Chuyên mục  


bac-si-kham-cho-benh-nhi-1706149401355952644250.jpg

Bác sĩ khám cho bệnh nhi - Ảnh: BVCC

Theo các bác sĩ, trẻ dậy thì sớm nếu không được can thiệp điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến tâm sinh lý và sức khỏe của trẻ sau này.

Chưa đến tuổi đã dậy thì

Chị T. (TP.HCM) khá bất ngờ vì thấy con gái của mình chỉ vừa mới 7 tuổi đã xuất hiện kinh nguyệt. Ngoài ra, bé còn xuất hiện các biểu hiện khác như ngực phát triển nhưng không lớn, có lông vùng kín.

Lo lắng dậy thì sớm có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của con, chị T. liền đưa con đến bệnh viện thăm khám. Bé được chẩn đoán đã dậy thì sớm.

Những năm gần đây, số lượng trẻ dậy thì sớm đến Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) thăm khám tăng lên. Trung bình mỗi năm bệnh viện tiếp nhận khoảng 600 - 700 trẻ dậy thì sớm đến thăm khám.

Theo bác sĩ Trần Văn Lưu - khoa nội tiết sinh sản Bệnh viện Nội tiết trung ương, trẻ bị dậy thì sớm sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều đến bản thân và gia đình trẻ. Khi trẻ còn quá nhỏ nhưng lại phát triển về sinh lý sớm sẽ khiến trẻ khó hòa nhập được với các bạn cùng lứa tuổi, khiến trẻ tự ti, dễ ảnh hưởng về tâm lý. Bên cạnh đó, ngoài vấn đề tâm lý và chiều cao, những trẻ dậy thì sớm cũng dễ mắc các bệnh lý về nội tiết, rối loạn chuyển hóa, tim mạch. Đặc biệt, các bé gái có thể có nguy cơ mãn kinh sớm, ung thư vú.

"Thông thường khi biết con mắc dậy thì sớm, nhiều cha mẹ sẽ rất lo lắng. Vì vậy, khi phát hiện con có những biểu hiện dậy thì sớm thì đầu tiên cha mẹ cần hết sức bình tĩnh", bác sĩ Lưu nhấn mạnh.

Tuổi khởi phát dậy thì ngày càng sớm

TS Huỳnh Thị Vũ Quỳnh - trưởng khoa thận, nội tiết Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM - cho biết tuổi khởi phát dậy thì có khuynh hướng ngày càng sớm so với thế hệ ông bà, cha mẹ trước đây.

Trẻ được xem là dậy thì sớm thường xuất hiện các triệu chứng dậy thì như tuyến vú phát triển, có huyết trắng, kinh nguyệt, lông mu, lông nách, tinh hoàn, dương vật… trước 8 tuổi ở bé gái và trước 9 tuổi ở bé trai.

Từ lúc xuất hiện triệu chứng dậy thì cho đến lúc các đặc tính sinh dục phát triển hiện diện đầy đủ, ở nữ là 10,5 - 11 tuổi, ở nam là 11,5 - 12 tuổi. Dậy thì sớm thường gặp ở bé gái hơn bé trai, gấp 5 lần và thường gặp ở thành thị hơn nông thôn.

Dậy thì sớm thường được chia làm 3 nhóm: dậy thì sớm trung ương (do bài tiết quá mức hormone sinh dục từ trên não), vô căn (không có nguyên nhân cụ thể gây ra); trẻ thường được điều trị bằng thuốc để ngăn sự phát triển các cơ quan sinh dục.

Tiếp đến là dậy thì sớm ngoại vi - ít phổ biến hơn so với trung ương, thường do liên quan đến buồng trứng, tinh hoàn, thượng thận và không cần dùng thuốc.

Cuối cùng là dậy thì sớm không hoàn toàn, tức trẻ phát triển sớm, đơn độc, một đặc tính sinh dục thứ phát. Nếu bé gái dậy thì sớm dễ bị lạm dụng tình dục do trẻ chưa có khả năng nhận thức những hành vi lạm dụng và tự bảo vệ mình.

"Không phải tất cả trường hợp dậy thì sớm trung ương đều cần điều trị, chỉ điều trị nếu trẻ tiến triển dậy thì nhanh hoặc trẻ rối loạn tâm lý xã hội đáng kể. Quyết định điều trị còn tùy thuộc vào tuổi, tốc độ tiến triển dậy thì, tốc độ phát triển chiều cao và ước lượng chiều cao cuối cùng. Đa số nguyên nhân dậy thì sớm ở bé gái là nguyên nhân trung ương và vô căn", bác sĩ Quỳnh cho hay.

TS Huỳnh Thị Vũ Quỳnh khuyến cáo phụ huynh đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám khi thấy con có các dấu hiệu bất thường để kịp thời phát hiện điều trị để không ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ.

Bác sĩ Trần Văn Lưu cho biết thêm hiện nay y học đã phát triển có thể cải thiện tình trạng dậy thì sớm cho trẻ rất tốt. Cha mẹ cần động viên con, sau đó đưa con đến thăm khám tại các chuyên khoa nhi hoặc nội tiết để đánh giá tình trạng của trẻ. Tìm ra nguyên nhân gây ra dậy thì sớm, từ đó có hướng điều trị cho từng trẻ.

Điều trị dậy thì sớm sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân và tình trạng của trẻ, bác sĩ sẽ có chỉ định.

Bác sĩ Lưu khuyến cáo ngoài các yếu tố nội khoa gây dậy thì sớm thì một số nguyên nhân từ bên ngoài cũng gây dậy thì sớm ở trẻ. Trong mỹ phẩm có những chất gây dậy thì sớm, hay khi bảo quản thực phẩm không đúng, chứa hormone gây dậy thì sớm gây hại cho trẻ. Vì vậy, cha mẹ cần ưu tiên sử dụng nguồn thực phẩm sạch, đảm bảo nguồn gốc rõ ràng.

Trẻ uống sữa sớm có bị dậy thì?

Bác sĩ Trần Văn Lưu cho biết nhiều cha mẹ cho rằng do trẻ uống nhiều sữa gây dậy thì sớm. Tuy nhiên, thực tế sữa không có chất nào gây ra dậy thì sớm cho trẻ, có chăng sữa chứa nhiều năng lượng khiến trẻ bị béo phì.

Trong khi đó, các mô mỡ sản xuất ra các chất kích thích gây dậy thì sớm. Vì vậy, cha mẹ cần cung cấp chế độ dinh dưỡng hợp lý và cho trẻ tăng cường vận động để trẻ không thừa cân béo phì dẫn đến nguy cơ dậy thì sớm.

Cha mẹ, bác sĩ cần nâng đỡ tâm lý, giáo dục giới tính cho trẻ. Giải thích cho trẻ hiểu vì sao có sự thay đổi về cơ thể để trẻ không bị sốc. Ngoài ra, đối với một số trẻ mầm non, cần phải quan tâm chăm sóc để tránh tình trạng trẻ bị lạm dụng tình dục. Tuy nhiên, cũng không được chủ quan bởi vẫn có khoảng 10 - 20% trẻ dậy thì giả. Những trẻ này cũng có dấu hiệu dậy thì sớm nhưng rất có thể là mắc các bệnh lý về thận, não,

TS HUỲNH THỊ VŨ QUỲNH

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020