Chuyên mục  


base64-17356189326121604912869.jpeg

Bệnh viện đã xóa nội dung video tuyên truyền bệnh nhân ung thư không nên dùng sữa non - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Nhiều bạn đọc cho rằng bệnh viện không nên xóa nội dung tuyên truyền trên, mà nên điều chỉnh về mặt hình ảnh và tiếp tục tuyên truyền.

Số đông ủng hộ bệnh viện

Ngày 29-12, Tuổi Trẻ Online có bài viết Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng bị các nhà phân phối hãng sữa non A. phản ứng vì đăng thông tin "Không nên dùng sữa non vì năng lượng - đạm rất thấp, không có EPA, sẽ làm nặng thêm tình trạng suy dinh dưỡng và tốn kém cho bệnh nhân" kèm hình ảnh sữa A. bị gạch chéo.

Lãnh đạo bệnh viện cho biết đã xóa thông tin ngay khi nhận phản ánh vì thấy không phù hợp, nhưng khẳng định các y bác sĩ vẫn tuyên truyền nội dung trên trực tiếp tới bệnh nhân.

Giám đốc bệnh viện lý giải nhiều nghiên cứu, phân tích của các chuyên gia, bác sĩ tại bệnh viện cho thấy thành phần sữa non A. không đủ năng lượng cho người bệnh ung thư trong khi giá quá cao, nhiều người bệnh khó khăn vẫn cố mua vì một số người bán thổi phồng về công dụng.

Bình luận về sự việc, rất nhiều bạn đọc đứng về phía Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng.

Tài khoản truo****@gmail.com nhận xét: "Bệnh viện rất thẳng thắn, thông tin trung thực đến bệnh nhân để tránh bị "dụ" mua sản phẩm thổi phồng về công dụng lẫn giá cả".

Tài khoản thie****@gmail.com cho biết: "Nếu Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng bị khởi kiện và phải đền bù, tôi ở TP.HCM, sẵn sàng đóng góp tiền để bệnh viện có tài chính theo đuổi vụ kiện vì bệnh viện rất có trách nhiệm và y đức với người dân. Cảm ơn Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng".

Bạn đọc Nhường cho rằng hộp sữa 450g mà giá tới 1,2 triệu đồng là quá đắt. "Cứ thổi phồng lên, đánh vào tâm lý người bệnh. Tôi ủng hộ bệnh viện về việc khuyến cáo bệnh nhân", bạn đọc Nhường viết.

Nên nhờ cơ quan có thẩm quyền

Bạn đọc Nguyễn Thanh Hiệp nêu quan điểm rằng bệnh viện đưa ra lời khuyên hay hướng dẫn bệnh nhân không nên mua hay sử dụng các sản phẩm không đạt chất lượng như: thành phần của thuốc, dinh dưỡng nhưng không nên vạch mặt chỉ tên trực tiếp các sản phẩm này.

Vì nếu nêu trực tiếp tên sản phẩm, bệnh viện có thể phải đối phó với tranh tụng và sự trả thù của những cơ sở sản xuất này. Điều này không thuộc về chuyên môn của bệnh viện.

"Bệnh viện có thể gửi văn bản cho cơ quan bảo vệ người tiêu dùng và công an để hai cơ quan này có trách nhiệm điều tra cảnh báo, thậm chí truy tố các cơ sở sản xuất và quảng cáo không đúng sự thật", bạn đọc này chia sẻ.

Nhiều bạn đọc cũng cho rằng bệnh viện nên tiếp tục tuyên truyền chứ không nên xóa, nhưng điều chỉnh nội dung không cho xuất hiện ảnh sữa cụ thể, bởi ngoài thương hiệu sữa A. này, còn nhiều thương hiệu sữa cũng đánh vào tâm lý người bệnh để bán giá cao trong khi công dụng không đáng kể.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020