Chuyên mục  


Michelle, 14 tuổi, cảm thấy những bức tường trong phòng ngủ đang ép chặt vào người. Sau ba năm hoàn toàn học trực tuyến, dành hàng giờ dán mắt vào màn hình mỗi ngày, cô bé tuổi kiệt sức, dù từng là người sôi nổi và yêu thích các hoạt động xã hội.

Sự kiên cường của tuổi trẻ, thứ giúp cô bé vượt qua năm đầu tiên của Covid-19, dần suy yếu khi nhìn những người bạn đồng trang lứa đang trở lại cuộc sống vui vẻ.

"Tôi cảm thấy tình hình đã như trước. Tôi không còn muốn tự tử, nhưng cũng chẳng muốn sống nữa", Michelle nói.

Đại dịch làm gián đoạn việc học tập của trẻ em trên khắp thế giới. Đối với người dân Hong Kong, những trở ngại này thậm chí kéo dài hơn. Trẻ em phải học trực tuyến kể từ năm 2019 vì lệnh đóng cửa trường học, các cuộc biểu tình làm rung chuyển đặc khu suốt 7 tháng. Sau đó, đại dịch quay trở lại khi Hong Kong đang nỗ lực đáp ứng yêu cầu của chiến lược "Không Covid".

Michelle không phải thiếu niên duy nhất tại khu vực này cảm thấy bế tắc. Sabrina ngồi một mình trong phòng ngủ, cảm giác như đang nằm dưới vực sâu. Cô bé 13 tuổi đau buồn vì người bạn thân nhất thời thơ ấu đã rời Hong Kong cùng gia đình.

"Đây là ngày buồn nhất trong cuộc đời tôi. Nhưng mọi thứ vẫn chẳng đổi thay, thật kỳ lạ", Sabrina nói.

Trong gần ba năm qua, cuộc sống của thanh thiếu niên gần như diễn ra bên trong 4 bức tường phòng ngủ, từ việc học trực tuyến đến trò chuyện với bạn bè. Ba năm gần như đóng băng, ngay thời điểm quan trọng nhất đối với sự phát triển xã hội của các em.

Nhà tâm lý học lâm sàng Kimberley Carder lo lắng cho giai đoạn trưởng thành của thanh thiếu niên. "Hầu hết rối loạn sức khỏe tâm thần đều biểu hiện và phát triển trước tuổi 14. Các trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu là một trong những dấu hiệu quan trọng nhất cho thấy các vấn đề tâm lý ở tuổi trưởng thành", bà nói.

Theo bà Carder, tất cả trẻ em Hong Kong chưa từng được học trực tiếp kể từ năm 2019 đến nay. Thanh thiếu niên tiếp xúc với các mối đe dọa kéo dài từ Covid-19, những chính sách liên tục thay đổi, trường học mở và đóng cửa liên tục, không thể gặp bạn bè. Các yếu tố này làm nảy sinh cảm giác hoang mang và thiếu an toàn.

"Đây là điều tất cả người Hong Kong trải qua. Đối với người lớn, đó chỉ là một chương của cuộc đời. Nhưng đối với thiếu niên đang học cấp ba, những khó khăn là không thể so sánh", bà Carder nói.

Trẻ em Hong Kong hầu như phải học trực tuyến vì tình trạng giãn cách nghiêm ngặt kéo dài ba năm. Ảnh: Shutterstock

Bà cho biết bộ não của con người chưa phát triển hoàn thiện cho đến năm 25 tuổi. Phần cuối cùng của não bộ hoàn thiện là vỏ não trước trán, chịu trách nhiệm về cảm giác thời gian. Theo bà Carder, chỉ số IQ và năng lực tiếp thu của một bệnh nhân được bà điều trị giảm sút mạnh, tương đương ở người sang chấn tâm lý hoặc chấn thương não.

"Cô bé bị trầm cảm trong vòng ba năm qua. Chứng trầm cảm ảnh hướng đến trí nhớ và chức năng nhận thức", Carder nói.

Sự thay đổi trong lối sống là nguyên nhân của tình trạng này. Học trực tuyến đòi hỏi hành vi nhận thức khác so với học trực tiếp. "Khi ngồi trước màn hình, bộ não không đòi hỏi ghi nhớ nhiều như trước", Carder giải thích.

"Với cường độ sử dụng máy tính cao, nhiều trẻ phát triển triệu chứng tăng động giảm chú ý (ADHD)", bà nói thêm.

Học trực tuyến và tình trạng giãn cách xã hội khiến trẻ em và thanh thiếu niên ít cơ hội tiếp xúc với các bạn đồng trang lứa. Các em chủ yếu trò chuyện qua các ứng dụng nhắn tin. Trong môi trường nhân tạo, nơi cảm xúc được thể hiện bằng các biểu tượng trong ứng dụng, các em không học được cách tiếp nhận các tín hiệu hoặc sắc thái xã hội.

Tuổi thiếu niên là thời điểm mỗi người hình thành bản sắc cá nhân. Nhiều người trẻ phát triển hai "nhân dạng", đó là phiên bản trực tuyến và ở đời sống thực tế.

Bác sĩ Carder khuyến khích các gia đình đồng hành cùng con trong thời điểm khó khăn, động viên các em gọi điện cho bạn bè thay vì nhắn tin. Điều này làm tăng cơ hội tương tác xã hội, tăng kỹ năng xã hội.

Xem lại những bức ảnh trong quá khứ, kể về khoảng thời gian hạnh phúc sẽ giúp khơi dậy tinh thần lạc quan, hỗ trợ chức năng não bộ.

"Suy nghĩ về những gì bạn muốn là trong tương lai làm tăng cảm giác hy vọng. Hãy nghĩ rằng trước đây, chúng ta đã có khoảng thời gian hạnh phúc, chúng ta sẽ trải qua nó một lần nữa", Carder nói.

Thục Linh (Theo SCMP)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020