Chuyên mục  


ba-lan-17313157630671027223960.jpg

Binh sĩ Ba Lan dựng hàng rào kẽm gai ở gần làng Szyliny, đông bắc Ba Lan, giáp biên giới vùng Kaliningrad của Nga - Ảnh: DAILY MAIL

Theo Nghị viện châu Âu (EP), chiều dài các dãy hàng rào kẽm gai dọc theo đường biên giới, bao gồm cả biên giới bên ngoài và nội bộ trong Liên minh châu Âu (EU), đã tăng gần gấp bảy lần từ năm 2014 đến 2022. Cụ thể, từ mức ban đầu 315km, các hàng rào này hiện đã kéo dài tới 2.048km.

Các chuyên gia tại châu Âu cảnh báo những bức tường và hàng rào kẽm gai nhằm ngăn cản dòng người di cư này đã vô tình tạo ra tác động đáng kể đến động vật.

Trong cuộc phỏng vấn với trang EuroNews ngày 10-11, ông Eugene Simonov, nhà hoạt động và nhà nghiên cứu từ một nhóm chuyên nghiên cứu tác động môi trường của xung đột Nga - Ukraine, cho biết các hàng rào biên giới đang làm gia tăng nguy cơ tử vong đối với động vật.

Theo ông, các loài động vật có vú lớn và các loài chim đặc biệt dễ bị mắc kẹt và bị thương khi vướng phải các hàng rào kẽm gai hoặc hàng rào điện.

Ông Simonov cho biết thêm rằng các đàn động vật có móng guốc có thể gặp nguy hiểm nghiêm trọng, thậm chí chết hàng loạt, khi bị mắc kẹt vào các hàng rào trong lúc chen chúc di chuyển qua các biên giới như Nga - Mông Cổ hoặc Nga - Trung Quốc trong mùa di cư.

Tuy vậy, một số nhà nghiên cứu khác lại nhận định rằng các loài động vật hoàn toàn có khả năng thích nghi với môi trường thay đổi, tự điều chỉnh hành vi để ứng phó với các rào cản hiện tại.

Giáo sư chuyên ngành bảo tồn học tại Đại học Newcastle (Anh) Matthew Hayward cho biết một số loài động vật đang học cách kết hợp các hàng rào với chiến lược săn mồi của chúng, giúp chúng có thể săn được các con mồi lớn hơn, “ngon lành” hơn.

Mặc dù điều này có thể có lợi đối với những loài động vật săn mồi nhưng theo ông Hayward, đây có thể được tính là hành vi bất thường trong tự nhiên, tạo ra áp lực mới cho các con mồi.

Vị giáo sư này đã dành một khoảng thời gian dài để nghiên cứu quần thể bò rừng bizon, chó sói, hưu và linh miêu châu Âu tại khu vực rừng Białowieża ở biên giới Ba Lan - Belarus. Đây là một trong những khu rừng cổ xưa nhất còn tồn tại ở châu Âu.

Tuy nhiên thời gian gần đây, Chính phủ Ba Lan đã xây dựng một đoạn hàng rào cao 5,5m, dài hơn 180km để ngăn dòng người di cư bất hợp pháp tràn vào Ba Lan.

Giáo sư Hayward nói rằng con người gia tăng hoạt động tuần tra tại khu vực biên giới khiến các loài động vật sợ hãi, hoảng loạn hơn.

Đoạn hàng rào này cũng ngăn các đàn động vật hoang dã di cư đến các khu vực rộng lớn hơn để tìm kiếm thức ăn hoặc di cư đến những nơi có thời tiết phù hợp hơn.

Việc bị ngăn cản di cư khiến một số loài động vật buộc phải thay đổi tập tính. Điển hình như loài bò rừng bizon buộc phải chiến đấu với đàn gia súc của người dân địa phương để tìm được thức ăn.

Không chỉ thay đổi về tập tính, những hàng rào kẽm gai ở các đường biên giới còn làm hạn chế nguồn gene của chúng, khiến chúng trở nên yếu ớt hơn, dễ mắc bệnh hơn.

Trước tình hình này, giáo sư Hayward đề xuất chính phủ các nước đưa ra chính sách thân thiện hơn đối với dòng người di cư, bổ sung thêm nhiều viện trợ nước ngoài hơn để giải quyết các vấn đề hiện hành, từ đó tiến đến giảm số lượng người di cư.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020