Chuyên mục  


Vitamin D là chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), các chức năng của vitamin D là giúp cơ thể hấp thụ canxi hiệu quả hơn, tăng cường khả năng miễn dịch. Tuy nhiên, những công dụng đa dạng của vitamin D dẫn đến nhiều quan niệm sai lầm về chất này.

"Nhiều người kỳ vọng vitamin D là một loại 'thần dược', sử dụng lượng lớn có thể giải quyết mọi vấn đề", Anne McTiernan, giáo sư dịch tễ học tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson, cho biết.

Các chuyên gia đã chỉ ra những hiểu lầm phổ biến về vitamin D, hầu hết đều đồng tình rằng không có loại vitamin hoặc thực phẩm chức năng nào có thể chữa khỏi bệnh.

Dùng càng nhiều vitamin D càng tốt

Theo Amy Kimberlain, chuyên gia dinh dưỡng tại Học viện Dinh dưỡng trụ sở tại Miami, hiện tượng sử dụng quá nhiều vitamin D không phổ biến, song vẫn có thể xảy ra. Ở nồng độ quá cao, vitamin D có thể sinh ra chất độc, để lại hậu quả nguy hiểm. Tình trạng này thường gặp ở người uống quá nhiều chất bổ sung vitamin D.

NIH khuyến cáo người lớn từ 19 đến 70 tuổi nên bổ sung 15 mcg, người trên 71 tuổi uống 20mcg. Kimberlain cho biết giới hạn vitamin D tối đa mỗi ngày với trẻ từ 9 tuổi là khoảng 120mcg.

"Vitamin D làm tăng sự hấp thụ canxi, do đó độc tính sinh ra nhờ sự tích tụ canxi trong cơ thể. Theo Mayo Clinic, các triệu chứng ngộ độc vitamin D có thể bao gồm buồn nôn, nôn, đi tiểu thường xuyên, suy nhược, đau xương khớp và đau thận", tiến sĩ Kimberlain cho biết.

Các chuyên gia khuyến cáo kiểm tra lượng vitamin trên bao bì khi lựa chọn thực phẩm bổ sung, đồng thời tham khảo ý kiến bác sĩ, xét nghiệm máu để xác định bạn có thực sự cần sử dụng chúng hay không.

Chỉ cần ăn thực phẩm cơ bản là đủ vitamin D

Theo các chuyên gia, các thực phẩm hàng ngày có chứa lượng vitamin D nhất định, song không phong phú. Tùy theo nhu cầu, tiến sĩ vẫn khuyến nghị mọi người sử dụng các loại chất bổ sung ở mức độ vừa phải.

Nguồn bổ sung vitamin D tự nhiên là cá, nấm trắng hoặc ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, một số loại thức ăn phổ biến như trứng, sữa, ngũ cốc chỉ chứa một lượng nhỏ vitamin D. Ví dụ, một quả trứng lớn cung cấp 1,1mcg, ngũ cốc chứa 2mcg. Như vậy, thực phẩm tự nhiên chỉ là nguồn cung vitamin D hạn chế.

Các thực phẩm giàu vitamin D như quả bơ, cá hồi, đậu đỗ. Ảnh: Freepik

Bổ sung vitamin D dẫn đến giảm cân

NIH cho biết tình trạng béo phì và thiếu hụt vitamin D có liên quan đến nhau. "Tuy nhiên, đến nay, chưa có bằng chứng khoa học cho thấy việc bổ sung vitamin có thể giúp giảm cân, giảm vòng eo", tiến sĩ Michael Holick chuyên gia nội tiết, Giám đốc Phòng khám Chăm sóc tại Trung tâm Y tế Đại học Boston, cho biết.

Nghiên cứu trước đây cho thấy nếu phụ nữ béo phì tăng lượng vitamin D trong thực đơn hàng ngày, ăn chế độ ít calo và tập thể dục có thể giảm cân. Tuy nhiên, các nhà khoa học nhận định còn quá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận nào, bởi chưa rõ liệu mức vitamin D thấp là nguyên nhân hay hậu quả quả tình trạng béo phì.

Tuy nhiên, cung cấp đủ vitamin D giúp tăng cường sức khỏe nói chung, từ đó giúp giảm cân hiệu quả.

"Nếu những cơn đau nhức xương do thiếu vitamin D khiến bạn không thể tập thể dục, bổ sung chất này sẽ giúp bạn tập luyện nhiều hơn, từ đó giảm cân", tiến sĩ Holick nói.

Tất cả phụ nữ trưởng thành đều cần lượng vitamin D giống nhau

Trên thực tế, một số phụ nữ chỉ cần hấp thụ vitamin D thông qua ánh sáng mặt trời hoặc chế độ ăn uống hàng ngày. Trong khi đó, phụ nữ mang thai sẽ cần lượng vitamin D lớn hơn.

Nghiên cứu công bố trên Tạp chí Nội tiết Lâm sàng và Chuyển hóa cho thấy những phụ nữ sinh con vào mùa đông dễ bị thiếu hụt vitamin D trong giai đoạn đầu thai kỳ, dễ tăng cân hơn bình thường. Những người này cần lượng vitamin D cao so với các sản phụ khác.

Các chuyên gia tại Trường Cao đẳng Sản phụ khoa lưu ý người mẹ thiếu hụt vitamin D trầm trọng trong thai kỳ có thể sinh con còi cọc bẩm sinh và dễ gãy xương, tuy nhiên trường hợp này rất hiếm. Các nhà khoa học cho biết khoảng 25-50mcg vitamin D mỗi ngày là an toàn đối với phụ nữ có thai.

Nhiều bằng chứng cho thấy vitamin D rất quan trọng đối với sức khỏe của mẹ và bé. Nghiên cứu công bố vào tháng 6/2020 trên tạp chí Clinical Nutrition cho thấy bổ sung vitamin D có thể ngăn ngừa tiền sản giật.

Thục Linh (Theo Everyday Health)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020