Chuyên mục  


Công ty khởi nghiệp công nghệ sinh học Neuralink của Elon Musk gần đây đăng tuyển tình nguyện viên thử nghiệm cấy chip vào não đầu tiên trên thế giới. Người đủ điều kiện là các bệnh nhân liệt tứ chi do chấn thương tủy sống hoặc mắc chứng xơ cứng teo cơ một bên (ALS). Trong quá trình thử nghiệm, robot phẫu thuật sẽ đặt con chip kết nối não - máy tính (BCI) vào phần não kiểm soát ý định chuyển động. Mục tiêu là để người bị liệt điều khiển được bàn phím hoặc con trỏ máy tính bằng suy nghĩ.

Bộ chíp có kích thước bằng đồng xu lớn, hoạt động tương tự "chiếc đồng hồ thông minh trong hộp sọ của bạn với những sợi mạch nhỏ", Elon Musk nói trong bản trình bày cập nhật tiến độ Neuralink năm 2020.

Dù có vẻ giống với một tác phẩm phim viễn tưởng, loại công nghệ này đã được các nhà khoa học thần kinh triển khai từ những năm 1970. Vào năm 2016, một người đàn ông bị liệt đã sử dụng BCI để điều khiển cánh tay robot bằng trí não, thực hiện động tác bắt tay với Tổng thống Barack Obama.

Theo giáo sư Ausaf A. Bari, Giám đốc Khoa Phẫu thuật thần kinh và phục hồi chức năng tại Đại học Los Angeles, bằng cách theo dõi đủ số lượng tế bào não, công nghệ cho phép bệnh nhân chấn thương tủy sống điều khiển các thiết bị bên ngoài bằng suy nghĩ. Họ có thể diễn giải ý định của mình và sử dụng dữ liệu để thao tác trên máy tính, chân tay giả.

Năm ngoái, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã từ chối đơn đăng ký thử nghiệm trên người đầu tiên của Neuralink vì lo ngại về an toàn. Họ cho rằng các dây mạch cực nhỏ của bộ chíp có thể di chuyển đến những khu vực khác của não. Tuy nhiên, đến tháng 5 năm nay, cơ quan này đã chấp thuận cho hãng tiếp tục thử nghiệm lâm sàng.

Neuralink của Elon Musk đang chuẩn bị việc cấy chip lên não người. Ảnh: Cnet

Sau thông báo, Ủy ban Bác sĩ về Y học có Trách nhiệm, một tổ chức y tế phi lợi nhuận ở Mỹ, chỉ trích Neuralink "có hành vi tàn ác với động vật và nghiên cứu khoa học một cách cẩu thả". Nhóm cho biết đã nhận được hồ sơ nội bộ, nêu chi tiết về các thí nghiệm đau đớn, chết chóc mà hãng tiến hành trên khỉ. Động thái này khiến các cơ quan liên bang phải vào cuộc điều tra.

Trong khi đó, tỷ phú Elon Musk cho biết chưa có cá thể khỉ nào chết do chương trình cấy ghép của Neuralink. Bản thân các nhà khoa học đã chọn những chú khỉ bệnh và sắp chết ngay từ đầu, không sử dụng các chú khỉ khỏe mạnh.

Kiminobu Sugaya, giáo sư y khoa, Trưởng khoa Khoa học thần kinh tại Đại học Trung tâm Florida, rủi ro lớn nhất của cấy chíp vào não người là nhiễm trùng.

"Thiết bị này nằm trên bề mặt não, nó vẫn có thể gây ra chứng viêm, phản ứng miễn dịch, dù ở mức tối thiểu", ông nói.

Theo tiến sĩ David Putrino, chuyên gia khoa học thần kinh kiêm Giám đốc đổi mới phục hồi chức năng của Hệ thống Y tế Mount Sinai, trong quá trình nghiên cứu, điều quan trọng là theo dõi tác dụng phụ lớn nhỏ xảy ra, nguy cơ lây nhiễm và độ an toàn của ca phẫu thuật cấy tháo chíp.

Nghiên cứu của Neuralink sẽ kéo dài 6 năm. Nếu thành công, tiếp theo, công ty sẽ thử nghiệm giai đoạn mới để chứng minh thiết bị có thể cải thiện chất lượng cuộc sống của mọi người, khiến bệnh nhân có thể tự vận động bình thường.

Theo các chuyên gia, Neuralink cần thử nghiệm thiết bị nhiều năm mới có thể đưa vào ứng dụng lâm sàng. Đây cũng chỉ là một trong số ít công ty khởi nghiệp đang nỗ lực cấy ghép chíp vào não người một cách hiệu quả và an toàn.

Thục Linh (Theo Very Well Health)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020