Trường hợp đầu tiên là Nguyễn Tiến Kh. 17 tuổi được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ trong tình trạng sốt cao, đại tiện phân lỏng 9 lần/ngày suốt hai ngày. Người này xuất hiện các triệu chứng này khoảng 6 tiếng sau khi ăn phở ở quán.
Qua thăm khám bác sĩ chẩn đoán Kh. bị nhiễm khuẩn tiêu hoá. Sau 3 ngày điều trị bằng truyền dịch, kháng sinh, giảm tiết, bảo vệ niêm mạc tiêu hoá, người bệnh ổn định và được ra viện.
Tương tự, Nguyễn Hoài Th. 29 tuổi, nhập viện với triệu chứng đau bụng, đại tiện phân lỏng nhiều lần sau 6 giờ ăn xúc xích ven đường.
Kết quả xét nghiệm cho thấy, người bệnh có số lượng bạch cầu cao bất thường 11.32G/L, Mono 1.51G/L, Mono 13.4%, độ phân tán của đường kính hồng cầu 16.4%. Sau điều trị 3 ngày, người bệnh ổn định và được ra viện.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân. (Ảnh: BVCC)
Bác sĩ nội trú Trần Văn Sơn, khoa Nội Hô hấp - Tiêu hóa cho biết, theo thống kê tại khoa, số người đến khám và điều trị vì các bệnh lý tiêu hóa tăng lên đáng kể từ đầu mùa hè. Trung bình 10-15 người bệnh ở nhiều độ tuổi khác nhau.
Các bệnh tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thường do các loại vi khuẩn như e.coli, campylobacter, listeria, salmonella, botulinum gây ra.
Một gia đình có 2 người tử vong và nhiều người có dấu hiệu ngộ độc
Thời tiết nắng nóng khiến thực phẩm dễ bị ôi thiu, hư hỏng, nhiễm khuẩn nếu không bảo quản đúng. Khi người bệnh tiêu thụ các loại thực phẩm này, vi khuẩn sẽ tấn công hệ tiêu hóa, gây ra các bệnh tiêu hóa, phổ biến là rối loạn tiêu hóa, nhiễm khuẩn đường ruột, nặng hơn là ngộ độc.
“Nhiễm trùng đường tiêu hóa chủ yếu lây qua đường ăn uống. Các sinh vật gồm nấm men, vi khuẩn, hoặc ký sinh trùng tấn công cơ thể gây nhiễm trùng đường ruột, dễ biến chứng nhiễm trùng máu” , bác sĩ Sơn nói.
Triệu chứng phổ biến của người bệnh mắc các bệnh lý về tiêu hóa đến khám gồm: Đau bụng, đi tiêu lỏng, sốt, nôn, mệt mỏi, một số người bệnh cùng lúc mắc thêm viêm họng, ho.
Sau khoảng 2 ngày nhiễm virus, vi khuẩn, người bệnh có thể có các biểu hiện nôn, buồn nôn, sốt, tiêu chảy nhiều lần, kéo dài trong 3-10 ngày. Nếu không được khám, điều trị kịp thời, người bệnh có thể mất nước, mất điện giải, thậm chí nguy hiểm tính mạng nếu ngộ độc hoặc nhiễm trùng nặng.
Bác sĩ khuyến cáo người dân ăn chín, uống sôi, cần vệ sinh tủ lạnh sạch sẽ, không để chung thực phẩm tươi sống và thực phẩm nấu chín. Thức ăn bảo quản lâu trong tủ mát vẫn có thể bị hỏng và ngộ độc, do đó không nên sử dụng đồ ăn thừa sau 4-5 ngày bảo quản ở ngăn mát.