Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM tiếp nhận thiếu niên 15 tuổi dập nát bàn tay phải, bị thương nặng các ngón bàn tay trái, xây xát da mặt và nhiều nơi trên cơ thể, vài ngày trước. Các bác sĩ nỗ lực xử trí song không giữ được bàn tay phải của bệnh nhân, chỉ khâu vết thương, nẹp bột các ngón bàn tay trái.
Bệnh nhân là học sinh lớp 9, cùng nhóm bạn học ra bờ kênh ở TP Thuận An thử pháo tự chế sau khi thi học kỳ. Nhóm học chế pháo trên mạng rồi mua nguyên liệu về chế tạo, trong lúc thử nghiệm thì pháo nổ.
Tuần trước, nhóm ba học sinh bị đa chấn thương, bỏng nghiêm trọng do bị nổ trong lúc tự điều chế theo hướng dẫn trên mạng, phải chuyển từ Tây Ninh đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Trong đó, thiếu niên 17 tuổi bị nặng nhất, bỏng 50% cơ thể, dập nát tinh hoàn phải, đa chấn thương. Do tình trạng quá nghiêm trọng, các bác sĩ phải cắt bỏ tinh hoàn bệnh nhân, cắt lọc lấy sạch các dị vật, mảnh pháo nổ găm ở nhiều nơi trên cơ thể.
Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy sau tai nạn do nổ pháo tự chế. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Cách đó vài ngày, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận 4 ca bệnh đa vết thương nghiêm trọng liên quan pháo nổ tự chế, từ 12 đến 16 tuổi. Cả 4 đều phải cắt cụt bàn tay trái, không thể giữ được tay do dập nát quá nghiêm trọng. Ngoài ra, các bệnh nhân còn phải trải qua những cuộc mổ cắt lọc nhiều vết thương khắp nơi trên cơ thể.
Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng ghi nhận nhiều ca tương tự. Trong đó, bé trai 12 tuổi, ngụ Bình Phước, lấy bột que diêm (lưu huỳnh) cho vào vòi của ruột xe rồi đập gây nổ, khiến bàn tay trái chảy nhiều máu, dập nát, bỏng đen toàn thân và nhiều nhất là vùng mặt.
Hai bé trai ngụ Gia Lai gặp nạn khi đặt mua thuốc nổ trên mạng, lúc cầm về nhà thì thuốc tự phát nổ trên tay. Cả hai bị bỏng rất nặng, trong đó một bé bỏng 40%, một bé 50%, bỏng khá sâu, tập trung nhiều vùng mặt, hai tay và hai chân.
BS.CK1 Nguyễn Thị Ngọc Ngà, Phó Khoa Bỏng - Chỉnh trực, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết trước đây các tai nạn do pháo nổ tập trung chủ yếu dịp lễ Tết, còn hiện nay rải rác quanh năm. Hầu hết nạn nhân ở độ tuổi học sinh, thích khám phá, ngày càng dễ dàng truy cập các thông tin hướng dẫn và đặt mua hóa chất trên mạng xã hội để thực hành theo.
Vết thương trên da của tai nạn hỏa khí do pháo nổ thường rất sâu, cháy xém hầu như ở toàn thân, các vị trí tiếp xúc gần thường bị dập nát nghiêm trọng, có thể dẫn đến tử vong. Nhiều trường hợp giữ được tính mạng, song những di chứng để lại rất nặng nề, mất nhiều chức năng cơ thể như mất hoàn toàn chức năng bàn tay, phải cắt cụt chi, mù mắt... Các bệnh nhân đều còn ở độ tuổi rất trẻ, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển về sau.
Hồi đầu năm, chàng trai 23 tuổi trộn hóa chất chế pháo tại nhà, bất ngờ hỗn hợp phát nổ làm hỏng mắt, tứ chi bỏng nặng và phải cắt cụt một phần tay trái. Trước đó, thiếu niên 14 tuổi phải bỏ mắt do chấn thương khi dùng máy xay sinh tố trộn hóa chất chế pháo gây nổ. Em còn phải trải qua ca mổ kéo dài hơn 10 giờ để xử trí tổn thương đa cơ quan ở đường thở, lồng ngực, ổ bụng, để lại thương tật nặng nề, mất nhiều chức năng cơ thể.
Bác sĩ Bệnh viện Mắt TP HCM thăm khám một bệnh nhân sau điều trị chấn thương. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
BS.CK2 Võ Hòa Khánh, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM, cho rằng cần cảnh giác cao độ với tai nạn pháo nổ thời điểm gần Tết. Dù buôn bán pháo, pháo tự chế... bị cấm và đã cảnh báo nhiều nhưng những tai nạn thương tâm do pháo năm nào cũng có và xu hướng ngày càng tăng.
Nhà trường và gia đình phải khuyến cáo, nhắc nhở các em học sinh, không bắt chước học cách tự chế pháo qua các video trên mạng, không tò mò mua nguyên liệu chế pháo trên mạng xã hội... Giáo dục trẻ hiểu các mức độ nguy hiểm do pháo gây ra như gây cháy nổ, thương tích, tàn tật, thậm chí tử vong.
Người dân cần nâng cao ý thức, tránh có thái độ lơ là, chủ quan về nguy cơ hiện hữu khi pháo nổ. Không lén lút tàng trữ, sản xuất và tự chế tạo pháo. Cơ quan chức năng cần kiểm soát việc buôn bán chế tạo thuốc nổ trên thị trường.
Khi xảy ra tai nạn, cần nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi hiện trường, đánh giá tình trạng vết thương, bỏng toàn thân, sơ cứu và đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.
Lê Phương