Chuyên mục  


screen-shot-2024-08-27-at-164654-1724804208610-17248042115751406097732.png

Trong một lưu ý gần đây, nhóm nghiên cứu này chỉ ra rằng vị thế của đồng USD đang thay đổi trên thị trường tài chính toàn cầu. Tỷ trọng sử dụng đồng bạc xanh đã liên tục sụt giảm trong nhiều thập kỷ qua.

Dù vẫn là đồng tiền được dự trữ nhiều nhất của các NHTW và được sử dụng nhiều nhất trong thương mại thế giới, nhưng tỷ trọng trong dự trữ toàn cầu của USD là 59% vào đầu năm 2024, giảm so với mức 71% vào năm 1999, theo IMF.

Trong khi đó, tỷ trọng dự trữ đối với các đồng tiền tệ phi truyền thống đã tăng nhẹ. Các đồng tiền tệ như AUD, franc và Nhân dân tệ chiếm 11% tổng dự trữ của các NHTW trong năm nay. Con số này tăng so với mức 2% vào năm 1999.

Diễn biến này đã làm dấy lên mối lo ngại về việc đồng USD có thể sớm mất “ngôi vương” trên thị trường tài chính. Trong khi hầu hết các chuyên gia cho rằng rủi ro này vẫn chưa xảy ra trong ngắn hạn, nhưng nhóm nghiên cứu cho biết vị thế của đồng USD đang đối mặt với 4 thách thức lớn.

1. Các lệnh trừng phạt của Mỹ

Mỹ bắt đầu áp các lệnh trừng phạt với Nga và các đồng minh của nước này sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào năm 2022. Động thái này đã thúc đẩy kế hoạch phi đô la hoá ở Nga và các nước BRICS.

Nga đã thực hiện nhiều bước để phi đô la hoá mạnh mẽ. Quốc gia này đã sử dụng cặp Nhân dân tệ - Rúp để làm tỷ giá tham chế, đề xuất cho ra mắt một đồng tiền tệ cạnh tranh với đồng bạc xanh và được cho là đang phát triển một nền tảng thanh toán không phụ thuộc vào đồng USD.

Trong khi đó, Trung Quốc - quốc gia có các doanh nghiệp chịu lệnh trừng phạt thứ cấp của Mỹ, cũng báo hiệu sẽ tách rời khỏi đồng USD. Quốc gia này cho biết đồng Nhân dân tệ sẽ là giải pháp thay thế.

screen-shot-2024-08-27-at-164630-1724804208610-1724804211573103253091.png

Tỷ trọng của đồng USD và các đồng tiền tệ khác trong dự trữ toàn cầu.

Các nhà nghiên cứu của Brookings trích dẫn bình luận của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và cho biết: “Nếu Mỹ tuỳ tiện áp dụng lệnh trừng phạt, hành động đơn phương, đồng USD có thể bị ‘truất ngôi’.”

2. Nợ công của Mỹ

Gánh nặng nợ công ngày càng lớn của Mỹ có thể khiến những bên nắm giữ USD trở nên cảnh giác hơn với đồng tiền này, đặc biệt là nếu xuất hiện mối lo ngại rằng Mỹ lỡ hạn thanh toán nợ.

Dù nợ công của Mỹ vẫn chưa vượt qua mức không bền vững, nhưng tốc độ chi tiêu của chính phủ vẫn không khiến thị trường bớt lo ngại. Ví dụ, Fitch đã hạ xếp hạng tín dụng của Mỹ vào năm ngoái do “tiêu chuẩn quản lý liên tục sụt giảm”.

Các nhà nghiên cứu cho biết: “Vì bất đồng về kế hoạch phân bổ, Quốc hội đã yêu cầu đóng cửa chính phủ nhiều lần. Những bất ổn chính trị cũng có thể khiến niềm tin của nhà đầu tư sụt giảm.”

3. Công nghệ thanh toán hiện đại hơn

Các hệ thống thanh toán hiện đại hơn đã giúp việc trao đổi các loại tiền tệ phi truyền thống trở nên dễ dàng hơn. Điều này có thể ảnh hưởng đến nhu cầu đối với đồng USD, vốn được coi là phương tiện trao đổi truyền thống được ưa chuộng nhất.

Eswar Prasad, thành viên cấp cao tại Viện Brookings, cho biết: “Thông thường, viện chuyển đổi các đồng tiền tệ sang USD và ngược lại rất dễ dàng và chi phí thấp hơn so với việc trao đổi các đồng tiền phi truyền thống với nhau.”

screen-shot-2024-08-27-at-164638-1724804208611-17248042115742058780540.png

Tỷ trọng của các đồng tiền tệ phi truyền thống trong dự trữ toàn cầu.

Ông nói thêm rằng, nhưng ví dụ, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ không còn cần phải trao đổi đồng nội tệ của họ để lấy USD và thực hiện giao dịch với chi phí thấp nữa. Thay vào đó, việc đổi trực tiếp đồng Nhân dân tệ lấy rupee sẽ rẻ hơn. Do đó, sự phụ thuộc vào một đồng tiền tệ làm phương tiện trao đổi, đặc biệt là đồng USD, sẽ giảm xuống.

4. Đồng tiền số của các NHTW

Tiền số do các NHTW phát hành cũng có thể giúp trao đổi các đồng tiền phi truyền thống dễ dàng và chi phí thấp hơn. Trung Quốc đang phát triển một CBDC như vậy và CIPS - hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới của Trung Quốc, đã phát triển nhanh chóng trong vài năm qua, nhóm nghiên cứu chỉ ra.

Fed đã tạo ra mạng lưới thanh toán nhanh, nhưng vẫn chưa phát tín hiệu sẽ cho ra mắt CBDC. Chủ tịch Jerome Powell hồi năm ngoái cho biết một đồng tiền số sẽ cần sự chấp thuận của các nhà lập pháp. Theo nhóm các nhà nghiên cứu, điều này có nghĩa là Mỹ có nguy cơ tụt hậu so với các quốc gia khác, khi công nghệ thanh toán kỹ thuật số đang phát triển nhanh chóng.

Tuy nhiên, dù có nhiều lời cảnh báo, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng phi đô la hoá không phải là mối rủi ro ngắn hạn đối với Mỹ hay đồng USD. Hiện tại, đồng bạc xanh không có đối thủ cạnh tranh. Hơn nữa, các quốc gia nỗ lực phi đô la hoá có thể phải chịu rủi ro về kinh tế, như tăng trưởng chậm hơn và giá trị đầu tư sụt giảm, một chuyên gia hàng hoá cho biết.

Tham khảo BI

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020