Trong diễn văn nhậm chức ngày 20/1, Tổng thống Donald Trump dường như báo hiệu sẵn sàng làm rung chuyển các lĩnh vực chính sách cả trong và ngoài nước Mỹ. Một ngày sau, ông nhắc lại lời đe dọa áp thuế với hàng hóa của Liên minh châu Âu (EU) vào Mỹ, tuyên bố EU "rất, rất tệ với chúng tôi".
"Họ sẽ là nhóm tiếp theo bị áp thuế. Đó là cách duy nhất. Chúng ta phải có sự công bằng", tân Tổng thống Mỹ nói. Nhưng tuyên bố của ông khiến không ít lãnh đạo chính phủ và doanh nghiệp châu Âu lo ngại về tương lai bấp bênh trong quan hệ với Mỹ.
"Chúng tôi tin Tổng thống Trump sẽ khiến chúng tôi bất ngờ, nhưng không biết điều bất ngờ sẽ là gì", Andy Hunder, chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ ở Ukraine, nói.
Tuy nhiên, sau khi chứng kiến những biến động trong nhiệm kỳ thứ nhất của ông Trump, EU dường như đã có sự chuẩn bị từ trước. Ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành EU, đã thành lập nhóm đối phó với tân Tổng thống của Mỹ và đôi khi được gọi là "nhóm chuyên trách về Trump", dù chưa từng công bố chính thức. Nhóm đã dành phần lớn thời gian năm 2024 để nghiên cứu loạt biện pháp tiềm năng để ứng phó với những thay đổi trong chính sách thương mại và đối ngoại của Mỹ dưới thời ông Trump.
"Nếu cần phải bảo vệ các lợi ích kinh tế của mình, chúng tôi sẽ ứng phó một cách thích hợp", Valdis Dombrovskis, ủy viên EU về kinh tế, ngày 22/1 tuyên bố, đề cập đến lời đe dọa áp thuế của ông Trump. "Chúng tôi sẵn sàng bảo vệ các giá trị, cũng như quyền, lợi ích của mình nếu cần thiết".
Nhưng kinh nghiệm mà EU đã rút ra được từ nhiệm kỳ đầu của ông Trump là chỉ trích tổng thống Mỹ quá công khai không phải là cách hiệu quả và thậm chí có thể đối mặt những phản ứng đáp trả không mong muốn. Vì vậy, các công ty và chính phủ châu Âu đều cố gắng tránh "chọc giận" lãnh đạo của cường quốc hàng đầu thế giới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos năm 2020. Ảnh: EC
Olof Gill, phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu, xác nhận sự tồn tại của nhóm ứng phó với ông Trump, nhưng lưu ý rằng nó đã hoạt động trong suốt năm 2024, trước khi ông Trump thắng cử, và không được gọi chính thức là "nhóm chuyên trách về Trump".
Nhóm do Alejandro Cainzos, nhân viên giàu kinh nghiệm về quan hệ quốc tế, lãnh đạo. Họ có nhiều nhiệm vụ khác nhau, nhưng tập trung vào thuế quan, theo nhiều nguồn tin am hiểu vấn đề.
Giới quan sát cho rằng các lãnh đạo châu Âu không bình luận nhiều về công việc của nhóm này là vì muốn "giữ cho họ đường lui". Jorn Fleck, giám đốc cấp cao của Trung tâm châu Âu thuộc tổ chức Hội đồng Đại Tây Dương, nhận xét EU hiện là khối có kỷ luật hơn so với thời nhiệm kỳ đầu của ông Trump và "không bị lôi kéo vào các vòng xoáy đáp trả chính trị".
Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy ban châu Âu, sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11/2024 nói rằng châu Âu có thể mua thêm khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Mỹ. Đây là điều mà ông Trump đã nói châu Âu cần làm để tránh bị áp thuế.
"Một điều họ có thể làm nhanh chóng là mua dầu và khí đốt của chúng tôi. Nếu họ không làm vậy, chúng tôi sẽ giải quyết vấn đề bằng thuế quan", ông Trump nhắc lại lập trường sau lễ nhậm chức ngày 20/1.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos ngày 21/1, bà Von der Leyen tránh chỉ trích trực tiếp Tổng thống Mỹ và vạch tầm nhìn chung về cách châu Âu có thể phản ứng với các hạn chế thương mại nói chung.
"Rất nhiều thứ đang bị đe dọa đối với cả hai bên", bà nói và thêm rằng ưu tiên hàng đầu là đàm phán. "Chúng tôi sẽ thực dụng, nhưng sẽ luôn giữ vững nguyên tắc, bảo vệ lợi ích và duy trì các giá trị của mình".
