Trong tài liệu công bố ngày 12/11, Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury tại bang California, Mỹ nhận định Trung Quốc đã lắp đặt nguyên mẫu lò phản ứng hạt nhân được thiết kế cho chiến hạm cỡ lớn tại một cơ sở gần thành phố Lạc Sơn, tỉnh Tứ Xuyên.
Các chuyên gia thuộc viện nghiên cứu Middlebury đưa ra kết luận trên sau khi nghiên cứu ảnh vệ tinh, hồ sơ thầu, danh sách nhân sự và tác động tới môi trường. Ban đầu họ cho rằng Trung Quốc xây dựng lò phản ứng tại đây để sản xuất plutonium hoặc tritium cho vũ khí hạt nhân.
"Lò phản ứng đặt trong cơ sở mới được xây dựng có tên Căn cứ số 909, trực thuộc Viện Năng lượng hạt nhân Trung Quốc", tài liệu có đoạn. "Viện Nghiên cứu số 701, đơn vị chịu trách nhiệm phát triển tàu sân bay, đã mua lò phản ứng để lắp trên chiến hạm mặt nước cỡ lớn".
Khu vực thuộc cơ sở mà các chuyên gia Mỹ gọi là Căn cứ số 909 ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc ngày 5/7. Ảnh: AP
Dự án này nằm trong lĩnh vực quốc phòng, cho thấy "lò phản ứng cỡ lớn nói trên là nguyên mẫu cho thiết bị dùng trên tàu sân bay thế hệ tiếp theo", các chuyên gia Mỹ đánh giá.
Trung Quốc chưa bình luận về nhận định của viện nghiên cứu Mỹ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình giao nhiệm vụ cho các quan chức quốc phòng phát triển hải quân nước này thành "lực lượng hạng nhất", đồng thời đưa Trung Quốc trở thành cường quốc hàng hải.
Sách trắng quốc phòng công bố năm 2019 của Trung Quốc cho biết hải quân nước này đang điều chỉnh cơ cấu theo các yêu cầu chiến lược mới, thông qua "đẩy nhanh quá trình chuyển đổi nhiệm vụ từ phòng thủ trên vùng biển gần bờ sang nhiệm vụ bảo vệ trên vùng biển xa".
Trung Quốc đang sở hữu ba tàu sân bay, nhưng tất cả đều vận hành bằng động cơ truyền thống, không phải động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Đô đốc Viên Hoa Chí, chính ủy hải quân Trung Quốc, hồi tháng 3 xác nhận nước này đóng tàu sân bay thứ 4. Khi được hỏi tàu sân bay này có sử dụng năng lượng hạt nhân hay không, đô đốc Viên cho biết điều này sẽ sớm được công bố. Giới chức Trung Quốc tới nay chưa đề cập thêm về vấn đề.
Tàu sân bay Phúc Kiến của Trung Quốc chạy thử trên biển ngày 7/5. Ảnh: AP
Một số chuyên gia phương Tây nhận định tàu sân bay thứ 4 của Trung Quốc có thể thuộc cùng lớp Type-003 với chiến hạm Phúc Kiến và sử dụng năng lượng thông thường. Trung Quốc có thể đóng nhiều tàu sân bay cùng lúc và có thể chế tạo chiến hạm dùng năng lượng hạt nhân song song với tàu sân bay thứ 4.
Quá trình chế tạo tàu sân bay hạt nhân mất nhiều thời gian hơn đóng loại dùng năng lượng thông thường, nhưng chúng có thể đi biển dài ngày hơn do không cần tiếp nhiên liệu.
Tàu sân bay hạt nhân còn có thêm không gian để chứa máy bay, nhiên liệu và vũ khí giúp tăng năng lực tác chiến, đồng thời cung cấp nhiều năng lượng hơn để vận hành các hệ thống tiên tiến trên chiến hạm.
Hiện chỉ có Mỹ và Pháp sở hữu tàu sân bay hạt nhân. Mỹ đang vận hành 11 tàu sân bay hạt nhân có thể triển khai khắp nơi trên thế giới. Pháp sở hữu một tàu sân bay hạt nhân là chiến hạm Charles de Gaulle.
Nguyễn Tiến (Theo AP, AFP, Xinhua)