Lõi một quả bom chùm sau khi đã thả hết bom con tại vùng Kharkhov - Ảnh: REUTERS
Bom chùm mang lại ưu thế chiến trường
Ngày 6-7, ba nguồn tin quan chức Mỹ cho biết nước này có kế hoạch gửi bom chùm tới Ukraine.
Đúng một tuần sau, ngày 13-7, người phát ngôn quân đội Ukraine Valeryi Shershen cho biết Ukraine đã nhận số bom chùm trên, bất chấp những tranh cãi nảy lửa quanh tính nhân đạo của loại vũ khí này.
Theo báo New York Times, đến nay, sau gần hai tháng bom chùm Mỹ đến Ukraine, nhiều binh sĩ, quan chức của cả hai nước đều khẳng định chúng đang mang lại những khác biệt đáng kể.
"Chúng siêu hiệu quả. Khi binh sĩ của chúng tôi thấy cách chúng tôi dùng chúng chống lại đối phương, tinh thần lên cao", một lính thủy đánh bộ Ukraine với mật danh Serhiy, từng tham gia trận đánh giành lấy làng Urozhaine (Donetsk) chia sẻ với báo New York Times.
Không chỉ nâng cao tinh thần binh sĩ, bom chùm còn đang giúp Ukraine chia tách các cứ điểm phòng thủ ở phía nam, gia tăng sức ép lên binh sĩ Matxcơva ở phía đông và ngăn chặn các đòn tấn công của Nga ở hướng đông bắc.
Cách thức hoạt động của bom chùm là khi bom mẹ gần đến mục tiêu, các bom con sẽ được bung ra, cùng phát nổ trên một diện tích rộng lớn.
Do đó, vũ khí này của Ukraine đang đặc biệt hiệu quả khi nhắm vào các mục tiêu đang phân tán trên địa hình không che chắn.
Các điểm tập trung quân sĩ, hệ thống pháo, hệ thống phòng không, kho đạn, trạm radar và phương tiện đi lại chính là những mục tiêu của pháo binh Ukraine dùng bom chùm.
Bà Laura K. Cooper, phó trợ lý bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách Nga, Ukraine và Âu - Á nhận xét: "Từ các báo cáo của Ukraine, chúng ta có thể thấy bom chùm đang mang lại hiệu quả cao bằng những đặc tính của mình".
Bom chùm không thể là "thuốc chữa bách bệnh"
Quân nhân Ukraine cầm một quả bom chùm được cho của tên lửa Nga tại Kharkov năm 2022 - Ảnh: REUTERS
Tuy được đánh giá mang lại hiệu quả cao, bom chùm vẫn không thể là liều "thuốc chữa bách bệnh" cho quân đội Ukraine.
Dù hiệu quả trên địa hình trống trải, vũ khí này lại khá vô hại với các cứ điểm kiên cố của Nga. Cho đến nay, đường hào, boong ke vẫn là trở ngại lớn nhất cho cuộc phản công của Ukraine.
Ông Can Kasapoğlu, giám đốc mảng nghiên cứu quốc phòng tại Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách đối ngoại ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), phân tích: "Vấn đề chiến lược của cuộc phản công là Ukraine đang chiến đấu với đối phương phòng thủ kiên cố trong các công sự. Ở đây, bom chùm đạt giới hạn của mình.
Chúng có thể hiệu quả khi sử dụng chung với các loại đạn pháo khác. Tuy nhiên, khi một mình, chúng không phải cây đũa thần".
Trong khi đó, ông Gian Luca Capovin và ông Alexander Stronell, nhà phân tích tại công ty an ninh tình báo Janes (Anh), nhận định việc Ukraine sử dụng bom chùm tại các vùng Donetsk và Zaporizhzhia cho đến nay "chưa mang lại hiệu quả quyết định nào".
Tuy nhiên, theo ước tính của giới chức Mỹ, các lực lượng Ukraine đang sử dụng trung bình 8.000 viên đạn pháo mỗi ngày. Trong đó, số lượng bom chùm tính theo hàng trăm.
Với đà này, bom chùm Mỹ khả năng cao sẽ trở thành "khí tài thường trực trong kho vũ khí của Ukraine".
Điều này đặc biệt đúng khi có ít nhất ba quan chức cấp cao của Mỹ đã chia sẻ với báo New York Times rằng Washington đang lên kế hoạch chuyển giao các lô bom chùm tiếp theo cho Kiev.