Những lá cờ của Na Uy, Nam Phi, Palestine, Ireland và Tây Ban Nha được kéo lên cao tại lối vào thành phố Ramallah, "thủ phủ hành chính tạm thời" của Palestine tại Bờ Tây hôm 28-5, sau khi các quốc gia này công nhận “Nhà nước Palestine” - Ảnh: AFP
Hãng tin Reuters đưa tin hôm 28-5, Tây Ban Nha, Ireland và Na Uy vừa chính thức công nhận “Nhà nước Palestine”, bất chấp những phản ứng không mấy dễ chịu từ Israel.
Ngoài ra, Madrid, Dublin và Oslo cho biết họ vẫn tiếp tục tìm cách thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn đối với cuộc xung đột ở Dải Gaza.
Ba quốc gia châu Âu hy vọng quyết định này sẽ trở thành bàn đạp thúc đẩy các thành viên Liên minh châu Âu (EU) khác sớm đưa ra quyết định tương tự.
Thêm ba nước ủng hộ 'Nhà nước Palestine'
“Một Nhà nước Palestine sống bên cạnh một Nhà nước Israel trong hòa bình và an ninh là cách duy nhất để tiến đến điều mà mọi người vẫn công nhận là ‘giải pháp khả thi duy nhất’ nhằm đạt được một tương lai hòa bình”, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nói hôm 28-5.
Thủ tướng Sanchez cho biết Tây Ban Nha công nhận một Nhà nước Palestine thống nhất, bao gồm lãnh thổ Dải Gaza và khu vực Bờ Tây, nằm dưới sự quản lý của chính quyền dân tộc Palestine với Đông Jerusalem, phần phía đông của thành phố Jerusalem, là “thủ đô”.
Phía Palestine lập tức bày tỏ sự hoan nghênh đối với quyết định này của Tây Ban Nha. Theo Reuters, hiện Palestine đang nắm quyền tự trị hạn chế một khu vực nhỏ ở Bờ Tây.
Tuần trước, Bộ Ngoại giao Ireland cho biết họ sẽ nâng văn phòng đại diện của nước này tại thành phố Ramallah (thuộc Bờ Tây) thành Đại sứ quán, đồng thời bổ nhiệm một vị đại sứ cũng như nâng phái độ Palestine ở Dublin lên cấp Đại sứ quán.
“Chúng tôi muốn công nhận Nhà nước Palestine sau khi kết thúc tiến trình đàm phán hòa bình. Tuy nhiên, chúng tôi đã thực hiện động thái này trước cùng với Tây Ban Nha và Na Uy để duy trì hòa bình”, Thủ tướng Ireland Simon Harris nói trong một tuyên bố.
Về phần Na Uy - quốc gia chủ trì các nhóm viện trợ quốc tế dành cho người Palestine, trước đây vẫn theo quan điểm của Mỹ. Tuy nhiên thời gian gần đây, Na Uy bỗng “quay xe” ủng hộ việc công nhận Nhà nước Palestine.
Trước đó hôm 22-5, Na Uy, Ireland và Tây Ban Nha tuyên bố sẽ công nhận Nhà nước Palestine. Sau đó, Israel bác bỏ giải pháp hai nhà nước, giận dữ phản ứng khi triệu hồi đại sứ tại Na Uy, Ireland và Tây Ban Nha.
Nhiều nước khác 'đang xem xét' công nhận 'Nhà nước Palestine'
Cũng trong ngày 28-5, Quốc hội Đan Mạch bác đề xuất công nhận Nhà nước Palestine sau khi Ngoại trưởng Lars Lokke Rasmussen thông báo đề xuất này còn thiếu một số điều kiện tiên quyết để họ có thể công nhận Palestine là một quốc gia hay nhà nước độc lập.
“Chúng tôi không thể công nhận Nhà nước Palestine độc lập vì lý do duy nhất là họ không thỏa mãn các điều kiện tiên quyết. Chúng tôi hiện không thể ủng hộ nghị quyết nhưng chúng tôi vẫn hy vọng một ngày nào đó chúng tôi có thể tiến đến công nhận Nhà nước Palestine”, ông Rasmussen nói sau cuộc thảo luận hôm 28-3.
Tính đến nay đã có tám trên tổng số 27 quốc gia thành viên EU công nhận nhà nước Palestine gồm Thụy Điển, Síp, Hungary, Cộng hòa Czech, Ba Lan, Slovakia, Romania và Bulgaria.
Slovenia dự kiến sẽ phê duyệt quyết định công nhận nhà nước Palestine vào ngày 30-5. Trong khi đó, Malta cũng đang xem xét việc công nhận Palestine.
Trái lại, một thành viên EU khác là Pháp lập luận rằng việc công nhận Palestine hiện vẫn chưa phải lúc, nhưng họ vẫn đang xem xét quyết định này.
Mặt khác, Đức cùng với đồng minh lớn của Israel và Mỹ hoàn toàn bác bỏ việc đơn phương công nhận nhà nước Palestine, và nhấn mạnh rằng con đường đối thoại là cách duy nhất để đạt được giải pháp hai nhà nước giữa Israel và Palestine.
Israel trở nên chơi vơi?
Hiện có khoảng 140 nước, chiếm 2/3 tổng số thành viên Liên Hiệp Quốc, đã công nhận Nhà nước Palestine.
Việc Palestine được nhiều quốc gia công nhận tư cách “nhà nước” không chỉ giúp nâng vị thế của Palestine thêm một bậc trên trường quốc tế, mà qua đó còn cho thấy màn đối đầu căng thẳng của Israel và thế giới phương Tây.
Trước đó Israel cũng bất mãn với việc vài nước, bao gồm Pháp và Bỉ, ủng hộ yêu cầu của công tố viên Tòa Hình sự quốc tế (ICC) về việc phát lệnh bắt ông Netanyahu.
Khác với quan điểm của các nước châu Âu, đồng minh lớn của Israel là Mỹ cho rằng việc công nhận Palestine chỉ có thể diễn ra khi đi kèm một thỏa thuận với chiến lược và hòa giải chính trị lâu dài, nhưng cũng giữ lập trường rằng giải pháp hai nhà nước là lối ra hợp lý cho xung đột Israel - Palestine.
Hôm 22-5, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan thừa nhận Washington lo ngại về sự cô lập ngoại giao ngày càng gia tăng với Israel, đồng thời cho biết đây sẽ là một trong các chủ đề thảo luận giữa Mỹ và Israel.