Nội dung chính:
- Gãy cột sống do thói quen ngồi gác chân lên táp lô ô tô.
- Cảnh báo thói quen ngồi gác chân lên táp lô ô tô.
- Lưu ý khi ngồi trên xe ô tô.
Đang điều trị tại khoa Khoa Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện E, ông T.V.T (51 tuổi, tại Hà Nội) vẫn còn đau nhiều sau khi gặp tai nạn ô tô.
Chị gái ông T chia sẻ trên đường đi làm về, ông ngồi ở ghế phụ của xe ô tô. Ông thường có thói quen gác chân lên táp lô ô tô để ngủ một giấc cho thoải mái. Tuy nhiên, khi tài xế tránh chướng ngại vật trên đường, xe đã mất lái, đâm vào cột điện.
Tai nạn này khiến ông T gặp chấn thương nghiêm trọng, phải nhập viện cấp cứu.
Bệnh nhân T đang điều trị tại Bệnh viện E (ảnh: Ngọc Minh).
Bác sĩ Phạm Văn Bính, Phó Khoa Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện E, cho biết trường hợp bệnh nhân T được đưa vào viện trong tình trạng sốc chấn thương. Bệnh nhân đau rất nhiều ở vùng thắt lưng, rối loạn huyết áp, bệnh nhân không có cảm giác của 2 chi dưới (chân).
Bệnh nhân được chẩn đoán gặp đa chấn thương: chấn thương tại ngực – tràn dịch màng phổi, chấn thương bụng, chấn thương cột sống.
“Bệnh nhân bị vỡ hoàn toàn đốt sống thắt lưng L3-L4. Đây là một chấn thương rất nặng, để lại di chứng liệt 2 chân. Ca bệnh này cũng là trường hợp hy hữu lần đầu tiên tôi gặp trong quá trình làm nghề. Bệnh nhân gặp chấn thương nặng nề do thói quen ngồi gác chân lên táp lô”, bác sĩ Bính cho hay.
Bác sĩ Bính chỉ hình ảnh cột sống bị gãy của bệnh nhân (ảnh:Ngọc Minh).
Vị phó khoa phẫu thuật thần kinh cho rằng việc ngồi gác chân lên táp lô tiềm ẩn nhiều nguy cơ, khi tai nạn xảy ra có thể bị thương rất nặng, và có tổn thương phối hợp. Trường hợp bệnh nhân T đã bị gãy cột sống do ghế sau ô tô và lực đối diện dồn ép.
Với trường hợp gãy cột sống của bệnh nhân T sẽ phải đối mặt với nguy cơ tàn phế. Các bác sĩ đã phẫu thuật cho bệnh nhân nhưng chủ yếu là chỉnh hình thể cột sống, còn khôi phục chức năng là không thể.
Theo bác sĩ Bính, tiếp tới bệnh nhân sẽ phải phục hồi chức năng trong một thời gian rất dài. Gãy cột sống còn ảnh hưởng tới các vấn đề thần kinh chức năng của cơ tròn - liên quan tới việc tiêu, tiểu. Do đó, bác sĩ sẽ tiếp tục phục hồi chức năng cơ tròn cho bệnh nhân.
Lời cảnh báo từ bác sĩ
Sau khi tai nạn xảy ra, bệnh nhân T đã rất hối bận.
Chị bệnh nhân T tâm sự thêm: “Trường hợp của em tôi là lời cảnh tỉnh mọi người không nên có thói quen ngồi gác chân lên táp lô”.
Ngồi trong ô tô có cần chống nắng?
Bác sĩ Bính khuyến cáo khi tham gia giao thông cần phải đảm bảo ngồi đúng và thắt dây an toàn. Điều này sẽ tránh được chấn thương đáng tiếc nếu xảy ra va chạm như trường hợp của bệnh nhân T.
Cột sống có vai trò rất quan trọng trong việc chỉ đạo về cảm giác và vận động cho đầu, cổ, tứ chi. Cột sống thắt lưng sẽ chịu trách nhiệm cho cảm giác vận động của 2 chi dưới. Mỗi một tổn thương vào cột sống, tùy theo chức năng vị trí chi phối, sẽ ảnh hưởng tới các cơ quan trong cơ thể.
Theo bác sĩ Bính, những chấn thương nghiêm trọng tại cột sống thường để lại gánh nặng cho bệnh nhân và gia đình. Bệnh nhân sẽ phải điều trị suốt đời.
“Tuyệt đối không gác chân lên táp lô vì khi xảy ra bất cứ va chạm nào đều rất nguy hiểm. Do không có dây an toàn, tư thế không chủ động sẽ dẫn những tổn thương nặng hơn bình thường. Với trường hợp bệnh nhân T nếu ngồi tư thế bình thường có thắt dây đai an toàn, tai nạn xảy ra sẽ chỉ chấn thương vùng đùi hoặc xương. Nhưng bệnh nhân ngồi gác chân khiến cột sống bị gãy, đây là một điều đáng tiếc”, bác sĩ Bính chia sẻ.