Bệnh nhân ngộ độc điều trị tại Bệnh viện Vũng Tàu - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Vụ ngộ độc bánh mì ở Vũng Tàu khiến 379 người nhập viện, 1 người chết, các mẫu xét nghiệm được lấy từ tiệm bánh mì, xôi "Cô Ba Bến Đình" (số 6 đường Nguyễn An Ninh) gồm thịt heo luộc, patê heo, chả lụa, nước xốt thịt heo, rau sống ăn kèm đều phát hiện có nhiễm vi khuẩn salmonella.
Vi khuẩn samonella không chỉ là nguyên nhân gây ngộ độc hàng đầu tại Việt Nam mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cho hay đây là một trong những nguyên nhân gây tiêu chảy trên toàn cầu, trong đó có nhiều vụ ngộ độc lớn.
Dễ gây tử vong
Không chỉ vụ ngộ độc bánh mì ở Vũng Tàu mới nhất, những vụ ngộ độc lớn gần đây tại Việt Nam như vụ ngộ độc bánh mì ở Hội An khiến 150 người bị ảnh hưởng, ở Đồng Nai khiến hơn 500 người ngộ độc, cơm gà ở Nha Trang khiến hơn 350 người nhập viện… kết quả kiểm nghiệm mẫu thực phẩm hoặc bệnh phẩm của các vụ ngộ độc nêu trên đều có sự hiện diện của vi khuẩn salmonella.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), khi nhiễm khuẩn salmonella bệnh nhân thường biểu hiện đau bụng, nôn, tiêu chảy, sốt và các biểu hiện mất nước, nhiễm trùng.
Vi khuẩn này không để lại di chứng. Do đó, các bác sĩ sẽ điều trị kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn salmonella, sau đó tiếp tục cân bằng vi khuẩn đường ruột và điều trị triệu chứng.
"Tuy nhiên, có tới 8% trường hợp vi khuẩn đi sâu vào máu gây nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn và dễ tử vong, đặc biệt khi vi khuẩn quá nhiều, cơ thể yếu. Vì vậy, trong các vụ ngộ độc do vi khuẩn samonella vẫn ghi nhận các trường hợp tử vong", bác sĩ Nguyên cho hay.
Theo Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, vi khuẩn salmonella là vi khuẩn đường ruột, có trong phân người, động vật bị nhiễm bệnh và môi trường. Hầu hết các trường hợp bệnh đều do tiêu thụ thực phẩm hoặc sử dụng nguồn nước ô nhiễm có chứa salmonella.
Lượng vi khuẩn salmonella trong thực phẩm phải đủ lớn mới có thể gây ra ngộ độc. Vì khi qua dạ dày, chúng sẽ bị tiêu diệt một phần bởi dịch vị tiết ra ở dạ dày, lượng salmonella còn lại xuống tới ruột non mới có cơ hội phá hủy lớp niêm mạc ruột gây ra triệu chứng ngộ độc.
Thời gian ủ bệnh khi nhiễm salmonella là từ 6-72 giờ sau khi ăn, thông thường là từ 18-36 giờ sẽ xuất hiện các triệu chứng như: đau quặn bụng, tiêu chảy, ớn lạnh, sốt. Một số ít người còn bị buồn nôn, ói mửa.
Các triệu chứng trên thường kéo dài từ vài ngày đến một tuần. Trong đó, tiêu chảy có thể kéo dài tới 10 ngày.
Đôi khi cần vài tháng để thói quen đại tiện và phân trở lại bình thường. Một số ít trường hợp có thể bị biến chứng nặng nếu nhiễm salmonella lan rộng, xuyên qua ruột, có thể dẫn đến tử vong.
Công an ghi lời kể của bệnh nhân, tìm hiểu vụ ngộ độc nghi do ăn bánh mì ở Vũng Tàu - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Thực phẩm nào dễ có vi khuẩn salmonella?
