Anh Hoàng Văn Hải, hiện công tác tại Sở Công thương tỉnh Hà Giang, là "hạt giống" trưởng thành từ chương trình Hành trình Đỏ, góp phần làm "thức tỉnh" phong trào hiến máu tỉnh Hà Giang.
Đến với phong trào hiến máu như một cái "duyên trời định"
Anh Hải chia sẻ, anh đến với hoạt động hiến máu như một cái "duyên trời định" bởi nó rất đặc biệt. "Từ khi được nhận vào công tác tại một đơn vị gần nhà, tôi thường xuyên tham gia công tác thiện nguyện và các hoạt động cộng đồng khác. Ban đầu tôi chỉ đi theo bạn bè để hiến máu cho vui chứ không nghĩ máu lại thực sự cần thiết đối với việc điều trị người bệnh như vậy".
Trong quá trình tham gia hiến máu được tiếp xúc nhiều hơn với bệnh nhân mắc các bệnh về máu đang điều trị tại các bệnh viện, chứng kiến nhiều bệnh nhân tử vong vì thiếu máu, hoặc phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trung ương hay sang các tỉnh khác mới có máu để truyền… anh luôn day dứt với suy nghĩ, làm sao để có thật nhiều máu cho người bệnh.
"Kể từ đó, tôi luôn nung nấu mình phải làm một cái gì đó để đẩy mạnh phong trào hiến máu của tỉnh Hà Giang phát triển và cũng từ đó hiến máu như đã "vận" vào tôi từ lúc nào không biết nữa", Anh Hải chia sẻ.
Tình nguyện viên nhiều tuổi nhất từng tham gia Hành trình Đỏ năm 2015
Năm 2015, anh Hải lúc đó đã gần 40 tuổi và là tình nguyện viên nhiều tuổi nhất tự nguyện viết đơn đăng ký tham gia chương trình Hành trình Đỏ - hành trình vận động hiến máu xuyên Việt do Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương chủ trì tổ chức.
Có lẽ Hành trình Đỏ đã làm thay đổi quá trình và cách thức tuyên truyền vận động hiến máu tình nguyện ở tỉnh biên giới Hà Giang. Tham gia chiến dịch Hành trình Đỏ đã tiếp thêm cho những người như anh Hải nhiều kinh nghiệm trong công tác tổ chức, vận động hiến máu.
Anh từng chia sẻ: "Với tôi tham gia Hành trình Đỏ có thể đã mất đi một vài thứ, kể cả cơ hội trong công việc và tiền bạc nhưng đó thực sự là một trải nghiệm quý giá mà không dễ gì có thể đánh đổi được. Hành trình Đỏ đã cho tôi lớn lên, trưởng thành hơn rất nhiều, từ đó đã giúp ích cho tôi có được những kiến thức về hoạt động cộng đồng, đặc biệt là trong công tác phát triển phong trào hiến máu tại địa phương".
Sau khi kết thúc chiến dịch Hành trình Đỏ xuyên Việt trở về địa phương, nhận thấy nhu cầu máu cấp cứu, điều trị ngày càng nhiều, cần phải có một tổ chức hoạt động về hiến máu tình nguyện nên anh Hải đã tham mưu cho Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương và Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức ra mắt Câu lạc bộ (CLB) Ngân hàng máu sống tại huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Đây là huyện xa trung tâm thành phố nhất và cũng có nhiều khách đi du lịch mỗi năm. Sau đó, anh trực tiếp tham mưu cho các huyện và thành phố trên địa bàn toàn tỉnh Hà Giang thành lập và ra mắt thêm 11 CLB Ngân hàng máu sống để ứng phó trực tiếp đối với bệnh nhân cần máu tại chỗ.
Sau gần 8 năm hoạt động CLB Ngân hàng máu sống tỉnh Hà Giang nay đã có hơn 1.000 tình nguyện viên tham gia. Mỗi thành viên trong CLB trở thành một cộng tác viên tích cực hoạt động hiệu quả. CLB đã thường xuyên tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho các tình nguyện viên về chăm sóc trước và sau hiến máu. Mô hình Ngân hàng máu sống tỉnh Hà Giang đã được các tỉnh khác học tập để triển khai xây dựng.
