Chúng ta đều biết rằng uống quá ít nước rất hại cho sức khỏe, đặc biệt là với thận. Nó khiến thận phải làm việc quá tải để cô đặc nước tiểu và loại bỏ độc tố, lâu dần làm giảm chức năng lọc máu. Thiếu nước còn tăng nguy cơ hình thành sỏi thận do các khoáng chất tích tụ. Thói quen này kéo dài có thể dẫn đến tổn thương thận mãn tính.
Tuy nhiên, cũng không phải bạn càng uống nhiều nước thì càng tốt hay uống loại nước nào cũng được. Dưới đây là 4 sai lầm khiến bạn dù uống nhiều nước vẫn sớm “hỏng” thận, cần bỏ càng sớm càng tốt:
1. Dùng đồ uống có đường thay nước lọc
Ảnh minh họa
Nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, thích sử dụng nước ngọt, trà sữa hoặc nước trái cây đóng hộp thay cho nước lọc vì cảm thấy chúng ngon miệng hơn mà vẫn cung cấp chất lỏng. Tuy nhiên, lượng đường và phốt phát cao trong các loại đồ uống này không chỉ gây béo phì mà còn làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận.
Ngoài ra, tiêu thụ đồ uống có đường lâu dài có thể làm tổn thương vi môi trường của thận, gây suy giảm chức năng lọc máu. Nó cũng làm tăng nguy cơ mắc rất nhiều bệnh tật khác như tiểu đường, tim mạch, ung thư. Để bảo vệ sức khỏe thận, nước lọc vẫn là lựa chọn tốt nhất.
2. Chờ khát mới uống nước
Khi bạn cảm thấy khát, cơ thể đã mất một lượng nước đáng kể, tương đương khoảng 1% trọng lượng cơ thể. Tình trạng thiếu nước kéo dài sẽ làm giảm hiệu suất hoạt động của các cơ quan, trong đó có thận. Sau đó, dù bạn có uống nhiều nước cùng lúc mỗi khi khát thì cũng không bù đắp được sự tổn thương của thận. Thậm chí còn tăng gánh nặng cho thận và tim.
Thay vào đó, hãy duy trì thói quen uống nước đều đặn, không đợi đến khi khát mới uống. Uống từng ngụm nhỏ và rải đều trong ngày sẽ giúp cơ thể luôn được cung cấp đủ nước, giảm gánh nặng cho thận.
3. Uống trà đặc thường xuyên
Ảnh minh họa
Trà là loại đồ uống tốt nhưng chỉ tốt khi uống đúng cách. Uống trà đặc thường xuyên là một thói quen tưởng tốt hóa ra rất hại sức khỏe, nhất là với thận. Trà đặc chứa nhiều caffeine và axit oxalic, nếu tiêu thụ trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ mắc sỏi thận. Caffeine cũng gây áp lực lên thận, làm giảm khả năng lọc và loại bỏ chất thải của cơ quan này.
Để tận hưởng lợi ích từ trà, bạn chỉ nên pha trà loãng và uống một cách điều độ. Tránh uống trà đặc, đặc biệt vào buổi tối, để giảm áp lực lên thận và hệ tiêu hóa nhé!
4. Uống nước quá nhiều trong thời gian ngắn
Nhiều người tin rằng uống nhiều nước càng tốt, nhưng thực tế, việc uống quá nhiều nước hay uống nước nhiều, nhanh trong thời gian ngắn đều rất hại. Uống quá nhiều nước có thể gây quá tải cho tim mạch và thận, thậm chí gây ngộ độc nước.
Ảnh minh họa
Do uống nước quá nhiều và quá nhanh trong thời gian ngắn khiến thận phải làm việc quá tải để xử lý lượng nước dư thừa, dễ dẫn đến rối loạn điện giải như hạ natri máu. Tình trạng này gây phù nề, căng thẳng thận, ảnh hưởng đến chức năng lọc máu và trong trường hợp nghiêm trọng có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe toàn diện.
Lời khuyên: Nên uống từ từ và rải rác trong ngày, mỗi lần khoảng 200 - 300ml với từng ngụm nhỏ, không đợi khát mới uống. Tổng lượng nước ở người trưởng thành mỗi ngày khoảng 1,5 - 3 lít và có thể thay đổi theo thể trạng, thời tiết và mức độ vận động. Nên uống chủ yếu là nước lọc, ưu tiên nước ấm nhẹ dưới 40 độ C. Nếu bạn có bệnh lý nền như cao huyết áp, suy thận, hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu, hãy tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ về lượng nước uống mỗi ngày.
Nguồn và ảnh: Sohu, QQ