Chuyên mục  


linhukrainekhaihoabakhmutreuters-1678757072128.jpg

Binh sĩ Ukraine khai hỏa ở Bakhmut (Ảnh: Reuters).

"Cửa sổ cơ hội chỉ mở ra trong năm nay. Sau mùa đông tới, cơ hội sẽ vô cùng khó khăn để duy trì mức viện trợ như hiện tại", Tổng thống Séc Petr Pavel nói với báo Rzeczpospolita của Ba Lan.

Tổng thống Séc cho rằng, trong bối cảnh Mỹ sẽ tập trung sự quan tâm vào các vấn đề trong nước vào năm tới, Ukraine có thể sẽ không còn nhận được viện trợ để tiếp tục chiến dịch quân sự.

"Ukraine sẽ chỉ có một lần nỗ lực để khởi động một cuộc phản công lớn. Nếu thất bại, họ sẽ vô cùng khó khăn để có được viện trợ cho lần tiếp theo", ông Pavel cảnh báo.

Đại tướng Petr Pavel là một quan chức quân sự cao cấp của Cộng hòa Czech. Ông từng giữ chức vụ Tổng tham mưu trưởng quân đội Czech từ năm 2012-2015 trước khi được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO vào tháng 6/2015. Ông được bầu làm Tổng thống Cộng hòa Czech trong cuộc bầu cử vào tháng 1/2023.

Ông Pavel dự đoán mối quan tâm của Mỹ trong việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine có thể sẽ giảm dần vào năm 2024. Vào thời điểm đó, trọng tâm chính trị ở Mỹ sẽ chuyển sang chiến dịch tranh cử tổng thống và quan hệ Mỹ - Trung có thể là vấn đề chính sách đối ngoại hàng đầu của Washington. Chính trị gia này dự đoán các quốc gia châu Âu cũng có thể sẽ giảm viện trợ cho Ukraine.

Theo Tổng thống Pavel, chính Ukraine sẽ quyết định điều gì dẫn đến chiến thắng của nước này trước Nga, điều mà cựu tư lệnh NATO đảm bảo sẽ xảy ra. Nhưng nếu Ukraine thất bại, bất chấp mọi sự giúp đỡ của phương Tây, một "cuộc chiến tiêu hao kéo dài" sẽ nổ ra.

Ông Pavel hồi tháng 2 khẳng định Ukraine đang phòng thủ lãnh thổ một cách hiệu quả và họ có cơ hội tốt để giành chiến thắng cuối cùng trước Nga. Tuy nhiên, chiến thắng này phụ thuộc vào nhiều điều kiện khác nhau.

Theo ông Pavel, có 3 điều kiện chính mà các quốc gia phương Tây có thể làm để hỗ trợ Ukraine cho đến khi xung đột giữa Moscow và Kiev chấm dứt với phần thắng thuộc về quân đội Ukraine.

Điều kiện đầu tiên là việc các quốc gia đồng minh có thể duy trì mức độ cung cấp vũ khí như hiện nay cho Ukraine. Điều kiện thứ hai là nguồn hỗ trợ tài chính đầy đủ cho Ukraine, qua đó bù đắp những thiệt hại kinh tế cho quốc gia này. Cuối cùng, Liên minh châu Âu (EU) cần phải duy trì các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga để ngăn cản Moscow leo thang xung đột.

Cuối năm ngoái, Bộ Quốc phòng Nga ước tính các nước phương Tây đã cung cấp cho Ukraine số vũ khí, đạn dược, trang thiết bị với trị giá lên tới 97 tỷ USD. Moscow nhiều lần cảnh báo phương Tây rằng, việc trang bị vũ khí cho Ukraine chỉ khiến xung đột kéo dài và có nguy cơ dẫn đến một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm nay 20/3 nói rằng chính quyền Mỹ đang trì hoãn việc giải quyết vấn đề ở Ukraine, thậm chí không cho phép các trận chiến ngừng lại dù chỉ một chút.

"Mỹ vẫn duy trì lập trường của họ, đó là kích động thêm xung đột, ngăn cản việc giảm cường độ chiến đấu và tiếp tục cung cấp cho Ukraine nhiều hệ thống vũ khí khác nhau", ông Peskov nói.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020