Tòa án quận Tây Seoul ngày 7/1 gia hạn lệnh bắt Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol theo đề nghị từ Văn phòng Điều tra Tham nhũng Quan chức cấp cao (CIO). Đây là lần đầu tiên một tổng thống đương nhiệm của Hàn Quốc bị phát lệnh bắt, kéo theo những tình huống chưa có tiền lệ.
Với quyết định gia hạn của tòa án, cuộc chiến liên quan đến lệnh bắt ông Yoon giữa các điều tra viên với Cơ quan An ninh Tổng thống (PSS) và những người ủng hộ ông sẽ tiếp tục kéo dài, bộc lộ những thách thức mà nền dân chủ Hàn Quốc phải đối mặt.
"Tình hình làm dấy lên lo ngại rằng các thể chế dân chủ đang không hoạt động hiệu quả trong nền chính trị phân cực ở Hàn Quốc", Ellen Kim, chủ tịch viện nghiên cứu Hàn Quốc tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS), trụ sở ở Mỹ, nói.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Seok-yeol phát biểu ngày 7/12. Ảnh: Reuters
Cuộc khủng hoảng tại Hàn Quốc bắt đầu khi Tổng thống Yoon đêm 3/12 bất ngờ ban bố thiết quân luật, làm rung chuyển quốc gia vốn được ca ngợi vì nền dân chủ phát triển. Việc quân đội Hàn Quốc được triển khai thực thi các quy định nghiêm ngặt trong thiết quân luật khiến nhiều người nhớ lại thời kỳ đen tối của chế độ độc tài quân sự thập niên 1970.
Hàng loạt người dân đổ ra đường biểu tình phản đối, quốc hội phải họp khẩn trong đêm để thông qua nghị quyết gỡ bỏ thiết quân luật. Loạt diễn biến ban đầu cho thấy sức kháng cự của nền dân chủ Hàn Quốc, khi các thể chế nhanh chóng hành động để ngăn chặn bất ổn và luận tội Tổng thống. Nhưng chỉ vài tuần sau, nó cũng dần bộc lộ điểm yếu trước những tình huống chưa từng thấy trong lịch sử đất nước.
Ông Yoon bị điều tra về quyết định ban thiết quân luật, trong đó có cáo buộc đứng sau cuộc nổi loạn và lạm quyền, và bị tòa án phát lệnh bắt lần đầu hôm 31/12. Tại Hàn Quốc, tổng thống có quyền miễn tố, nhưng không áp dụng với cáo buộc nổi loạn hoặc phản quốc.
Các điều tra viên hôm 3/1 đã đến dinh thự ông Yoon để thực thi lệnh bắt, nhưng vấp phải sự cản trở quyết liệt của PSS, lực lượng an ninh tinh nhuệ và chỉ nhận lệnh từ Tổng thống. Khi không có sự đồng ý của ông Yoon, các điều tra viên và cảnh sát không được phép vào trong dinh Tổng thống để bắt người.
"Chúng tôi có các thể chế chính trị và pháp quyền, nhưng sau cùng lại phải dựa vào thiện chí của cá nhân nắm quyền để làm điều đúng đắn", Mason Richey, giáo sư quan hệ quốc tế Đại học Hankuk, Seoul, nói.
Lệnh bắt ông Yoon cũng bộc lộ những lỗ hổng trong luật pháp Hàn Quốc mà phe chỉ trích cho rằng đang bị ông Yoon khai thác để tránh bị truy tố. Tổng thống Yoon từng làm trong ngành tư pháp, là công tố viên trưởng Hàn Quốc giai đoạn 2019-2021 trước khi vào chính trường.
Tổng thống nhiều lần phớt lờ lệnh triệu tập để thẩm vấn, buộc CIO phải xin lệnh bắt để tạm giữ ông trong 48 giờ, quy trình thường triển khai trước lệnh bắt chính thức và có thể truy tố. Các luật sư của ông Yoon cho rằng CIO không có thẩm quyền để điều tra cáo buộc nổi loạn, cho rằng lệnh bắt là "phi pháp và vô giá trị" và đã kháng cáo lên Tòa án Tối cao.
Giám đốc PSS Park Jong-joon tuyên bố sẽ ngăn chặn các công tố viên đến cùng, thậm chí đe dọa sẽ có biện pháp pháp lý với họ vì "xâm phạm an ninh quân sự". Theo luật pháp Hàn Quốc, các địa điểm có khả năng liên quan đến bí mật quân sự như dinh Tổng thống không thể bị khám xét mà không có sự đồng ý của người phụ trách.
