Ngóng chờ "miếng bánh" tỷ đô
Năm 2019, khách du lịch Trung Quốc đã chi khoảng 260 tỷ USD, vượt xa rất nhiều thị trường khác. Đại dịch ập đến, Trung Quốc thực hiện chính sách "zero- Covid".
Việc chấm dứt "zero-Covid" của Trung Quốc mới đây được kỳ vọng đem lợi ích cho nền kinh tế toàn cầu, “cứu cánh” cho ngành du lịch nhiều nơi. Tuy nhiên, hiện Trung Quốc chỉ mới thí điểm cho công dân du lịch theo đoàn đến 20 nước, chưa có Việt Nam.
Theo chuyên gia, không chỉ với Việt Nam mà với tất cả thị trường du lịch trên thế giới, Trung Quốc là nguồn khách khó thay thế.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới đây đã có văn bản đề nghị phía Trung Quốc sớm đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia thí điểm đón khách du lịch Trung Quốc theo đoàn.
TS. Lương Hoài Nam - thành viên Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) - cho rằng, đây là động thái kịp thời từ phía cơ quan quản lý. Theo vị chuyên gia, không chỉ với Việt Nam mà với tất cả thị trường du lịch trên thế giới, Trung Quốc là nguồn khách khó thay thế.
Ông Nam lấy dẫn chứng, năm 2019 (trước đại dịch Covid-19), Việt Nam đón 5,6 triệu du khách Trung Quốc, chiếm 1/3 tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Số khách này đã mang lại doanh thu hơn 5 tỷ USD cho các doanh nghiệp du lịch Việt Nam, chưa tính doanh thu vé máy bay, lệ phí sân bay, bán hàng cho khách du lịch Trung Quốc.
Vị chuyên gia cũng quy đổi doanh thu du lịch từ thị trường Trung Quốc bằng hơn 1/2 xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc. Trong khi đó, vì đại dịch, Việt Nam mất hàng tỷ USD doanh thu du lịch từ thị trường này.
“Nếu không tăng nhanh được khách du lịch quốc tế đạt và vượt mức trước đại dịch Covid thì không những các doanh nghiệp du lịch bế tắc và kiệt sức, mà các doanh nghiệp bất động sản đầu tư quá đà vào nghỉ dưỡng càng khốn khó hơn”, ông Nam lo ngại.
Lấp khoảng trống cách nào?
Chia sẻ với Tiền phong , ông Phan Trị - Giám đốc một công ty du lịch ở Hà Nội - cho biết, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, khách từ thị trường nào cũng “đáng quý”. Mặc dù khách du lịch chủ yếu của công ty ông là thị trường Âu - Mỹ, song việc khách Trung Quốc chưa sang khiến một số điểm du lịch cũng phần nào “lèo tèo”, thiếu nhộn nhịp, ảnh hưởng tâm lý và chi tiêu của các đoàn khách khác và thị trường chung. Thực tế nhiều nơi, chỉ đến khi có khách Trung Quốc, hàng loạt khách sạn lớn nhỏ mới bắt tân trang lại để đón lượng "khách ruột".
“Làm du lịch càng đông, dịch vụ càng phát triển, càng kích cầu tốt hơn”, ông Trị chia sẻ và nhận định, việc vắng bóng khách Trung Quốc phần nào ảnh hưởng đến mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế mà nước ta đặt ra cho năm nay.
Với góc nhìn từ người làm du lịch lâu năm, ông Trị cho rằng Trung Quốc chưa mở cửa thì doanh nghiệp cũng không thể “há miệng chờ sung”, cần đẩy mạnh sang tìm kiếm nguồn khách khác. Ông kể, có doanh nghiệp khá linh hoạt, nhanh chóng chuyển qua đón khách Ấn Độ và thành công với sự chuyển hướng này.
“Tất nhiên việc chuyển đổi không dễ dàng song nhiều bên vẫn làm được”, ông Trị nói. Cũng theo vị này, thực tế vẫn nhiều doanh nghiệp chờ đợi, bởi có những loại dịch vụ chỉ phục vụ cho khách Trung Quốc.
Ông Nguyễn Văn Tường - Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh du lịch ở Hạ Long, Quảng Ninh - cũng chia sẻ khó khăn khi đề cập đến nguồn nào thay thế khách Trung Quốc cho du lịch Việt. Hiện khách Âu - Mỹ cũng giảm chi tiêu cho du lịch rất nhiều trong bối cảnh thắt chặt chi tiêu. Chưa kể, Việt Nam có nhiều rào cản trong việc cạnh tranh du lịch với một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore… Dù điểm đến Thái Lan có thể không bằng Việt Nam, song theo doanh nhân này, nhiều du khách có thể đến Thái Lan 10 lần/năm nhưng liệu đến Việt Nam được mấy lần?
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, trong bối cảnh còn vắng bóng khách Trung Quốc, thị trường châu Âu, Nga suy giảm thì không còn cách nào khác, Việt Nam cần có những chính sách vi mô phù hợp hơn, đồng thời các cơ quan quản lý cùng các hiệp hội cần tổ chức xúc tiến, quảng bá mạnh mẽ hơn tới nhiều thị trường khác...
Theo Hải Bình
Tiền phong