Xóa tan suy nghĩ tiêu cực khi tham gia hiến máu tình nguyện của bà con dân tộc thiểu số
Có được những thành công trong phong trào hiến máu tại tỉnh Hà Giang hôm nay bản thân anh Hải cũng như các thành viên trong CLB Ngân hàng máu sống tỉnh đã phải trải qua vô vàn khó khăn và thách thức. Bởi Hà Giang là tỉnh miền núi phía Bắc, nơi sinh sống của nhiều bà con dân tộc như Mông, Tày Nùng, Dao…, cũng là tỉnh có địa hình núi rừng hiểm trở, khó khăn về mặt địa lý, ngôn ngữ và văn hóa vùng miền.
Anh chia sẻ: "Trước đây để vận động được bà con dân tộc tham gia hiến máu là không thể. Quan niệm của họ là khi mình hiến máu cho người khác dòng máu của mình sẽ đi theo họ suốt cuộc đời và nếu bệnh nhân nhận máu của mình mà chết thì họ cũng sẽ mang theo linh hồn của mình đi cùng nên họ không muốn tham gia hiến máu".
Sau một thời gian cùng với anh em tình nguyện viên trong Câu lạc bộ Ngân hàng máu sống của tỉnh Hà Giang tìm hiểu, nghiên cứu phong tục tập quán của các dân tộc anh em, cuối cùng anh và mọi người cũng đưa ra được những phương án khả thi để vận động bà con tham gia hiến máu, dần dần làm thay đổi nhận thức của người dân.
Để làm cho người ta tin hiến máu không có hại cho sức khỏe thì bản thân anh đã trực tiếp tham gia hiến máu nhiều lần trong năm, hiến máu tại nhiều địa điểm nhằm làm gương cho mọi người… Đến nay anh Hải đã 48 lần hiến máu.
Một kỷ niệm mà đến giờ anh Hải vẫn còn nhớ như in đó là vào năm 2018, anh nhận được cuộc điện thoại vào 21h đêm báo là có một giáo viên cùng con nhỏ ở huyện Bắc Quang (cách thành phố Hà Giang nơi anh ở gần 60km) bị tai nạn giao thông. Đứa con nhỏ không qua khỏi, còn người mẹ bị gẫy chân, dập gan phải truyền máu cấp cứu ngay, nhưng ở bệnh viện tuyến huyện lúc đó không có sẵn nguồn máu dự trữ. Không chần chừ thêm, anh Hải đã lên xe một mình chạy xuyên đêm để hiến máu cứu người. Rất may là người giáo viên kia được truyền máu kịp thời nên đã được cứu sống. Đó là một trong nhiều kỷ niệm đáng nhớ và cũng đáng để quên trong suốt thời gian tham gia hoạt động hiến máu tình nguyện của anh Hoàng Văn Hải.
Ngoài ra, anh Hải thường xuyên đưa tình nguyện viên đi các huyện để trực tiếp hiến máu cho nhiều bệnh nhân cần máu khác mỗi khi có sự kêu gọi hỗ trợ máu gấp của các đơn vị y tế tại địa phương.
Với những đóng góp to lớn cho phong trào hiến máu tỉnh Hà Giang, năm 2020 anh Hoàng Văn Hải đã vinh dự là một trong 100 người được vinh danh tại chương trình tôn vinh người hiến máu tiêu biểu toàn quốc do Ban chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện, Bộ Y tế và Viện Huyết học - Truyền máu TW tổ chức.
Tại Việt Nam, ngày 7/4/2000, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 43/2000/QĐ-TTg về Vận động và khuyến khích nhân dân hiến máu tình nguyện và lấy ngày 7/4 hàng năm là "Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện".
Đến nay phong trào hiến máu tình nguyện không ngừng được phát triển và đạt được nhiều thành tựu, đã có hàng triệu lượt người tham gia hiến máu tình nguyện; hàng ngàn tấm gương điển hình đã hiến máu trên 40 lần, 50 lần; có hàng trăm gia đình mà hầu hết các thành viên cùng hiến máu và tham gia vận động hiến máu tình nguyện; rất nhiều câu lạc bộ tình nguyện viên vận động hiến máu được thành lập như Câu lạc bộ ngân hàng máu sống, Câu lạc bộ hiến máu dự bị, Câu lạc bộ hiến máu thường xuyên… góp phần quan trọng trong công tác đảm bảo máu cấp cứu và điều trị người bệnh.