáo dục ở Afghanistan vốn thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế, lãnh đạo chính quyền Taliban tại Afghanistan cho rằng Taliban đã đề ra các kế hoạch phát triển lĩnh vực này trong tương lai.

Về an ninh, chính quyền Taliban đã tập trung nỗ lực nhằm bảo đảm an ninh cho đất nước, cam kết không để Afghanistan thành nơi chứa chấp các phần tử khủng bố và đã tiến hành một số cuộc truy quét các phần tử IS.

ttxvn_1508_taliban.jpgNhân viên an ninh Taliban gác tại một trạm kiểm soát ở tỉnh Badakhshan, Afghanistan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mỹ cũng đã công nhận việc Kabul duy trì cam kết không để Afghanistan thành nơi chứa chấp các phần tử khủng bố, trong đó chỉ ra thực tế các cuộc tấn công khủng bố quy mô lớn nhằm vào người Afghanistan đã giảm.

Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng ghi nhận một số diễn biến tích cực kể từ khi Taliban lên nắm quyền, điển hình là tình trạng tham nhũng “giảm đáng kể.”

Ngoài ra, chính quyền Taliban đang triển khai một chiến lược kinh tế tập trung vào nội lực, thông qua việc đầu tư vào các lĩnh vực, như nông nghiệp, thủy lợi, hạ tầng cơ sở, quản lý nước, khai thác mỏ và các ngành công nghiệp tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế.

Giữa tháng 2/2023, chính quyền Taliban tuyên bố đang thúc đẩy kế hoạch chuyển các căn cứ quân sự nước ngoài ở Afghanistan thành những đặc khu kinh tế.

Vẫn còn nhiều quan ngại

Dù Afghanistan đã chứng kiến một số điều tích cực dưới thời của Taliban sau 2 năm cầm quyền, song vẫn còn rất nhiều quan ngại về tình hình chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội và cuộc khủng hoảng nhân đạo.

Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cho biết Afghanistan đang phải chống chọi với cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng do nước này có số lượng người lâm vào tình cảnh mất an ninh lương thực khẩn cấp cao nhất thế giới.

Khoảng 20 triệu người, chiếm gần 50% dân số Afghanistan, đang hứng chịu khủng hoảng do mất an ninh lương thực và 6 triệu người đang đứng bên bờ vực của nạn đói.

Trong khi đó, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết cuộc sống của hơn 8.000 trẻ em tại Afghanistan đang gặp nguy hiểm do mất an ninh lương thực.

Liên hợp quốc cảnh báo Afghanistan tiếp tục đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới khi ước tính 28,3 triệu người dân Afghanistan, chiếm gần 70% dân số nước này, sẽ phải sống dựa vào viện trợ nhân đạo trong năm 2023, tăng mạnh so với mức 24,4 triệu người vào năm 2022.

ttxvn_1508_afghanistan2.jpgPhụ nữ trồng lúa mỳ trên cánh đồng tại Dara-i Noor, tỉnh Nangarhar, Afghanistan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hiện Afghanistan phải đối mặt với hạn hán và suy thoái kinh tế năm thứ hai liên tiếp.

Sản lượng kinh tế của Afghanistan đã giảm 20,7% sau khi lực lượng Taliban trở lại nắm quyền vào năm 2021.

Bất chấp những dấu hiệu phục hồi, như tỷ giá hối đoái tương đối ổn định, xuất khẩu và nhu cầu lao động ngày càng tăng và lạm phát giảm, GDP của Afghanistan tiếp tục giảm 3,6% trong năm 2022.

Điều làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế là sự cô lập quốc tế với Afghanistan.

Viện trợ nước ngoài gần như bị cắt hoàn toàn do chính phủ không giữ lời hứa duy trì cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái.

Quyền của phụ nữ là một điểm mấu chốt trong các cuộc đàm phán về viện trợ và sự công nhận quốc tế đối với chính quyền Taliban.

Sau khi lên nắm quyền, dù cam kết áp dụng các quy định Hồi giáo mềm dẻo hơn so với giai đoạn cầm quyền đầu tiên 1996-2001, nhưng Taliban đã từng bước đưa ra các biện pháp hạn chế đời sống xã hội, nhất là đối với phụ nữ.

Năm 2022, Taliban đã cấm trẻ em gái Afghanistan học tiểu học, đóng cửa phần lớn trường trung học dành cho nữ sinh, không cho phụ nữ học đại học và ngăn các nữ nhân viên làm việc cho cơ quan cứu trợ Afghanistan.

Nhiều địa điểm công cộng như nhà tắm công cộng, phòng tập thể thao và công viên cũng cấm phụ nữ vào.

Việc đàn áp phụ nữ là một trở ngại lớn đối với việc nối lại viện trợ nước ngoài cho Afghanistan.

Hệ quả là Mỹ và nhiều tổ chức quốc tế đã đóng băng hàng tỷ USD mà lẽ ra sẽ hỗ trợ cho nền kinh tế Afghanistan.

Liên hợp quốc khuyến cáo nền kinh tế Afghanistan sẽ gặp rủi ro nếu viện trợ tiếp tục cạn kiệt.

Trong khi đó, chính phủ các nước phương Tây và các tổ chức quốc tế cho rằng các hạn chế đối với phụ nữ cũng đang cản trở mọi bước tiến để quốc tế công nhận chính quyền Taliban.

Bất ổn an ninh cũng vẫn là thách thức với Afghanistan. Dù lực lượng Taliban điều hành Afghanistan đang tập trung nỗ lực nhằm bảo đảm an ninh cho đất nước và đã thực hiện nhiều chiến dịch vây bắt các thành viên của tổ chức khủng bố IS song thủ đô Kabul và các trung tâm đô thị khác vẫn hứng chịu một số vụ tấn công ít thương vong trong những tháng gần đây.

Đất nước Afghanistan vẫn còn ngổn ngang sau 2 năm Taliban lên nắm quyền. Do đó, giới chuyên gia cho rằng rất cần sự can dự hơn nữa với Taliban của cộng đồng để thúc đẩy chính quyền này hành động vì lợi ích của người dân nhằm giúp Afghanistan có được hướng đi bền vững và tôn trọng các chuẩn mực của cộng đồng quốc tế./.

(Vietnam+)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020