Sau một năm thử nghiệm bán hàng tươi sống, sàn thương mại điện tử (TMĐT) Tiki vừa công bố bước thêm một bước với mô hình "từ nông trại đến bàn ăn" nhằm mang nông sản tươi ngon, chất lượng thẳng từ nhà vườn tới tận tay người tiêu dùng với giá thành hợp lý, hạn chế khâu trung gian.
Đưa nhiều loại nông sản lên sàn
Tận dụng nền tảng TikiLive sẵn có trên sàn, những ngày đầu tháng 5 này, Tiki đã thực hiện livestream (phát trực tiếp) giới thiệu và bán nông sản, mở đầu với 2 đặc sản là sầu riêng Ri6 và gạo ST25. Chỉ riêng trong ngày đầu mở bán, đã có 2,5 tấn sầu riêng và 2 tấn gạo được đặt mua, chiếm gần 75% tổng số đơn hàng tươi sống bán ra. Hình thức mua hàng trực tuyến này được quan tâm một phần là bởi sàn bán lẻ sẵn sàng hỗ trợ đổi, trả nếu khách hàng không hài lòng về chất lượng.
Bà Vũ Thị Nhật Linh, Phó Tổng Giám đốc quản lý sàn thương mại tại Tiki, cho hay "từ nông trại đến bàn ăn" là chiến lược dài hạn của ngành hàng thực phẩm trong hệ sinh thái của Tiki. Vì vậy, doanh nghiệp (DN) đang chú trọng đầu tư nhiều nguồn lực để hoàn thiện và mở rộng quy mô của hình thức này. "Mô hình giúp cắt giảm các bước trung gian, tối ưu hóa chi phí cho nhà vườn, từ đó giúp người tiêu dùng có cơ hội mua sắm sản phẩm chất lượng với giá bán rất cạnh tranh. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai đa dạng các danh mục sản phẩm, từ trái cây đặc sản Việt Nam như mít, dâu, bơ, vải... đến các sản phẩm sữa, chế phẩm chế biến từ sữa, các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt..." - bà Nhật Linh thông tin và cho biết sàn bán lẻ này kỳ vọng đóng góp 40% vào tổng doanh thu ngành thực phẩm tươi sống.
Vải thiều năm nay dự kiến được đưa lên nhiều sàn thương mại điện tử, website bán hàng Ảnh: HOÀI DƯƠNG
Trên sàn TMĐT Lazada, từ 0 giờ ngày 14-5 đến hết ngày 18-5, đã có 2 tấn vải u trứng của tỉnh Hải Dương được tiêu thụ. Lazada tiếp tục phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) và các đối tác khác để đưa nhiều đặc sản của Hải Dương lên sàn TMĐT, chẳng hạn bánh đậu xanh Rồng Vàng và tỏi đen. Ba sàn TMĐT khác là Sendo, Voso, Postmart.vn cũng vừa ký vào bản thỏa thuận hợp tác với 4 đơn vị sản xuất, thu mua vải và nông sản của Hải Dương. Sàn TMĐT Postmart cho biết trước mắt chọn 3 loại nông sản đặc trưng của 3 miền là vải thiều Hải Dương, dưa hấu Quảng Bình và mít Thái trồng tại ĐBSCL để hỗ trợ tiêu thụ. "Với chiến lược đưa nông sản lên chợ mạng, khách hàng của nông dân sẽ không chỉ còn quanh quẩn tại các phiên chợ trong thôn, xã mà bất cứ lúc nào cũng có thể chủ động kết nối với thị trường cả nước. Đây cũng là cơ hội cho nông dân tiếp cận với công nghệ số, làm quen với phương thức bán hàng mới" - đại diện Postmart nói.
Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, cơ quan này đã kết nối với sàn TMĐT, các chuỗi cung ứng... để bảo đảm hệ thống hậu cần, kho bãi đáp ứng yêu cầu kinh doanh của nông dân trên sàn. Từ đó, tạo thêm kênh phân phối bền vững cho sản phẩm tiềm năng của các địa phương, góp phần hạn chế tình trạng giải cứu nông sản như trước đây.
Một đại diện khác của cục này cho hay việc triển khai phân phối một số nông sản trên sàn TMĐT đang ở mức thử nghiệm để học hỏi, lấy kinh nghiệm và chưa đặt nặng số lượng nhằm tránh phát sinh vấn đề bất cập. Sau thành công khi tiêu thụ trái vải, các loại nông sản tươi khác sẽ tiếp tục được xúc tiến qua kênh trực tuyến một cách cẩn trọng.
Nhà bán lẻ vào cuộc
Với kinh nghiệm tham gia phân phối, "giải cứu" thành công rất nhiều loại nông sản trong nước, trong đó có vải thiều, ngay từ tháng 2, tháng 3-2021, các hệ thống bán lẻ lớn như Saigon Co.op, VinCommerce, LOTTE Mart, Aeon... đã lên kế hoạch, xúc tiến làm việc với chính quyền, DN, HTX sản xuất, kinh doanh vải thiều tại Hải Dương, Bắc Giang. Kế hoạch thu mua, tiêu thụ mặt hàng đặc sản này liên tục được tính toán, cập nhật theo diễn biến tình hình dịch bệnh. Trong đó, ở khâu phân phối, các DN đẩy mạnh kênh bán hàng online nhằm bù đắp lượng mua sắm trực tiếp có nguy cơ sụt giảm do ảnh hưởng của dịch.
