Chuyên mục  


Hơn 30 năm trước, anh Nguyễn Văn Thường (SN 1960) cùng vợ là chị Nguyễn Thị Hiền (SN 1973) ở Hà Nội nên duyên vợ chồng. Cả hai có với nhau hai cậu con trai sinh năm 1995 và 1997 khỏe mạnh, học hành giỏi giang.

Đầu năm 2018, biến cố ập đến với gia đình khi cậu con trai lớn qua đời do mắc u trung thất. 9 tháng sau, cậu con trai thứ 2 của anh chị cũng không qua khỏi do mắc phải căn bệnh viêm phổi cấp. Anh Thường suy sụp tột độ, vợ anh như người mất hồn.

Suốt những ngày sau đó, hễ khi nào ngồi một mình, nước mắt anh chị lại rơi. Nghĩ đến cảnh cao tuổi cô quạnh, anh Thường nén đau thương, động viên vợ vượt qua giai đoạn khủng hoảng, cố gắng "tìm con" để cuộc sống ý nghĩa hơn.

Khi nỗi đau dần nguôi ngoai, vợ chồng ông tìm đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội bày tỏ khao khát có con. Cặp vợ chồng tuổi cao, các bác sĩ đánh giá đây là ca khó, nhiều nguy cơ khi mang thai, sinh nở, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Vì thế, khi hỗ trợ sinh sản cho bệnh nhân, bác sĩ phải nghiên cứu, cân nhắc chọn phác đồ phù hợp dựa vào độ tuổi, nội tiết và tiền sử bệnh.

Bác sĩ tạo được 10 phôi, lần đầu chuyển 2 phôi nhưng không thành công. Không bỏ cuộc, lần chuyển phôi thứ 2, chị Hiền may mắn đậu một thai. “Đó là điều vui mừng khôn xiết”, anh Thường xúc động nhớ lại.

thu-tinh-trong-ong-nghiem-22441138-1736135749558-1736135752258164233890.jpg

Các bác sĩ làm thủ thuật thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. (Ảnh: N.Loan)

Mang thai khi tuổi đã cao, chị Hiền vất vả hơn so với những lần trước đó, thường xuyên đau mỏi khắp cơ thể nhưng may mắn có chồng và các y bác sĩ đồng hành. Sau 9 tháng vất vả mang thai, đầu năm 2020, bé Bích Phương chào đời trong niềm hạnh phúc vô bờ của gia đình.

Giờ đây, mọi mệt mỏi đều tan biến khi thấy con cười, bé Bích Phương đã 5 tuổi, thông minh, khỏe mạnh là niềm an ủi ớn nhất với vợ chồng anh Thường.

Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và công nghệ mô ghép, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, sau 10 năm hoạt động, đơn vị hỗ trợ cho các gia đình, đón thành công khoảng 5.000 em bé chào đời. Bệnh viện cũng thực hiện hỗ trợ sinh sản cho nhiều cặp vợ chồng lớn tuổi.

Phụ nữ lớn tuổi thường sẵn nhiều vấn đề bệnh lý hơn so với phụ nữ trẻ như bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp dễ dẫn tới nguy cơ tiền sản giật. Nguy cơ mắc tiểu đường hay tiểu đường thai kỳ cũng gia tăng theo tuổi, gây nhiều biến chứng đe dọa trực tiếp đến tính mạng người mẹ.

Đáng lưu ý, người mẹ lớn tuổi mang thai, nguy cơ thai nhi nhỏ hơn so với tuổi thai, trẻ bị suy dinh dưỡng, trẻ nhẹ cân, nguy cơ đẻ non, thai nhi dị tật, sảy thai cao hơn so với người mẹ trẻ tuổi. Do đó, quá trình hỗ trợ sinh sản cần được giám sát, theo dõi hết sức chặt chẽ.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ vô sinh cao trên thế giới, trong đó 50% số ca mắc nằm ở độ tuổi dưới 30.

Ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn chiếm tỷ lệ khoảng 7,7%. Tỷ lệ vô sinh do nam giới chiếm 40%, do nữ giới chiếm 40%, 10% do cả hai vợ chồng và 10% không rõ nguyên nhân. Điều này cho thấy nguyên nhân gây vô sinh hiếm muộn xuất phát từ hai phía cả nam và nữ.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020