Chuyên mục  


wilmut-16945164988672109605792.png

Ông Ian Wilmut và cừu Dolly - Ảnh: GUARDIAN

Ngày 11-9, Hãng tin AP đưa tin nhà khoa học người Anh Ian Wilmut, “cha đẻ” cừu Dolly - con cừu được nhân bản vô tính đầu tiên, đã qua đời ở tuổi 79.

AP dẫn nguồn tin từ Đại học Edinburgh (Scotland, Vương quốc Anh) cho biết ông Wilmut qua đời một ngày trước đó do bệnh Parkinson (rối loạn thoái hóa thần kinh).

Năm 1996, ông Wilmut cùng cộng sự là Keith Campbell và các nhà nghiên cứu động vật thuộc Viện Roslin của Đại học Edinburgh đã nhân bản vô tính thành công, tạo ra cừu Dolly từ tuyến vú của một con cừu cái khác.

Trước đó, các nhà khoa học đã nhân bản vô tính nhiều loài động vật bằng mô phôi. Tuy nhiên, Dolly là động vật có vú đầu tiên trên thế giới ra đời bằng phương pháp nhân bản vô tính, cụ thể là áp dụng kỹ thuật chuyển nhân tế bào.

Câu chuyện của cừu Dolly đã thúc đẩy các nhà khoa học nhân bản các loài động vật khác gồm chó, mèo, ngựa và bò mộng, đặt ra khả năng nhân bản vô tính con người và các loài đã tuyệt chủng.

Ông Wilmut sau đó tập trung sử dụng kỹ thuật nhân bản để tạo ra tế bào gốc áp dụng vào y học tái tạo, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong nghiên cứu điều trị các bệnh di truyền và thoái hóa.

Viện Roslin cho biết ông Wilmut được phong tước hiệp sĩ nhờ những đóng góp cho khoa học vào năm 2008 và nghỉ hưu vào năm 2012. Ông Wilmut đã nghiên cứu về bệnh Parkinson khi được chẩn đoán mắc phải căn bệnh này.

Chia sẻ với Hãng tin AP ngày 11-9, Giám đốc Viện Roslin Bruce Whitelaw cho biết ông “vô cùng đau buồn” trước sự ra đi của ông Wilmut. Ông Whitelaw đã mô tả nhà khoa học người Anh là “cây đại thụ” trong giới nghiên cứu và thành tựu tạo ra cừu Dolly là bước đột phá thúc đẩy nhiều tiến bộ trong lĩnh vực y học tái tạo.

Thành tựu của ông Ian Wilmut được nhiều nhà khoa học xem là một cuộc cách mạng, nhưng cũng có không ít lời chỉ trích cho rằng thí nghiệm này là phi nhân tính.

Chỉ một năm sau khi Dolly ra đời, tổng thống Mỹ thời điểm đó là ông Bill Clinton đã ban hành lệnh cấm sử dụng nguồn quỹ liên bang cho mục đích nhân bản con người.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020