Chuyên mục  


Huyền tình cờ phát hiện ung thư sarcoma mô mềm khi đi khám sức khỏe tổng quát. Đây là ung thư ác tính, phải kết hợp hóa, xạ trị... Cú sốc khiến cô sinh viên suy sụp hoàn toàn.

"Chỉ một chẩn đoán đã xáo trộn cả cuộc đời, tương lai gần như dập tắt", Huyền nói.

Tuy nhiên, bác sĩ đánh giá tiên lượng ung thư khá tích cực, bệnh nhân nên điều trị sớm để tránh biến chứng. Cô được tư vấn trữ trứng trước khi can thiệp hóa chất để có thể mang thai sau khi điều trị ổn định, chất lượng trứng vẫn đảm bảo.

Bác sĩ Đỗ Thùy Hương, Trung tâm IVF, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết đây không phải là trường hợp đầu tiên trữ trứng trước khi điều trị ung thư bởi hầu hết bệnh nhân đều hiểu tác dụng phụ của hóa trị có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến buồng trứng, thậm chí suy buồng trứng.

"Trữ trứng là việc làm văn minh, vừa đảm bảo sức khỏe, vừa giúp người phụ nữ yên tâm hơn về khả năng mang thai sau này", bác sĩ nói.

Sau khi thăm khám, bác sĩ đánh giá bệnh nhân đủ sức khỏe, có thể can thiệp chọc hút trứng. Kết quả, Huyền chọc 18 trứng đều trưởng thành. "Với số lượng này, người bệnh có thể yên tâm về số lượng để chuyển phôi sau khi điều trị ung thư ổn định", bác sĩ nói.

Cũng đến bệnh viện để tham vấn trữ trứng, song Thương Hà, 29 tuổi kém may mắn hơn. Kết quả siêu âm buồng trứng hai bên chỉ có 5 nang cơ sở. Đây là các nang trứng nhỏ trong buồng trứng, giúp tiên đoán về số trứng thu được trong chu kỳ kích trứng. Xét nghiệm chỉ số dự trữ buồng trứng chỉ 0,5 ng/ml, có xu hướng thoái hóa nhanh hơn so với tuổi, khiến số lượng trứng ít và chất lượng có thể bị ảnh hưởng.

Như vậy, mỗi chu kỳ chỉ có thể trữ được 2-3 trứng và không thể chắc chắn là trứng đảm bảo tốt để thụ tinh. "Nếu muốn trữ trứng để có thể sử dụng sau này sẽ cần vài tháng để theo dõi và kích trứng, trong khi bệnh nhân đang chạy đua thời gian để điều trị ung thư", bác sĩ nói.

Bác sĩ tư vấn bệnh nhân nên ưu tiên điều trị bệnh, sau khi sức khỏe ổn định có thể mang thai bằng cách xin noãn và thụ tinh ống nghiệm.

Bác sĩ Đỗ Thùy Hương thăm khám sức khỏe cho bệnh nhân. Ảnh: Hồng Chinh

Trữ đông trứng là phương pháp được thực hiện nhằm bảo tồn khả năng mang thai của phụ nữ. Trứng lấy từ buồng trứng sẽ được đông lạnh và bảo quản trong thời gian dài, khi cần thiết sẽ được rã đông, thụ tinh nhân tạo với tinh trùng để tạo thành phôi, cấy vào tử cung người phụ nữ.

Khi trữ đông, đồng hồ sinh học của trứng sẽ dừng lại thời điểm đó. Trứng được bảo quản trong môi trường nitơ lỏng -196 độ C, thời gian không giới hạn. Ở Việt Nam, chi phí trữ trứng khoảng 50-60 triệu đồng, trong khi một số nước Đông Nam Á khoảng 6.000-10.000 USD.

"Đây là phương pháp tiến bộ, an toàn, hiệu quả, đặc biệt là người phụ nữ phải điều trị bệnh ung thư", bác sĩ nói.

Cùng quan điểm, bác sĩ Hà Hải Nam, Phó trưởng Khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K (Hà Nội), cho biết hầu hết bệnh nhân trẻ tuổi bị ung thư đều được tư vấn trữ noãn trước khi tiến hành hóa xạ trị. Bởi can thiệp hóa chất có thể gây tổn thương các cơ quan thuộc hệ sinh sản như buồng trứng, ống dẫn trứng, tử cung và cổ tử cung, giảm số lượng trứng khỏe mạnh trong buồng trứng. Hóa trị cũng có thể tác động lên bộ gene gây bất thường chất lượng trứng, làm biến đổi cấu trúc quả trứng, làm tăng nguy cơ trẻ bị dị tật...

"Nhờ trữ trứng, người bệnh vừa bảo tồn được khả năng sinh sản vừa cải thiện tâm lý trước khi điều trị ung thư", bác sĩ nói.

Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Mỹ (ASCO) khuyến cáo tất cả phụ nữ mắc ung thư nên có lựa chọn bảo tồn khả năng sinh sản càng sớm càng tốt trước khi bắt đầu điều trị. Tùy thuộc vào tuổi, tình trạng sức khỏe, nhu cầu..., bác sĩ đưa ra chỉ định phù hợp như trữ trứng, phôi, tinh trùng hoặc phẫu thuật để bảo tồn.

Riêng trường hợp ung thư buồng trứng không nên trữ trứng bởi có thể khiến bệnh diễn biến nặng. Khi trữ, bác sĩ tiêm thuốc nội tiết kích thích nang trứng phát triển và chọc hút nang trứng. Quá trình chọc hút nguy cơ gây chảy máu buồng trứng và phát tán tế bào ung thư từ buồng trứng vào trong ổ bụng cùng các cơ quan lân cận.

Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ mắc ung thư cao trên toàn cầu, với hơn 300.000 người hiện mắc bệnh, gần 165.000 ca mắc mới và 115.000 bệnh nhân chết mỗi năm. Trong điều trị, hóa, xạ trị và phẫu thuật được xem là ba trụ cột chính để ngăn tái phát hoặc giảm nhẹ triệu chứng, kéo dài sự sống. Trường hợp muốn trữ trứng, người bệnh cần chuẩn bị tâm lý và tin tưởng với phác đồ của bác sĩ, kết hợp chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Tuyệt đối không tự uống thuốc hoặc đến cơ sở không uy tín điều trị khiến bệnh trầm trọng hơn.

Thùy An

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020