Sở An toàn thực phẩm cho biết thêm một số thực phẩm vi khuẩn salmonella dễ nhiễm khuẩn như thịt gia cầm và các sản phẩm từ thịt, trứng; các sản phẩm từ trứng, sữa; các sản phẩm từ sữa, trái cây và rau củ, chocolate, ngũ cốc, bơ đậu phộng, bánh, gia vị…
Nguyên nhân nhiễm vi khuẩn salmonella do môi trường bị ô nhiễm khi đó vi sinh vật từ đất, nước, không khí, dụng cụ và các vật dụng khác nhiễm vào thực phẩm.
Đặc biệt là thiếu vệ sinh trong quá trình chế biến, vệ sinh cá nhân không đảm bảo (tay người chế biến không sạch, người lành mang trùng…) làm nhiễm vi khuẩn vào thực phẩm. Hoặc do chính bản thân thực phẩm nhiễm khuẩn từ khâu chế biến, chăm sóc.
Bên cạnh đó, sau khi thực phẩm được nấu chín, không dùng ngay mà bảo quản ở nhiệt độ phòng trong thời gian quá lâu (thường hơn 2 tiếng) hoặc bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ thích hợp cho sự phát triển của vi khuẩn (khoảng nhiệt độ thuận lợi cho vi khuẩn phát triển là từ 30°C đến 40°C).
Hoặc nhiệt độ hâm nóng thức ăn chưa đạt yêu cầu (ví dụ như hâm nóng thực phẩm trong thời gian quá nhanh làm cho thực phẩm chưa nóng đều).
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo động vật thường bị nhiễm khuẩn salmonella như gà, vịt, heo, bò, động vật gặm nhấm và các loài bò sát như rắn, thằn lằn và rùa.
Người bệnh bị nhiễm vi khuẩn salmonella thường do ăn thịt sống, gia cầm, trứng hoặc các sản phẩm từ trứng, sữa chưa tiệt trùng. Thời gian ủ bệnh (khoảng thời gian từ khi tiếp xúc đến lúc phát bệnh) có thể từ 6 giờ đến 6 ngày.
Vi khuẩn salmonella sẽ bị hủy bởi nhiệt độ 50 độ C trong vòng một giờ hoặc 100 độ C trong 5 phút, thậm chí có thể bị tiêu diệt bởi các chất sát khuẩn thông thường. Do vậy, để phòng tránh nhiễm khuẩn, mọi người cần tuân thủ ăn chín, uống sôi. Đặc biệt, nên nấu chín kỹ trứng, rửa sạch vỏ trứng trước khi chế biến. Dùng nước nóng, xà phòng để rửa đồ dùng, thớt và các bề mặt vật dụng nhà bếp...
Nguyên tắc vàng tránh ngộ độc
Sở An toàn thực phẩm TP.HCM khuyến cáo nguyên tắc để phòng tránh ngộ độc thực phẩm:
- Giữ thực phẩm sạch: bằng cách giữ bàn tay sạch trước và trong khi chế biến thực phẩm; giữ cho dụng cụ chế biến, chứa đựng thực phẩm phải sạch; giữ cho khu vực bếp sạch, phòng chống động vật, côn trùng gây hại có thể xâm nhập.
- Tách riêng thực phẩm tươi sống và thực phẩm đã qua chế biến nhằm tránh việc lây nhiễm chéo.
- Nấu chín kỹ thức ăn nhằm tiêu diệt hết vi khuẩn gây hại.
- Giữ thực phẩm ở nhiệt độ an toàn: thực phẩm sau nấu chín nên dùng ngay, không nên để thực phẩm đã nấu chín quá 2 giờ ở nhiệt độ phòng; thực phẩm chưa dùng hết nên bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh càng sớm càng tốt; không nên sử dụng thực phẩm được bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh quá lâu (không quá 5 ngày); không rã đông thực phẩm đông lạnh ở nhiệt độ phòng.
- Sử dụng nước và nguyên liệu thực phẩm sống sạch, an toàn: chọn nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thường xuyên kiểm tra hạn sử dụng của nguyên liệu thực phẩm.