Giới chuyên gia cho rằng ở các nước khác, không có cơ sở pháp lý nào để một cá nhân phản đối hay từ chối tuân thủ lệnh bắt đã được tòa án phê chuẩn như vậy.
"Họ tạo ra tranh cãi pháp lý và lấy đó làm lý do để ngăn thi hành lệnh bắt", Yoon Kwang-il, nhà khoa học chính trị tại Đại học Nữ sinh Sookmyung ở Seoul, nói.
Trong khi đó, các thẩm phán Tòa án quận Tây Seoul vẫn do dự trong việc phát lệnh bắt giam hoặc khám xét với tổng thống. Họ cho rằng những phương án này chỉ khả thi nếu có bằng chứng rõ ràng về hành động nổi loạn, điều mà các công tố viên chưa đủ lập luận chứng minh.
"Trên cương vị Tổng thống, ông Yoon phải giải quyết mọi cáo buộc nhằm vào mình và trình diện để các điều tra viên thẩm vấn nếu cần thiết", tờ Korea Times bình luận. "Không ai ở trên luật pháp và phải tôn trọng pháp quyền. Ông Yoon nên giữ lời hứa trước đây rằng sẽ hợp tác trong quá trình điều tra".
Người ủng hộ ông Yoon Suk-yeol biểu tình phản đối tòa án phát lệnh bắt Tổng thống tại Seoul ngày 2/1. Ảnh: AP
Loạt diễn biến còn dấy lên câu hỏi về khả năng điều hành đất nước sau hàng loạt biến động liên quan vị trí lãnh đạo. Chỉ trong vài tuần, Hàn Quốc chứng kiến hai cuộc luận tội, khiến Tổng thống Yoon và người thay thế ông là Thủ tướng Han Duck-soo bị đình chỉ quyền lực, chính trường trở nên phân cực rõ rệt với hai phe là đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) cầm quyền và đảng Dân chủ (DP) đối lập.
Nếu ông Yoon bị phế truất, Hàn Quốc phải tổ chức bầu cử trong hai tháng và khả năng cao lãnh đạo DP Lee Jae-myung đắc cử. Kịch bản này thúc đẩy phe bảo thủ, thậm chí là những nghị sĩ phản đối thiết quân luật, chọn bảo vệ ông Yoon nhằm tránh thất bại như khi bà Park Geun-hye bị luận tội năm 2017.
Sự chú ý dồn về ông Choi Sang-mok, người đang đảm đương cùng lúc 4 vị trí quyền Tổng thống, quyền Thủ tướng, Phó thủ tướng và Bộ trưởng Tài chính. Phe đối lập đang kêu gọi ông Choi can thiệp, yêu cầu PSS hợp tác với các nhà điều tra, giúp tăng khả năng bắt ông Yoon. Nhưng nếu can thiệp, quyền Tổng thống Choi sẽ đối mặt thêm thách thức trong quá trình lãnh đạo, bởi ông vốn đang bị các nghị sĩ PPP chỉ trích sau quyết định bổ nhiệm hai thẩm phán Tòa án Hiến pháp.
Ông Choi "đang đi trên dây, do thẩm quyền của quyền Tổng thống cũng có hạn", chuyên gia Kim của CSIS bình luận. "Ông Yoon vẫn là Tổng thống, chỉ đang bị đình chỉ quyền lực, khiến tình thế rất phức tạp".
Hiện chưa rõ cuộc đấu liên quan tới lệnh bắt ông Yoon sẽ ngã ngũ ra sao, nhưng cuộc khủng hoảng hiện tại phần nào đã gây thiệt hại cho kinh tế Hàn Quốc, khi đồng won mất giá mạnh nhất so với USD kể từ năm 2019, gây áp lực lên thị trường ngoại hối và thị trường chứng khoán.
Yoon Walker, nhà nghiên cứu về Hàn Quốc tại Đại học London, Anh, nhận định khi cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài, Hàn Quốc sẽ tiếp tục đối mặt nhiều bất ổn và thách thức trong năm 2025. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lạc quan về nền dân chủ Hàn Quốc, cho rằng khủng hoảng hiện tại chỉ là tình huống bất ngờ và quốc gia này sẽ sớm ổn định tình hình, khôi phục niềm tin của công chúng.
Như Tâm (Theo Washington Post, Korea Times)