Chuyên mục  


z3961650105314_16bea77e8864f18ca9484b3200562008.jpgPhó Thống đốc Đào Minh Tú kêu gọi các ngân hàng đồng thuận giảm lãi suất huy động. (Ảnh: Vietnam+)

Tại cuộc họp bàn thống nhất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh do Hiệp Hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức sáng 15/12, Hiệp hội đã kêu gọi các ngân hàng đồng thuận lãi suất huy động tại mọi kỳ hạn không quá 9,5%/năm đã bao gồm các khoản khuyến mại và giảm từ 0,5%-2% lãi suất cho vay.

Lãi suất huy động đã tăng khoảng 3%-4%

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết thời gian qua, nhờ các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, kịp thời của Ngân hàng Nhà nước, thị trường ngoại tệ, tỷ giá bớt căng thẳng, thanh khoản hệ thống ngân hàng đã được cải thiện hơn.

Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất huy động ở thị trường 1 vẫn rất cao, phổ biến từ 9%-10% đối với kỳ hạn trên 12 tháng, trong đó một số ngân hàng có mức lãi suất lên tới 11,5%/năm. Một số ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng mạnh lãi suất huy động gây nên tình trạng cạnh tranh huy động gay gắt, tạo tâm lý bất ổn đối với cả người gửi tiền và người đi vay.

[Ngân hàng đua nhau tăng lãi suất: Áp lực đè nặng lên người đi vay]

Như vậy, so với cuối năm 2021, nhìn chung, lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng hiện nay đã tăng khoảng 3%-4% ở các kỳ hạn trên 6 tháng và trên 12 tháng.

Theo các ngân hàng có nhiều nguyên nhân khiến lãi suất huy động hiện nay chưa có xu hướng giảm.

Cụ thể, một số ngân hàng quy mô vừa và nhỏ vẫn buộc phải tăng lãi suất lên mức cao hơn mặt bằng chung của thị trường để giữ chân khách hàng (do người dân có hiện tượng thiếu niềm tin vào ngân hàng thương mại cổ phần quy mô nhỏ nên có xu hướng gửi tiền đến các ngân hàng có vốn Nhà nước), chứ không hẳn gặp vấn đề thanh khoản.

Ngoài ra, giao dịch tín chấp trên thị trường liên ngân hàng bị hạn chế, các giao dịch hầu như đều bị yêu cầu có tài sản đảm bảo và bị áp tỷ lệ phòng vệ rủi ro quá cao so với thời điểm trước đó. Các ngân hàng thương mại có quy mô vừa và nhỏ buộc phải thực hiện giao dịch tiền tệ có tài sản đảm bảo như giấy tờ có giá để đáp ứng nhu cầu thanh khoản hàng ngày, tuy nhiên, khối lượng giấy tờ có giá sẵn có để phục vụ cho nhu cầu trên không nhiều.

Bên cạnh đó, áp lực thực hiện quy định về tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn, cho vay trung dài hạn (tỷ lệ này đã bị giảm từ 37% xuống 34% vào tháng 10/2022, theo lộ trình thì tháng 10/2023 sẽ giảm tiếp tục xuống 30%) dẫn đến các ngân hàng thương mại đẩy lãi suất huy động vốn trung dài hạn lên cao hơn nhằm đảm bảo tuân thủ quy định.

Mặt khác, các ngân hàng thương mại tham gia thị trường liên ngân hàng không nắm bắt được thông tin của ngân hàng tham gia, do vậy không có thông tin đánh giá ngân hàng đối tác để cân nhắc, ra quyết định cho vay/gửi tiền tại ngân hàng thương mại khác, dẫn dến có thời điểm một số tổ chức tín dụng gặp khó khăn về thanh khoản và phải nâng lãi suất huy động để đảm bảo thanh khoản.

Phải giảm lãi suất cho vay

Tại buổi làm việc, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước cho biết việc một số ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng mạnh lãi suất huy động gây nên tình trạng cạnh tranh huy động gay gắt, tạo tâm lý bất ổn đối với cả người gửi tiền và người đi vay.

