Sự sống sau cái chết
Cuối hành lang ở tầng hai của Trung tâm Y tế Sourasky ở Tel Aviv, có một căn phòng nhỏ chứa sáu thùng thép không gỉ khổng lồ. Khi một người đeo găng tay nhấc một chiếc nắp lên, nitơ lỏng sẽ ngưng tụ, xoáy và dâng lên trên vành thùng phủ đầy băng giá. Khung cảnh không khỏi khiến người ta liên tưởng tới một chiếc vạc ma thuật trong phim phù thủy.
"Chúng tôi luôn biết nhiệt độ bên trong đã phù hợp. Nó được sao lưu và theo dõi liên tục", giám đốc phòng thí nghiệm, Tiến sĩ Shimi Barda, nói với tôi. "Bạn không thể định giá những gì chúng tôi có ở đây".
Những người này đang quản lý ngân hàng tinh trùng lớn nhất Israel. Hơn 53.000 mẫu tinh trùng được lưu trữ tại đây, trong các lọ được đánh số hoặc ống hút nhựa mỏng, được đông lạnh ở nhiệt độ -196 độ C. Bên cạnh các mẫu từ người hiến tặng và những người có nhu cầu thực hiện IVF, còn có tinh trùng từ những người đàn ông mắc bệnh ung thư - được đông lạnh trước khi hóa trị và từ những người chuyển giới - trước khi chuyển đổi giới tính.
Thậm chí, một số mẫu còn chứa đựng kì vọng “sự sống sau khi chết”: tinh trùng được lấy từ cơ thể của những người lính Israel đã chết trong vài giờ sau khi họ bị giết. Trong chín tháng rưỡi sau cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7/10/2023, tinh trùng đã được lấy thành công từ cơ thể của 160 người lính và 15 thường dân, theo dữ liệu từ Bộ Y tế Israel.
Tiến sĩ Noga Fuchs Weizman, Giám đốc bệnh viện nam khoa và Ngân hàng tinh trùng, Trung tâm y tế Sourasky.
Lưu giữ Tinh trùng Sau khi chết (PMSR) là một thủ thuật tương đối đơn giản. Tiến sĩ Noga Fuchs Weizman, giám đốc khoa sinh sản nam và ngân hàng tinh trùng tại bệnh viện cho biết: “Chúng tôi mở tinh hoàn và lấy sinh thiết. Nhìn chung, đây là những người đàn ông có khả năng sinh sản, vì vậy chỉ cần một sinh thiết nhỏ là đủ”. Sau đó, họ sẽ phân lập các tế bào tinh trùng từ mô, kiểm tra chúng dưới kính hiển vi để xem có khả năng di chuyển và các dấu hiệu sống khác không, rồi đông lạnh những tinh trùng tiềm năng.
Nhưng đây cũng là cuộc chạy đua với thời gian. Tinh trùng có thể sống trong cơ thể nhiều ngày sau khi một người đàn ông chết. Nhóm nghiên cứu có thể đông lạnh tinh trùng tại thời điểm 80 giờ sau khi một người chết, nếu tinh trùng vẫn “ngọ nguậy”. Tuy nhiên, nếu lấy tinh trùng càng sớm thì khả năng thụ thai thành công càng cao. Trong khi họ tìm kiếm tinh trùng để đông lạnh, các gia đình sẽ chuẩn bị chôn cất người đã khuất.
Lúc đầu, phần lớn nỗ lực của họ đều vô ích. Khoảng 1.200 người Israel đã thiệt mạng vào ngày 7/10 và phải mất vài ngày để xác định chính thức tất cả các thi thể. Khi những thi thể đầu tiên cho PMSR đến bệnh viện, đa số trường hợp là quá muộn. “Không còn gì để cứu vãn. Chẳng còn gì để bảo quản”, Fuchs Weizman nói.
Thay đổi chính sách
Chính phủ và Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã nhanh chóng sửa đổi các hoạt động của họ. Bộ Y tế Israel hiện giám sát quá trình này, chỉ định các thi thể về bốn bệnh viện lớn của Israel. Kể từ ngày 11/10, IDF đã cho phép mọi gia đình đều có thể yêu cầu thủ thuật PMSR tại thời điểm họ được báo tin rằng một người thân yêu đã qua đời. Fuchs Weizman ước tính rằng 30% binh lính tử trận khi đang phục vụ hiện được lấy tinh trùng và đông lạnh chúng sau khi họ chết.
