Chuyên mục  


230920aleiniksecuritycounsil-16955349518331786489053.jpg

Ngoại trưởng Belarus Sergey Aleynik phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc - Ảnh: Bộ Ngoại giao Belarus

Theo Hãng thông tấn Tass (Nga) ngày 24-9, tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Ngoại trưởng Belarus Sergey Aleynik cho biết nước này ủng hộ đề xuất mở rộng Hội đồng Bảo an bằng cách kết nạp thêm thành viên thường trực.

"Hiện tại bắt buộc phải mở rộng danh sách thành viên thường trực Hội đồng Bảo an bằng cách kết nạp thêm các quốc gia đang phát triển lớn ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh", ông nói.

Ông Aleynik cho biết ông cảm thấy "phấn khởi" khi Trung Quốc và Nga - các thành viên trường trực của Hội đồng Bảo an - đang ủng hộ kiểu cải tổ này như họ đã nhiều lần tuyên bố.

Với ba thành viên thường trực còn lại là Anh, Pháp, Mỹ, ông cho rằng họ cần "thừa nhận những sự thay đổi và đồng ý chính thức công nhận việc (cải tổ) này".

Ngoại trưởng Belarus cũng nói rằng ba thành viên nêu trên đại diện cho phương Tây và Hội đồng Bảo an hiện không phản ánh đúng thực tế chính trị ngày nay, đồng thời các thành viên này cũng "không quan tâm tới việc thay đổi hiện trạng thế giới".

"Do đó kết quả là Hội đồng bảo an không hoàn thành chức năng của mình là hỗ trợ hòa bình và an ninh quốc tế. Chỉ có một cơ quan mang tính đại diện và dân chủ hơn mới có thể đảm đương nhiệm vụ này", ông nêu.

Hiện nay Hội đồng Bảo an có 5 thành viên thường trực là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp. Các thành viên này có quyền phủ quyết (veto) các nghị quyết của Hội đồng bảo an nhưng không được ngăn Hội đồng bảo an thảo luận về nghị quyết đó.

Ngoài ra còn có 10 ủy viên không thường trực được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc bầu ra với nhiệm kỳ hai năm, các nước luân phiên giữ vị trí này theo khu vực địa lý.

Hôm 20-9, trong lần đầu trực tiếp có mặt tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc kể từ khi chiến sự nổ ra vào tháng 2-2022, Tổng thống Ukraine Zelensky đã kêu gọi truất quyền phủ quyết của Nga tại Hội đồng Bảo an vì cho rằng quyền này của Nga "đang đẩy Liên Hiệp Quốc vào thế bế tắc".

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sau đó đã lên tiếng bác đề xuất của ông Zelensky, cho rằng quyền phủ quyết của Nga là phương thức hữu hiệu để giám sát quyền lực của các nước phương Tây.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020