Hơn nữa, việc tăng lãi suất huy động khiến chi phí huy động vốn (đầu vào) của tất cả các ngân hàng thương mại đến nay đều bị ảnh hưởng và tăng lên rất nhiều so với giai đoạn 9 tháng đầu năm 2022, làm thu hẹp chênh lệch lãi suất đầu vào, đầu ra khi lãi suất cho vay khó tăng tương ứng với lãi suất huy động, ảnh hưởng đến việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đồng thời dẫn đến rủi ro gia tăng nợ xấu, lãi treo từ phía khách hàng.

Vì vậy, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và Hiệp hội ngân hàng đề nghị các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại hội viên thực hiện nghiêm túc kêu gọi đồng thuận lãi suất huy động tại mọi kỳ hạn không quá 9,5%/năm (đã bao gồm các khoản khuyến mại) và giảm từ 0,5%-2% lãi suất cho vay. Các tổ chức tín dụng, đặc biệt là các tổ chức tín dụng đã được phân bổ chỉ tiêu tín dụng bổ sung  (30 tổ chức tín dụng) căn cứ khả năng, năng lực tài chính của mỗi tổ chức tín dụng, tiếp tục tiết giảm chi phí nhằm hỗ trợ khách hàng giảm lãi suất cho vay theo nội dung đã cam kết với Ngân hàng Nhà nước.

hinh_1.jpgẢnh minh họa. (Ảnh: Vietnam+)

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng quán triệt, chỉ đạo tất cả các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Mức giảm dựa trên năng lực của từng tổ chức tín dụng. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước kêu gọi các tổ chức tín dụng cắt giảm chi phí, giảm lợi nhuận đặt ra để hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn.

'Đây là chỉ đạo chứ không phải kêu gọi. Tinh thần tiết giảm chi phí, giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp là chỉ đạo của Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước. Còn ngân hàng nào khó khăn không làm được thì báo cáo Ngân hàng Nhà nước để chúng tôi có biện pháp hỗ trợ,'' Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Thống đốc, không thể để lãi suất tăng đến mức gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp và người dân… Giảm lãi suất quan trọng nhất là cắt giảm chi phí hoạt động và lợi nhuận, và cổ đông phải chia sẻ. Tránh việc ngân hàng báo lãi cao trong khi nền kinh tế gặp khó khăn.

Tại cuộc họp đại diện các tổ chức tín dụng đều thống nhất quan điểm chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và cam kết sẽ giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng cũng mong muốn Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ thanh khoản qua thị trường liên ngân hàng, thị trương mở (OMO) và các công cụ khác để đảm bảo ổn định thanh khoản.

Ông Trương Vĩnh Lợi - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Bắc Á (BAC A BANK) cam kết ngân hàng tuân thủ nghiêm túc các chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Ngân hàng về mức giảm lãi suất huy động.

“Chúng tôi nhận thấy cần phải đồng thuận để có mức lãi suất huy động hợp lý, từ đó có căn cứ giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ khách hàng. BAC A BANK sẽ cam kết nghiêm túc thực hiện,” ông Lợi nhấn mạnh.

Đại diện các tổ chức tín dụng cũng mong muốn Ngân hàng Nhà nước sẽ có chế tài, quy định để xử lý các tổ chức tín dụng không thực hiện theo quy định của Ngân hành Nhà nước, hay có thực hiện giảm lãi suất nhưng lại tăng các khoản phí, gây thêm gánh nặng cho doanh nghiệp.

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng từ 1,5%-2% và có các giải pháp hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng, nhiều ngân hàng đã thông báo cam kết giảm lãi suất cho vay trong các tháng cuối năm 2022. Đến thời điểm hiện tại có 17 ngân hàng đã cam kết giảm tiền lãi với số tiền trên 3.500 tỷ đồng, với mức lãi suất giảm từ 0,5%-3%/năm.

Kết luận tại cuộc họp, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết sẽ hỗ trợ các khó khăn, vướng mắc của các tổ chức tín dụng, đặc biệt là hỗ trợ qua thị trường liên ngân hàng, OMO và tái cấp vốn, cũng như các công cụ khác nhằm ổn định thanh khoản và hỗ trợ vốn cho nền kinh tế./.

Thúy Hà (Vietnam+)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020