Đơn cử, Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) đang đàm phán với các đối tác là sàn TMĐT, nền tảng mua sắm trực tuyến để phân phối vải thiều cùng nhiều mặt hàng nông sản khác. Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết dự kiến hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op sẽ tiêu thụ khoảng 400-500 tấn vải thiều Hải Dương, Bắc Giang và Buôn Ma Thuột trong mùa vải năm nay. "Nếu dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng ra cộng đồng, tình hình phức tạp hơn, khả năng tiêu thụ mặt hàng này sẽ giảm, kịch bản xấu có thể "dội chợ". Để tạo thêm kênh tiêu thụ trái vải với giá tốt, Saigon Co.op đang đàm phán cùng ví điện tử MoMo và một số sàn TMĐT" - ông Đức thông tin.
Theo đại diện Saigon Co.op, rút kinh nghiệm từ đợt dồn ứ nông sản Hải Dương trước Tết âm lịch do dịch Covid-19, chính quyền các tỉnh đã kịp thời chỉ đạo, tổ chức thực hiện bảo đảm vận chuyển nông sản từ các vùng sản xuất đến các đầu mối thu mua được thông suốt nên trường hợp dịch vẫn trong tầm kiểm soát thì không lo khâu vận chuyển, kho bãi; các DN sẽ tập trung đẩy mạnh khâu tiêu thụ. "Không chỉ trái vải mà nhiều mặt hàng trái cây Việt Nam đang vào vụ thu hoạch, có loại rớt giá thê thảm do bí đầu ra vì dịch Covid-19. Để góp phần tạo đầu ra cho các mặt hàng này, trong tháng 6, các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra sẽ tổ chức lễ hội trái cây. Tuy nhiên, trường hợp dịch bùng phát mạnh hơn, lượng người mua sắm trực tiếp sẽ sụt giảm nên kênh tiêu thụ online, bán hàng qua điện thoại sẽ góp phần quan trọng trong việc đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng" - đại diện Saigon Co.op thông tin. Năm ngoái, Saigon Co.op chọn vải thiều làm điểm nhấn cho hoạt động kinh doanh qua ứng dụng số, năm nay có thể sẽ chọn một loại nông sản khác. "Chúng tôi chưa đánh giá trên hiệu quả kinh doanh mà xác định các sàn đang là cánh tay nối dài để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. "Dù vậy, 1 năm qua, tiêu thụ sản phẩm của Saigon Co.op trên các sàn tăng trưởng khá ổn định, kỳ vọng sẽ tăng tốt trong giai đoạn cả nước cùng chung tay chống dịch" - đại diện Saigon Co.op nói thêm.
Đại diện hệ thống MM Mega Market cũng cho biết trái vải Bắc Giang, Hải Dương đã có mặt tại siêu thị thuộc hệ thống này trên cả nước. Hiện nhà bán lẻ này đang "giải cứu" một số mặt hàng trái cây của cả 2 miền Nam, Bắc với giá hấp dẫn: mít Thái nguyên trái chỉ còn 12.000 đồng/kg, nhãn 7.000 đồng/kg... Dự kiến từ nay đến cuối tháng 5, MM Mega Market sẽ đưa trái vải lên bán trên website của hệ thống, cùng với một số loại nông sản khác. Nhà bán lẻ đến từ Thái Lan cũng đã xây dựng chỉ tiêu đẩy mạnh kênh bán hàng online, đưa doanh thu bán hàng online từ 1%-2% lên 5% bằng cách tăng lượng sản phẩm, cải tiến website, duy trì chính sách giao hàng miễn phí cho khách đặt hàng online... Các hệ thống Vinmart, Vinmart+, Aeon, LOTTE Mart, Big C... cũng đang tăng nhanh số lượng mặt hàng nông sản trên website, ứng dụng (app) mua sắm riêng của siêu thị, dịch vụ nhận đặt hàng qua điện thoại cũng như thông qua các liên kết với các nền tảng giao nhận, gọi món... đang thịnh hành.
Các nhà bán lẻ cho hay trong chương trình năm nay, các loại nông sản sẽ có giá bán tương đương nhau ở mọi kênh: website riêng, sàn TMĐT và siêu thị, cửa hàng, trừ những thời điểm "chạy" khuyến mãi, nhằm bảo đảm chính sách giá thống nhất, không tự cạnh tranh với chính mình trên các kênh mua sắm.
Lưu ý chất lượng sản phẩm
Ông Vũ Bá Phú cho biết để bảo đảm chất lượng sản phẩm từ ruộng vườn đến tay người tiêu dùng, Cục Xúc tiến thương mại đã phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc hỗ trợ DN kiểm soát chất lượng, theo dõi nhật ký sản xuất, chống hàng giả, hàng nhái và kém chất lượng. Đơn cử, trái vải Thanh Hà đã được các đơn vị sản xuất của Hải Dương nhập dữ liệu từ nhiều tháng nay, đồng thời thực hiện đồng bộ với những giải pháp kỹ thuật, dán tem nhãn sản phẩm. Một số sản phẩm khác như bắp cải, su hào, cà rốt... cũng được áp dụng truy xuất nguồn gốc trong thời gian cách ly do dịch bệnh hồi đầu năm. Việc này sẽ giúp người tiêu dùng có đầy đủ thông tin minh bạch về sản phẩm từ nguồn nguyên liệu, sản xuất, chế biến...