Ghi nhận của Báo Người Lao Động, thời điểm này, các ngân hàng (NH) thương mại đang đẩy mạnh xử lý nợ xấu. Hàng loạt khoản nợ có tài sản thế chấp là bất động sản (BĐS), phương tiện vận tải, máy móc thiết bị, nhà xưởng, xe cộ, thậm chí các khoản vay bằng vàng cũng được rao bán liên tục.
Rao bán đủ loại tài sản
Mới đây nhất, NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thông báo lựa chọn tổ chức bán đấu giá khoản nợ của Công ty CP Sado Germany Window tại BIDV Đông Đồng Nai. Tài sản bảo đảm cho khoản vay gồm nhà máy sản xuất kính cường lực ở TP Biên Hòa (Đồng Nai); máy móc thiết bị của nhà máy này; xe tải các loại... Giá khởi điểm của khoản nợ hơn 510 tỉ đồng. Ngoài ra, còn có nhiều khoản nợ khác từ vài chục tỉ đồng đến vài trăm tỉ đồng cũng được BIDV thông báo đấu giá trong đợt này.
Trong khi đó, NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) rao bán khoản nợ của Công ty CP Khách sạn Bến Du Thuyền (TP Nha Trang, Khánh Hòa) có giá khởi điểm tới hơn 1.030 tỉ đồng. Tài sản bảo đảm là toàn bộ quyền sử dụng đất và tài sản đấu giá gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc dự án "Trung tâm Bến Du thuyền Hoàng Gia - Khu B" ở TP Nha Trang.
Việc tăng trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại. Ảnh: TẤN THẠNH
NH TMCP Phương Đông (OCB) thông báo đấu giá tài sản gắn liền với đất thuộc khu đô thị du lịch sinh thái FLC, phường Quảng Cư, TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa của Công ty CP Tập đoàn FLC. Cụ thể, OCB rao bán 84 biệt thự nghỉ dưỡng thấp tầng tại khu đô thị này với giá khởi điểm gần 550 tỉ đồng, tức hơn 6,5 tỉ đồng/căn.
Để thu hút các bên mua nợ hoặc tài sản, một số NH còn tổ chức ngày hội thanh lý tài sản để giới thiệu các loại tài sản cần bán từ nhà đất, đất nền đến ô tô các loại. VIB đang rao bán thanh lý một loạt ô tô từ xe sang như BMW, Mercedes đến xe tải, ô tô phân khúc bình dân với mức giá từ vài trăm triệu đến cả tỉ đồng... Vietcombank Chi nhánh Bắc Ninh cần phát mại 12 taxi thuộc sở hữu của Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Mạnh Huy với mức khởi điểm hơn 1,01 tỉ đồng (khoảng 85 triệu đồng/xe).
Muốn xử lý nợ xấu không dễ!
Số liệu của NH Nhà nước, đến cuối tháng 7-2023, tỉ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng là 3,56% (cao hơn mức 2% cuối năm ngoái và mức 1,69% cuối năm 2020). Nếu tính cả tỉ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn của hệ thống tổ chức tín dụng sẽ là 6,16% so với tổng dư nợ tín dụng.
Nợ xấu tăng nhưng NH Nhà nước cho hay công tác xử lý nợ xấu vẫn gặp nhiều khó khăn do DN đang chịu những tác động bất lợi, tiêu cực từ môi trường bên ngoài, làm suy giảm khả năng trả các khoản nợ quá hạn của các hộ gia đình và DN. Khuôn khổ pháp lý liên quan đến cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu chưa được hoàn thiện; thiếu các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu. Thị trường BĐS gặp nhiều khó khăn, thanh khoản thấp, gây khó khăn trong việc xử lý tài sản bảo đảm là BĐS. Thị trường mua, bán nợ vẫn còn nhiều hạn chế...
PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP HCM, lại cho rằng nợ xấu hiện tại là đáng lo và cần giải pháp đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu. Nếu tính đúng, tính đủ, nhất là sau khi Thông tư 02/2023/TT-NHNN của NH Nhà nước về cơ cấu nợ, giãn hoãn nợ hết hiệu lực, các NH sẽ phải trích lập đầy đủ các khoản nợ được cơ cấu khiến nợ xấu có thể cao hơn hiện tại. Nếu tính cả nợ xấu của SCB sẽ là nỗi lo nợ xấu cho ngành NH và nền kinh tế. "Nhiều khả năng chỉ tiêu lợi nhuận của một số NH không đạt trong năm nay khi áp lực trích lập dự phòng rủi ro tín dụng lớn, biên lãi ròng (NIM) giảm và nguồn thu ngoài lãi từ bán bảo hiểm, trái phiếu... không tăng trưởng. Việc xử lý vụ án Vạn Thịnh Phát hiện tại sẽ góp phần lành mạnh hóa hệ thống NH, từ đó đem lại niềm tin cho thị trường" - PGS-TS Nguyễn Hữu Huân nói.
Đại diện BIDV cho biết Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu được Quốc hội thông qua (có hiệu lực từ tháng 8-2017) đã tạo hành lang pháp lý quan trọng tháo gỡ cho hệ thống NH trong xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm đã tồn đọng nhiều năm. Tuy nhiên, nghị quyết này sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2023, nếu không có quy định thay thế hoặc gia hạn kịp thời sẽ làm chậm lại việc tái cơ cấu, thu hồi nợ xấu của toàn hệ thống NH.
Về khó khăn trong việc xử lý nợ xấu, đại diện BIDV cho hay Bộ Tài chính chưa có văn bản hướng dẫn cách thức thẩm định giá khoản nợ, việc này cũng gây nhiều khó khăn và tiềm ẩn rủi ro. Vì khi bán nợ, việc thẩm định giá khoản nợ cơ bản dựa trên thẩm định giá tài sản bảo đảm nhưng trong thời kỳ suy giảm BĐS, nhiều trường hợp giá trị tài sản xuống thấp hơn dư nợ gốc, khiến NH e ngại khi ra quyết định phát mại tài sản, bán nợ vì sợ thất thoát vốn vay sau khi thu hồi nợ. "Việc phát mại, khởi kiện qua tòa án thường kéo dài, tốn kém nhiều chi phí, thực tế có nhiều khoản vay từ lúc khởi kiện đến lúc thi hành án, phát mại tài sản các NH thường mất tới 2-3 năm để hoàn tất việc thu hồi nợ" - đại diện BIDV nói.
Do đó, các NH kiến nghị sớm luật hóa quy định về xử lý nợ xấu thay thế sau khi Nghị quyết 42 của Quốc hội hết hiệu lực để bảo đảm sự vận hành thông suốt của hệ thống NH.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội NH Việt Nam, cũng nhận định bên cạnh việc đẩy mạnh rao bán đấu giá tài sản thế chấp, trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu, quan trọng nhất vẫn là kinh tế phục hồi để hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN trở lại. Khi đó, các NH mới có thể xử lý triệt để bài toán nợ xấu.
Giảm trích lập để tăng lợi nhuận
Một thông tin đáng chú ý được ông Quản Trọng Thành, Giám đốc khối phân tích, Công ty Chứng khoán Maybank, đưa ra là trong bối cảnh biên lãi ròng (NIM) giảm mạnh, một số NH đã giảm tỉ lệ trích lập dự phòng rủi ro, thậm chí giảm chất lượng dự phòng để duy trì lợi nhuận. Động thái này đặt ra nhiều thách thức cho các NH khi nợ xấu đang có xu hướng tăng cao hơn. Mức trích lập dự phòng của các NH đang dao động quanh 40%-150%.