Chú thích ảnh
Một thay đổi khác cũng đã được thực hiện. Trong 132 trên 175 lần làm PMSR, từ ngày 7/10/2023 đến ngày 23/7 năm nay, đó là việc lưu trữ tinh trùng được tiến hành theo yêu cầu của cha mẹ người đã khuất, chứ không phải của bạn đời người đó. Những bậc phụ huynh muốn sử dụng “tài sản” này để sinh ra những đứa cháu sau khi con trai họ qua đời. Ngoại trừ một số trường hợp ngoại lệ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã bỏ yêu cầu cha mẹ phải có sự cho phép của thẩm phán trước khi có thể lấy tinh trùng của con trai họ.
Người tử vong không cần phải có sự đồng ý bằng văn bản trước đó để tinh trùng của anh ta được lưu trữ — hoặc sử dụng — sau khi chết. Ở một quốc gia mà nhiều người là con cháu của những người sống sót sau thảm họa diệt chủng Holocaust, việc duy trì dòng dõi được coi là tối quan trọng. Người ta cho rằng mọi người đều muốn có con.
Từ kiện tụng tới “lời hứa hồi sinh”
Năm 1997, một phụ nữ tên Diane Blood đã giành chiến thắng trong cuộc chiến pháp lý mang tính bước ngoặt trước chính phủ Anh, từ đó thế giới lần đầu tiên chứng kiến trường hợp thụ thai và sinh con sau khi người đàn ông chết. Bà Blood đã yêu cầu các bác sĩ lấy tinh trùng từ chồng bà, Stephen, khi ông đang hấp hối vì bệnh viêm màng não vào năm 1995, nhưng bà đã phải đấu tranh với Cơ quan Thụ tinh và Phôi học Con người để giành quyền sử dụng tinh trùng sau khi ông qua đời, vì không có hồ sơ ghi chép nào về mong muốn của Stephen.
Bà đã thắng kiện và tiếp tục thụ thai hai người con trai bằng tinh trùng của Stephen. Nhưng chiến thắng của bà còn dẫn đến sự thay đổi trong luật pháp ở Vương quốc Anh. Giao tử hoặc phôi thai của một người chỉ có thể được sử dụng sau khi họ qua đời nếu họ đã đồng ý bằng văn bản.
Ngày nay, PMSR bị cấm hoàn toàn ở Đức, Thụy Điển, Pháp, Hungary và Slovenia, và hợp pháp - tùy thuộc vào các điều kiện cụ thể - ở Vương quốc Anh, Canada, Hà Lan, Hy Lạp, Estonia, Nhật Bản và Cộng hòa Séc. Ở Mỹ, nơi không có luật nào về PMSR, thủ thuật này ngày càng được nhiều người chấp nhận. Trên toàn thế giới, việc thụ thai trẻ sơ sinh bằng tinh trùng từ người bạn đời đã chết đã trở nên tương đối bình thường. Nhưng việc ông bà sinh ra những đứa cháu theo cách này gần như chỉ có ở Israel.
Nhà nước Israel được thành lập dựa trên lời hứa về sự hồi sinh của người Do Thái sau cuộc diệt chủng Holocaust. Người Do Thái đã được dạy rằng nhiệm vụ của họ là "sinh sôi nảy nở" kể từ Sách Sáng thế. Giờ đây, các ngành y tế và công nghệ tiên tiến của Israel cho phép sự sinh sôi nảy nở đó diễn ra thông qua các kỹ thuật tiên tiến. Israel có số chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm bình quân đầu người cao nhất thế giới và là quốc gia duy nhất chi trả chi phí điều trị thụ tinh trong ống nghiệm không giới hạn cho đến khi sinh được hai đứa con cho đến khi một phụ nữ 45 tuổi (hoặc 51 tuổi, nếu người này sử dụng trứng hiến tặng). Với trung bình 2,9 trẻ em được sinh ra trên một phụ nữ, tỷ lệ sinh của nước này là cao nhất trong số tất cả các quốc gia trong OECD.
Tham khảo Financial Times