Chuyên mục  


Ngày 8/1, bác sĩ Nguyễn Tiến Đạt - Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết bệnh nhân được chuyển từ cơ sở y tế tuyến dưới lên khi nguy kịch, nhiễm toan chuyển hóa nặng, hôn mê do ngộ độc methanol.

Hai ngày trước, bệnh nhân uống rượu cùng đồng nghiệp, sau đó cảm thấy mệt nhưng vẫn về quê vợ ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Tại đây, anh khó thở và được đưa vào bệnh viện địa phương. Tuy nhiên, tình trạng trở nặng, ý thức lơ mơ, bác sĩ phải đặt ống nội khí quản và chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai.

Tại đây, bệnh nhân được thở máy, lọc máu suốt 8 giờ. Xét nghiệm cho thấy nồng độ methanol trong máu là 103 mg/dl, cao gấp 5 lần mức gây độc. Người đàn ông hôn mê sâu, mất phản xạ, biến chứng xuất huyết não nghiêm trọng, nguy cơ tử vong rất cao. Gia đình xin đưa về nhà, bệnh nhân qua đời sau đó.

Bác sĩ điều trị bệnh nhân. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Ngộ độc methanol thường xảy ra khi uống rượu không rõ nguồn gốc, giả mạo, hoặc sử dụng cồn công nghiệp pha chế thành rượu. Ban đầu, các triệu chứng như loạng choạng, hoa mắt dễ bị nhầm với say rượu. Sau 1-2 ngày, chất độc chuyển hóa gây mờ mắt, rối loạn hô hấp, co giật, hôn mê. Các dấu hiệu khác gồm da, môi tím tái, đái ít, nôn nhiều. Người ngộ độc methanol thường để lại di chứng nặng, nguy cơ tử vong cao.

Thời gian phát triệu chứng ngộ độc phụ thuộc nồng độ methanol, có thể xảy ra chỉ sau 30 phút nếu mức methanol cao.

Bác sĩ khuyến cáo, khi có các dấu hiệu như mờ mắt, giảm thị lực, đau đầu, buồn nôn, rối loạn ý thức, co giật, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời.

Thúy Quỳnh

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020