"Đây là một trong những loài bọ cạp sa mạc của chúng tôi, loài bọ cạp lớn nhất Bắc Mỹ", người nuôi bò sát của Bảo tàng sa mạc Arizona-Sonora nói.
Bên cạnh bọ cạp, Califf đang nuôi khoảng hơn 20 con rắn đuôi chuông và nhiều loài vật khác trên hành lang. Tất cả phục vụ mục đích chiết xuất nọc độc chữa bệnh.
Lĩnh vực nghiên cứu loại bỏ protein trong nọc độc phát triển mạnh mẽ những năm gần đây, mở ra nhiều cơ hội mới cho ngành dược phẩm. Khi các hãng dược nghiên cứu thành phần tiền tố của độc tố, số lượng phân tử có triển vọng trở thành thuốc cũng tăng lên đáng kể.
"Một thế kỷ trước, chúng tôi nghĩ rằng nọc độc có ba hoặc bốn thành phần. Giờ đây, chúng tôi hiểu rằng một loại nọc độc có tới hàng nghìn thành tố, vô cùng hứa hẹn với y học", Leslie Boyer, giáo sư danh dự tại Đại học Arizona, cho biết.
Một trong những loại thuốc tiềm năng nhất hiện nay đến từ loài nhện mạng phễu nguy hiểm trên đảo Fraser của Australia. Nọc của nó có thể ngăn chặn tế bào chết đi sau cơn đau tim.
Thông thường, lưu lượng máu đến tim giảm sau quá trình nhồi máu cơ tim. Điều này khiến môi trường tế bào bị axit hóa và tế bào chết dần. Nọc của nhện mạng phễu nguy hiểm chứa protein có tên Hi1A, dự kiến được thử nghiệm vào năm tới, có thể ngăn chặn hiện tượng này. Nó đã được nghiên cứu tại phòng thí nghiệm, trên các tế bào còn hoạt động của trái tim người.
Nathan Palpant, một nhà nghiên cứu tại Đại học Queensland, Australia, cho biết nọc độc có thể ngăn chặn khả năng cảm nhận axit của cơ thể. "Do đó nguy cơ tử vong bị chặn lại, số tế bào chết giảm, khả năng sống sót của tế bào tim tăng lên", ông nói.
Nếu được chứng minh về hiệu quả trong các thử nghiệm, nhân viên y tế có thể sử dụng thuốc bào chế từ nọc độc nhện trong trường hợp khẩn cấp. Thuốc ngăn ngừa tổn thương xảy ra sau cơn đau tim hoặc bảo quản trái tim người hiến tặng trong thời gian dài hơn, giúp cải thiện kết quả của các ca cấy ghép.
"Đó sẽ là loại thuốc trị đau tim tiềm năng, được ra đời từ một trong những sinh vật bị ghét bỏ nhất Australia", Bryan Fry, phó giáo sư về chất độc học tại Đại học Queensland, nói.
Rắn đuôi chuông được sử dụng để lấy nọc độc phát triển một số loại thuốc. Ảnh: NY Times
Kỹ thuật xử lý hợp chất nọc độc rất phát triển, tạo ra nhiều cơ hội mới trong lĩnh vực y khoa.
"Ngày nay, chúng ta có thể thực hiện các xét nghiệm chỉ bằng vài microgram nọc độc. 10 hoặc 15 năm trước, chúng ta cần đến hàng trăm microgram", tiến sĩ Fry nói.
Nguồn nọc độc trong tự nhiên cũng vô cùng phong phú, từ hàng trăm nghìn loài bò sát, côn trùng, nhện, ốc sên và sứa. Chúng khác nhau về hàm lượng, hiệu lực và tỷ lệ độc tố, tùy theo môi trường sinh sống và chế độ ăn uống của từng loài, thậm chí thay đổi theo nhiệt độ, khí hậu.
Nhìn chung, nọc độc được tạo ra từ hỗn hợp các loại chất độc khác nhau, gồm các protein với những đặc tính riêng. Nọc độc có ba cơ chế chính: độc tố thần kinh tấn công vào hệ thần kinh, làm tê liệt nạn nhân; hemotoxin nhắm vào máu; độc tố mô cục bộ tấn công khu vực xung quanh vị trí tiếp xúc với chất độc.
Thực tế, nọc độc từ lâu đã được sử dụng để chữa bệnh, nhưng không có khoa học hỗ trợ. Châm cứu bằng kim nhúng độc, cho ong đốt là những hình thức điều trị cổ truyền.
Nhiều loại thuốc có nguồn gốc từ nọc độc đã được bán trên thị trường. Một trong những thuốc đầu tiên là captopril điều trị huyết áp, ra đời những năm 1970 từ nọc độc của rắn jararaca Brazil. Loại thuốc khác là exenatide, có nguồn gốc từ nọc độc của thằn lằn Quái vật Gila, điều trị bệnh tiểu đường type 2. Nọc của dơi ma cà rồng được bào chế thành thuốc chống đông máu, sử dụng điều trị đột quỵ và đau tim. Nọc của bọ cạp tử thần Israel là nguồn gốc của hợp chất có trong các thử nghiệm lâm sàng nhằm phát hiện khối u vú và ruột kết.
Một số protein từ nọc độc được đánh giá là ứng viên tiềm năng điều chế thuốc mới, song chúng cần trải qua quá trình sản xuất và thử nghiệm lâm sàng lâu dài, có thể mất nhiều năm và tiêu tốn hàng triệu USD.
Tháng 3, các chuyên gia Đại học Utah thông báo đã phát hiện phân tử chuyển hóa nhanh trong loài ốc nón. Thông thường, ốc nón bắn nọc độc vào cá, khiến lượng glucose của cá giảm nhanh, từ đó tử vong. Đây hứa hẹn là loại thuốc trị tiểu đường. Nọc độc của ong có tác dụng với một loạt bệnh lý, gần đây được chứng minh có thể tiêu diệt tế bào ung thư vú.
Đến nay, nhu cầu về nọc độc ngày càng tăng. Emma Califf đã phải đi đến sa mạc để tìm kiếm thêm những con bọ cạp vỏ cây. Tiến sĩ Boyer cho biết Arizona là "ngân hàng nọc độc", với nhiều loài sinh vật có độc hơn bất kỳ bang nào của Mỹ.
Thông thường, các chuyên gia thu hoạch nọc bọ cạp bằng cách tác động dòng điện nhỏ lên cơ thể chúng, khiến chúng tiết ra giọt chất lỏng màu hổ phách ở phần đuôi. Với rắn, các chuyên gia xoa bóp nhẹ nhàng tuyến nọc độc đến khi chúng tiết dịch lỏng từ răng. Sau quá trình thu thập, độc chất được gửi đến các nhà nghiên cứu trên toàn cầu.
Thục Linh (Theo NY Times)