Chuyên mục  


nuoc-da-lanh-1698979789433108263497.jpg

Thời tiết nắng nóng nhưng đông y khuyến cáo không dùng quá nhiều đồ ăn uống lạnh

Chớ để cơ thể phí năng lượng hóa giải đồ lạnh

ThS Hoàng Khánh Toàn, nguyên chủ nhiệm khoa y học cổ truyền, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết mùa hạ nóng nực, tuy phải dùng nhiều đồ ăn thức uống có tác dụng thanh nhiệt giải thử, nhưng vẫn cần lấy ôn ấm làm chính để trợ giúp khí dương.

Bởi các nhà dưỡng sinh đông y cho rằng mùa hạ tuy dương khí vượng thịnh bên ngoài nhưng khí âm lại tiềm ẩn bên trong cơ thể, vậy nên "trời tuy nóng chớ tham mát, dưa tuy ngon chớ ăn nhiều".

Nếu không biết giữ gìn dương khí trong mùa hạ thì mùa đông sẽ mắc nhiều bệnh tật, phải biết thuận ứng thiên thời để bồi bổ dương khí, trừ khử âm hàn, có như vậy mới gọi là phòng bệnh triệt để.

Bởi vậy trong mùa hạ việc chọn dùng một số đồ ăn thức uống có tính ôn bổ cũng là rất cần thiết, đặc biệt đối với những người có bệnh mạn tính và thể chất vốn suy nhược do dương khí kém.

Theo GS.TS Bùi Quốc Châu - giám đốc Trung tâm Diện chẩn điều khiển liệu pháp và xoa bóp Việt Nam, mùa lạnh được ăn uống đồ mát lạnh thì thật là tuyệt vời. Mát từ miệng, mát qua cổ họng vào tận bụng và lan ra cả người.

Nhưng độc chính là ở chỗ đó bởi cơ thể con người chịu ảnh hưởng mật thiết của khí hậu và thời tiết, cụ thể là các yếu tố vật lý như nóng và lạnh.

Thực tế đã có nhiều người tử vong khi tắm nước lạnh do sự thay đổi lạnh đột ngột của cơ thể. Đó là cái hại bên ngoài nhìn thấy được.

Ông Châu phân tích theo Đông y từ xưa đã nói "thận ố hàn" (thận ghét lạnh), phổi và tỳ, vị cũng sợ lạnh.

Ăn uống đồ lạnh nhiều có thể gây nhiều bệnh nguy hiểm: Suyễn, đau dạ dày, trĩ, viêm họng, viêm phế quản mãn tính, viêm mũi dị ứng, cảm lạnh, thấp khớp, tiểu gắt, rụng tóc, đau lưng, hỏng răng, nhức mỏi cổ, gáy, vai, nhức đầu kinh niên, giảm trí nhớ, kém mắt, nặng nề mệt mỏi, sợ lạnh, nhức răng, mụn nhọt, bệnh đường ruột…

tre-em-tai-sapa-lao-cai-tren-canh-dong-actiso-dat-chuan-gacp-who-3-1669525750103773765847.jpg

Trẻ em Lào Cai trên cánh đồng actiso, trà actiso và các thực phẩm như bí đao, đậu xanh... được khuyên dùng trong mùa hè

Dưỡng âm, tránh tổn thương tỳ vị

Theo ThS Toàn, mùa hè nắng nóng, quá trình trao đổi chất trong cơ thể con người diễn ra mạnh mẽ, dương khí phát ra ngoài, âm khí tiềm phục ở trong.

Công năng của tỳ vị có xu hướng suy giảm vì nóng bức dễ uống nhiều làm cho dịch vị bị pha loãng, quá trình tiêu hóa và hấp thu thức ăn dễ bị rối loạn.

Bởi vậy trong mùa hạ, Đông y khuyên nên chú trọng dùng nhiều đồ ăn thức uống có tác dụng thanh nhiệt giải thử, lợi niệu trừ thấp như dưa hấu, mướp đắng, dưa chuột, bí đao, đậu xanh, đậu đen, cháo ngũ đậu, cháo ý dĩ, cháo đậu xanh, cháo biển đậu, cháo lá sen, trà nhân trần, trà hoa cúc, trà nụ hoặc lá vối, trà actiso, trà khổ qua...

Những ngày nóng bức có thể dùng nước ướp lạnh hoặc nước đá để giúp cơ thể giải nhiệt nhưng không được dùng nhiều, tránh làm thương tổn tỳ vị, tạo điều kiện cho thấp tà gây bệnh bên trong. Khi mồ hôi ra nhiều phải chú ý bổ sung đủ lượng nước đã mất bằng đường ăn uống.

Cổ nhân có câu: "Hãn vi tâm dịch" (mồ hôi là dịch của tâm), bởi thế khi mất mồ hôi sau khi vận động, chơi thể thao hay do hè nóng bức, cần chú ý trọng dụng những đồ ăn thức uống có công dụng thanh nhiệt dưỡng âm như thạch đen, chè đậu đen, cháo đậu xanh, đậu cô ve, bạch biển đậu, ý dĩ, hạt sen, củ mài...

Các loại trà: Trà mạch môn, trà hoắc hương, trà nụ vối, trà hương nhu, trà lá sen, nước ép quả lê, nước ép ngó sen, nước mơ, nước mận, nước dâu, trà bát bảo...

Nên chú ý dùng thêm các đồ ăn thức uống có vị chua ngọt, cay thơm để nhằm mục đích khai vị, kích thích cảm giác thèm ăn như các loại canh chua chế từ quả sấu, me, khế, quả dọc, tai chua, quả chay, chua me đất hoa vàng... và các loại nước cam, nước chanh, nước mơ, nước sấu...

Cần chú ý không nên dùng quá nhiều đường tinh luyện khi pha chế các loại nước giải khát. Để bảo vệ nguyên khí, cổ nhân khuyên "Bảy mươi hai ngày mùa hạ nên bớt vị đắng, tăng vị cay để dưỡng phế khí".

Thức ăn, đồ uống cần tránh

Thức ăn chiên rán là thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ có khả năng làm nóng cơ thể, đồng thời cũng gây tình trạng mất nước, làm cho hệ tiêu hóa bị quá tải, ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất khiến thức ăn không thể chuyển hóa được. Từ đó, tăng nguy cơ béo phì và suy giảm hệ miễn dịch.

Ngoài ra khi ăn đồ chiên rán, lượng cholesterol trong cơ thể có thể tích tụ và vượt quá mức cần thiết, dẫn tới xơ vữa động mạch và nhiều biến chứng nguy hiểm hơn như nhồi máu cơ tim, đột quỵ,...

Đồ uống có cồn như bia, rượu, đồ uống chứa caffein có khả năng làm tăng tổng lượng chất lỏng của cơ thể. Từ đó, kích thích cơ thể có xu hướng bài tiết nước tiểu nhiều hơn, khiến cơ thể lâm vào tình trạng thiếu nước trầm trọng, gây cảm giác khát nước và mệt mỏi trong những ngày nắng nóng.

Nước ngọt có gas khi uống vào không những không đem lại bất kỳ giá trị dinh dưỡng nào mà còn có thể dẫn đến tích tụ nhiều chất béo độc hại, gây tăng cân, tăng mỡ bụng, béo phì, đái tháo đường và nhiều vấn đề về sức khỏe tim mạch như tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020