TS.BS Natalia Ivanova, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Mắt Quốc tế Việt - Nga, cho biết cận thị là một trong những tật khúc xạ thường gặp ở trẻ em và cũng là nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực trên thế giới. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ mắc tật khúc xạ tại Việt Nam đáng báo động, chủ yếu là nhóm học sinh, sinh viên ở thành phố lớn. Tật khúc xạ gồm cận, viễn, loạn thị..., trong đó cận thị chiếm tỷ lệ cao nhất.
Cận thị là tật khúc xạ khiến ánh sáng hình ảnh từ thế giới bên ngoài không còn tập trung trên hoàng điểm võng mạc mà tập trung ở trước võng mạc, dẫn đến việc thị lực kém đi. Khi mới bắt đầu, cận thị tiến triển khá chậm. Biểu hiện ban đầu là mắt hay bị mỏi, hay phải nheo mắt.
Khi phát hiện và đi khám ở những giai đoạn đầu này, nhiều khi chẩn đoán sẽ là rối loạn điều tiết chưa phải là cận thị, và hoàn toàn có thể cho mắt trở lại trạng thái ban đầu thông qua điều trị nội khoa và tập luyện. Nhưng khi cận thị thực sự đã xuất hiện, không có cách nào để cận thị biến mất. Mặt khác, nếu không kiểm soát thị cận thị này ngày càng tăng nhanh.
Cận thị bẩm sinh (di truyền) chiếm khoảng 30%. Dị tật này rất khó phòng tránh và kiểm soát nếu trẻ không được sàng lọc hoặc chủ động đến khám tại các cơ sở chuyên khoa mắt. 70% còn lại liên quan lối sống sinh hoạt hằng ngày. Điển hình như nhìn gần kéo dài, sớm tiếp xúc các thiết bị điện tử,... hay thói quen thường xuyên ngồi trong phòng, không sinh hoạt ngoài trời.
Các bác sĩ kiểm tra mắt cho trẻ. Ảnh: T. Dũng
Có nhiều sai lầm khiến độ cận thị tăng, theo TS.BS Natalia Ivanova. Đầu tiên là thói quen sinh hoạt cũng như lối sống của trẻ em thường xuyên dùng thiết bị điện tử, ít thời gian ra ngoài trời hay tham gia các hoạt động ngoại khóa. Trong khi đó, nguyên tắc là luôn phải có sự thay đổi về mặt không gian và khoảng cách nhìn cho trẻ, thường là một tiếng nhìn gần phải có 10-15 phút nhìn xa.
Tiếp theo, phụ huynh chưa thực sự chú trọng đến thị lực của trẻ, không thăm khám định kỳ, khi đến khám thì trẻ đã cận thị, thậm chí là nặng. Ngoài ra, trẻ sử dụng kính không đúng cách.
"Nhiều bố mẹ không muốn cho con đeo kính hoặc đeo kính thường xuyên vì nghĩ đeo kính sẽ khiến tăng độ nhanh hơn. Suy nghĩ đó hoàn toàn sai. Đeo kính giúp con nhìn rõ hơn, ít mỏi mắt hơn, ít điều tiết thừa hơn và tất nhiên giảm tốc độ tăng cận hơn", TS.BS Natalia Ivanova, nói.
Cận thị nặng có thể dẫn đến việc võng mạc của trẻ bị yếu, dễ bị thoái hóa, tổn thương hoặc rách. Trong trường hợp hy hữu còn có thể bong võng mạc, khi đó không chỉ suy giảm thị lực mà có nguy cơ mất thị lực hoàn toàn.
Bác sĩ cho biết trẻ em bị rối loạn điều tiết sau đó tiến tới cận thị rất nhiều. Điều tiết là khả năng của mắt tự điều chỉnh tiêu cự hình ảnh để có thể nhìn rõ cả gần cả xa. Khi điều tiết tốt, cận thị sẽ không tiến triển hoặc tiến triển rất chậm. Các bác sĩ hiện chú trọng chính đến vấn đề phục hồi điều tiết ngoài việc đeo kính đúng, chế độ sinh hoạt cũng như thăm khám định kỳ.
Để kiểm soát độ cận cho trẻ, cha mẹ cần cho con trẻ đi khám theo dõi định kỳ thị lực tối thiểu 6 tháng 1 lần, để được đánh giá xu hướng tiến triển của tật khúc xạ. Như tại Bệnh viện mắt Quốc tế Việt - Nga, thông qua thăm khám định kỳ, các bác sĩ đã kiểm soát tật khúc xạ và đẩy lùi được việc trẻ em đeo kính sớm mà không ảnh hưởng tới thị lực của trẻ.
Lê Nga