Bà khẳng định châu Âu vẫn có "thương mại lớn nhất thế giới", cùng với các tiêu chuẩn xã hội và môi trường cao hơn, bất bình đẳng thấp hơn "tất cả đối thủ cạnh tranh toàn cầu của chúng tôi".
Lãnh đạo châu Âu tránh chỉ trích công khai, nhưng cũng có tạo ra sự tương phản rõ rệt với Mỹ. Bà nói khối là đối tác dễ dự đoán, trong khi nhiều người khác thường mô tả ông Trump là người khó đoán.
"Tại châu Âu, những gì bạn thấy sẽ là những gì bạn nhận được. Chúng tôi tuân thủ quy tắc. Các thỏa thuận của chúng tôi không có những điều khoản ngầm", bà nói.
Vào thời điểm ông Trump cảnh báo về thuế quan và chính sách "Nước Mỹ trước tiên", bài phát biểu của lãnh đạo Ủy ban châu Âu dường như nhằm gửi tín hiệu ngược lại rằng châu Âu sẵn sàng làm việc với bất kỳ ai.
"Chúng ta phải tìm kiếm cơ hội mới ở bất kỳ nơi nào. Đây là thời điểm để vượt ra những ranh giới và điều cấm kỵ để hợp tác. Châu Âu đã sẵn sàng cho những thay đổi", bà nói.
Châu Âu đang hướng tới đa dạng hóa các mối quan hệ thương mại ngoài Mỹ. Trong khi ông Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở biên giới phía nam và chuẩn bị áp thuế với Mexico, bà Von der Leyen đề cập tới quan hệ thương mại của EU với khu vực Mỹ Latin. Dù thừa nhận mối đe dọa từ các hoạt động kinh tế "không công bằng" của Trung Quốc, bà cũng nói châu Âu cần "làm việc mang tính xây dựng" với Bắc Kinh.
Lãnh đạo châu Âu cũng dự kiến giới thiệu kế hoạch cải cách lớn vào đầu tháng 2, nhằm giải phóng sức mạnh kinh tế của châu lục. Kế hoạch cũng dự kiến cắt giảm thủ tục hành chính đối với các doanh nghiệp khi tạo ra "bộ quy định duy nhất" cho toàn liên minh.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (thứ ba từ trái sang) trong hội nghị thượng đỉnh EU - Mỹ tại Nhà Trắng, tháng 10/2023. Ảnh: AFP
Châu Âu sẵn sàng ứng phó với những biến động trong 4 năm nhiệm kỳ của ông Trump, nhưng một số chuyên gia cảnh báo rằng bất kỳ nỗ lực chuẩn bị nào cũng có hạn chế nhất định.
Ignacio Garcia Bercero, cựu quan chức Tổng cục Thương mại của Ủy ban châu Âu và hiện là thành viên tổ chức nghiên cứu Bruegel, cho rằng tình hình năm 2017 "là mối đe dọa hạn chế hơn nhiều" so với hiện tại. Lần này, ông Trump dọa áp thuế quan toàn diện, thay vì đánh thuế với một số ngành công nghiệp cụ thể như nhôm, thép trước đây.
Các nhà phân tích nói quyết sách trong nhiệm kỳ hai của ông Trump có thể trải rộng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là năng lượng, thương mại và quốc phòng.
Fleck cũng cho rằng để ứng phó với ông Trump, châu Âu cần phải "sáng tạo hơn nhiều".
Giới quan sát nhận định sự trở lại của ông Trump đang thúc đẩy những thay đổi. Ian Lesser, phụ trách Quỹ German Marshall ở Brussels, lưu ý rằng dù những cảnh báo của ông Trump có thể khiến châu Âu phải tăng ngân sách quân sự, thay đổi này là thực sự cần thiết.
"Những câu hỏi lớn mà ông ấy đặt ra chỉ giúp củng cố thêm những lo ngại hiện có", Lesser nói.
Trong khi nhiều người châu Âu lo lắng ông Trump có thể đạt thỏa thuận với một số nước và khiến liên minh chia rẽ, một số người lạc quan rằng áp lực từ Mỹ cũng có thể giúp châu Âu xích lại gần nhau và gần các đối tác hơn.
"Tôi nghĩ rằng công chúng sẽ thấy châu Âu thể hiện sức mạnh trong các cuộc đàm phán với tư cách là một khối thống nhất", Beata Javorcik, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu, nói.
Thùy Lâm (Theo Politico, CNBC, Reuters)