Chuyên mục  


bang-xanh-bang-do-17306256254952021570086.jpg

Kết quả bầu cử Mỹ năm 2020, phân chia theo bang xanh và bang đỏ - Ảnh: SHUTTERSTOCK

Bang xanh - Bang đỏ

Trong các cuộc bầu cử Mỹ, các phương tiện truyền thông thường sử dụng màu sắc để biểu thị khuynh hướng chính trị của từng bang: "bang đỏ" đại diện cho các bang ủng hộ Đảng Cộng Hòa, và "bang xanh" đại diện cho các bang ủng hộ Đảng Dân Chủ.

Sự phân chia này không chỉ mang ý nghĩa tượng trưng mà còn phản ánh bản chất văn hóa, kinh tế và xã hội của các bang.

Sự phân chia này xuất hiện lần đầu tiên vào cuối thế kỷ 20, cụ thể là từ cuộc bầu cử tổng thống năm 2000 giữa George W. Bush và Al Gore. Trước đó, không có một quy ước chính thức nào về việc sử dụng màu xanh hay đỏ cho các đảng.

Tuy nhiên, khi Đài NBC sử dụng màu đỏ để đánh dấu các bang ủng hộ Đảng Cộng Hòa và màu xanh cho các bang ủng hộ Đảng Dân Chủ trong cuộc bầu cử năm 2000, việc sử dụng màu sắc này dần trở nên phổ biến. Từ đó, các thuật ngữ "bang xanh" và "bang đỏ" đã trở thành một phần quen thuộc của chính trị Mỹ.

Các bang xanh, chẳng hạn như California, New York và Massachusetts, thường có khuynh hướng "tự do" hơn, chú trọng vào các vấn đề xã hội như bảo vệ môi trường, giáo dục và y tế công cộng.

Ngược lại, các bang đỏ như Texas, Oklahoma và Mississippi lại thường ủng hộ chính sách "bảo thủ", tập trung vào việc giảm thuế, tăng cường an ninh quốc phòng và bảo vệ quyền sở hữu súng.

Sự phân chia này không tuyệt đối và cũng không phải là cố định. Một số bang được xem là "bang chiến trường" (swing states) như Florida, Ohio và Pennsylvania. Họ có xu hướng thay đổi quan điểm qua từng kỳ bầu cử, tạo ra sự cạnh tranh gay gắt và thường là các bang quyết định trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Con voi - Con lừa

Bên cạnh màu sắc đặc trưng, hai đảng lớn của Mỹ còn có biểu tượng riêng: con lừa của Đảng Dân Chủ và con voi của Đảng Cộng Hòa.

lua-dan-chu-17306258611451981682340.jpg

Tranh biếm họa của Thomas Nast, vẽ con lừa tượng trưng cho nghị sĩ Dân chủ đang thổi bong bóng tài chính - Ảnh: GETTY IMAGES

Biểu tượng con lừa của Đảng Dân Chủ xuất hiện lần đầu vào năm 1828, khi ứng cử viên tổng thống Andrew Jackson bị các đối thủ chế giễu là "jackass" (một từ lóng của tiếng Anh có nghĩa là con lừa).

Thay vì phản đối, ông Jackson chấp nhận hình ảnh này như một biểu tượng thể hiện sự bền bỉ và ý chí kiên cường.

Đến năm 1870, hoạ sĩ biếm họa nổi tiếng Thomas Nast đã sử dụng hình ảnh con lừa để đại diện cho Đảng Dân Chủ trong các tác phẩm của mình, và từ đó nó đã trở thành biểu tượng chính thức của đảng này.

Con lừa tượng trưng cho sự bình dân, gần gũi với người lao động và lòng kiên định trong các chính sách xã hội.

voi-cong-hoa-17306259638911802936568.jpg

Con voi tượng trưng cho Cộng hòa xuất hiện lần đầu tiên trong tranh biếm họa năm 1874 của Thomas Nast - Ảnh: GETTY IMAGES

Trong khi đó, biểu tượng con voi của Đảng Cộng Hòa cũng được Thomas Nast sử dụng lần đầu tiên vào năm 1874, khi vẽ một bức biếm họa có hình con voi to lớn, mạnh mẽ, đại diện cho sức mạnh và sự ổn định của Đảng Cộng Hòa.

Con voi tượng trưng cho lòng tin vào các giá trị truyền thống và sự cứng rắn trong các chính sách bảo thủ. Đảng Cộng Hòa thường ủng hộ chính sách giảm thuế, tăng cường quốc phòng và bảo vệ quyền tự do cá nhân, phù hợp với biểu tượng con voi vững chãi và quyết đoán.

Cả hai biểu tượng này đều không phải là biểu tượng chính thức được luật pháp quy định, nhưng chúng đã trở thành hình ảnh đặc trưng gắn liền với bản sắc của mỗi đảng.

Sự phổ biến của các biểu tượng này thể hiện tính đa dạng và phong phú của nền văn hóa chính trị Mỹ.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020