Việt Nam có thức uống ngọt mát, mệnh danh là "thang thuốc phục mạch"
Việt Nam nổi tiếng với nhiều thức uống vỉa hè ngon lành, ngọt mát, một trong số đó phải kể đến là nước mía. Đây là loại nước ngọt thơm, giải khát rất phổ biến.
Chúng ta có thể tìm mua nước mía ở bất cứ đâu, với giá thành chỉ dao động 8-15 nghìn/cốc. Nhiều năm gần đây, nước mía còn được biến tấu thành nhiều phiên bản mới lạ, có khi được bổ sung thêm dừa tươi, sầu riêng, trân châu, nước cốt dừa...
Nước mía là thức uống vỉa hè quen thuộc, có thể tìm mua ở bất cứ đâu. (Ảnh: Bảo Nam).
Nước mía giàu khoáng chất, nhất là magie, mangan, kali, vitamin A, C, B1, B2... giúp cơ thể tăng năng lượng, giảm mệt mỏi sau khi vận động. Đặc biệt giúp giải khát tốt trong những ngày hè nắng nóng.
Trong Đông y, mía còn được mệnh danh “Thang thuốc phục mạch” - nghĩa là thuốc trị thiếu máu, có vị ngọt tính hàn. Mía đại bổ tỳ âm, dưỡng huyết cường gân cốt, an thần trấn kinh tức phong, tả phế nhiệt, lợi yết hầu, hạ đờm hỏa, chi nôn, hòa vị, tiêu phiền nhiệt.
Loại lá Song Hye Kyo tận dụng để giữ da căng bóng ở tuổi 43: Tốt ngang "kem chống nắng tự nhiên", bổ sung collagen
Cái nóng mùa hè và độ ẩm cao khiến cơ thể rất dễ bị mất nước. Do đó, nước mía thường được yêu thích trong thời điểm này, chúng đóng vai trò là thức uống hoàn hảo để bổ sung nước và chất điện giải bị mất. Giúp thận của bạn hoạt động tốt hơn và đánh bại nhiễm trùng đường tiết niệu.
Với chị em phụ nữ, nước mía còn là thức uống làm đẹp da, chứa nhiều hợp chất gọi là axit alphahydroxy và axit glycolic, mía là thần dược cho làn da. Nó không chỉ giúp giảm mụn trứng cá mà còn ngăn ngừa lão hóa và giữ cho làn da của bạn luôn căng mọng.
Nhưng coi chừng là "thủ phạm" làm tăng đường huyết cực nhanh
Nước mía tuy chứa nhiều dinh dưỡng như vậy nhưng nhược điểm lớn nhất của chúng là chứa hàm lượng đường khá cao. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, một ly nước mía (240 ml) cung cấp cho cơ thể khoảng 183 calo, 0g chất đạm, 0g chất béo, 50g đường, 27,51g carbohydrate (carb).
Trong đó 50g đường tương đương với 12 thìa cafe đường. Trong khi đó, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi ngày người lớn chỉ nên tiêu thụ 25g đường mà thôi.
Đường là một loại carbohydrate (carb) mà cơ thể phân hủy thành glucose. Những loại đồ uống có hàm lượng carb cao có thể làm tăng lượng đường trong máu quá mức.
Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội), nước mía là thức uống siêu ngọt, chứa khoảng 70% là đường vì vậy bệnh nhân tiểu đường không nên dùng để duy trì lượng đường huyết trong cơ thể luôn ở mức ổn định, tránh làm cho bệnh tình trở nên trầm trọng hơn.
Nước mía là thức uống siêu ngọt, chứa khoảng 70% là đường.
Ngoài ra, những người mỡ máu cao, bị gút, đang mang bầu cũng không nên uống quá nhiều nước mía để tránh gây hại sức khỏe.
Những đối tượng có đường ruột yếu, hay đầy bụng và đi ngoài thì không nên sử dụng nước mía thường xuyên vì sẽ làm cho tình trạng cơ thể trở nên trầm trọng hơn.
Đặc biệt, khi uống nước mía nên lựa chọn những hàng quán sạch sẽ, vệ sinh để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn, từ khâu vệ sinh cây mía, máy ép, cốc đựng...
Theo các chuyên gia, người khỏe mạnh cũng không nên uống nước mía quá nhiều vì dễ tăng cân, béo phì. Liều lượng được khuyến cáo khi uống nước mía là 100 đến 200ml và tốt nhất nên sử dụng vào buổi sáng, chiều. Những ai đang sử dụng thuốc, đặc biệt là có chỉ số mỡ máu, đường huyết cao... thì nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.