Vượt qua biến cố cuộc đời, Hòa hiện khỏe mạnh, có chồng và con gái 5 tháng tuổi. Cô bén duyên với công việc thư ký y khoa cho bác sĩ đã từng cứu lấy đôi chân mình.
Hòa mắc ung thư xương thể ác tính, từng trải qua ba lần phẫu thuật để điều trị bệnh và giữ lại đôi chân. Cô là bệnh nhân đầu tiên tại Việt Nam được thay toàn bộ xương đùi bằng dụng cụ kim loại, ca mổ thành công vào đầu tháng 3/2020.
Quá trình điều trị ung thư của Hòa bắt đầu giữa năm 2018, khi đang là sinh viên năm cuối. Ban đầu, Hòa thấy đùi phải đau buốt từng cơn mặc dù không bị biến dạng hay sưng. Cô khám tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bác sĩ chỉ định phẫu thuật để nạo vét u. Hòa đồng ý ngay, nghĩ "có lẽ chỉ mắc bệnh nhẹ, mổ một lần là xong". Kỳ thi tiếng Anh và buổi bảo vệ khóa luận tốt nghiệp được hoãn lại.
Hòa được chuyển tới Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, Hà Nội, tháng 6/2019. Bác sĩ chẩn đoán cô mắc ung thư xương có mức độ ác tính rất cao, khối u đã lan ra toàn bộ xương đùi. Để loại bỏ u, Hòa sẽ phải cắt cụt xương đùi, nguy cơ mất chân. Sau đó sẽ điều trị hóa chất, nếu đáp ứng thuốc tốt và ung thư được kiểm soát, có thể ra viện sớm.
Tuy nhiên, từ khi biết bệnh, người phụ nữ luôn đấu tranh xem bản thân nên dừng lại hay tiếp nhận điều trị. "Khi đó tôi nghĩ đã bệnh ung thư thì trước sau kết quả cũng như thế", Hòa nghẹn ngào, thêm rằng việc học của cô đã tiêu tốn nhiều tiền, đến khi có thể đi làm phụ giúp bố mẹ thì lại mắc bệnh. "Nếu điều trị thì sẽ tốn thêm số tiền lớn, thà dừng ngay từ đầu, người ở lại đỡ gánh nặng", cô nói thêm.
Nhưng sau vài ngày suy nghĩ, Hòa quyết tâm điều trị. Cô nhận ra tiền chỉ là phương tiện, nếu bản thân từ bỏ thì người thân sẽ hối hận, day dứt. "Chỉ cần tôi còn sống bên cạnh bố mẹ thì sẽ hạnh phúc hơn rất nhiều so với việc cứ đắn đo chuyện tiền nong", Hòa nói.
Hòa trong thời gian điều trị bệnh 4 năm trước. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Không đành lòng nhìn Hòa bị cắt cụt chân, gia đình làm đơn gửi bệnh viện yêu cầu tiếp tục hóa chất để tìm cách bảo toàn bộ phận này. Chưa quen thuốc, tinh thần lại sa sút bởi cảm giác bức bách, khó chịu, không ăn uống được khiến Hòa phải cấp cứu liên tục trong ba đợt hóa trị đầu tiên. Tới đợt thứ tư, cô rất yếu, cân nặng có lúc chỉ còn 28 kg.
Dần dần, Hòa nhận ra có buồn rầu thì vẫn phải tiếp tục sống. Cô bắt đầu làm bạn với bệnh nhân cùng phòng, động viên nhau cố gắng. Bản thân vực dậy tinh thần, ăn uống bồi bổ để giảm tác dụng phụ khi điều trị. Tuy nhiên, cô bị sốt, bạch cầu giảm, đe dọa tính mạng.
Lúc này, Bệnh viện K mời bác sĩ Trần Trung Dũng, khi đó là Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực cơ xương khớp, tới hội chẩn và tham gia điều trị. Phác đồ mới nhanh chóng được vạch ra, Hòa sẽ được phẫu thuật thay xương đùi bằng kim loại. Tuy nhiên, bác sĩ Việt Nam chưa từng thực hiện kỹ thuật này. Xương đùi dài và nặng, chịu trọng lượng của toàn bộ cơ thể khi đi lại, vận động và tham gia vào cấu tạo của khớp háng, khớp gối. Đây là hai khớp lớn, phức tạp nhất cơ thể nên việc thay toàn bộ xương đùi dường như là điều không tưởng.
Bác sĩ cũng trao đổi với Hòa, nhận định ca đại phẫu khó tránh khỏi rủi ro. Song, nhìn thấy khát khao sống và được đứng dậy trên đôi chân của cô gái trẻ, bác sĩ và bệnh nhân động viên nhau cùng cố gắng.
Theo bác sĩ Dũng, ca mổ khó còn vì phải đặt dụng cụ chính xác đến từng centimet, không để bệnh nhân bị ngắn chi. Nhóm bác sĩ khâu phục hồi lại khối cơ mông và đùi như giải phẫu ban đầu để tạo độ vững cho khớp háng và gối, tránh để lại di chứng trật khớp. Ê kíp bác sĩ chuẩn bị rất kỹ lưỡng nhằm đảm bảo an toàn cho Hòa.
Tháng 10/2019, ca phẫu thuật đầu tiên diễn ra. Trước giờ mổ, bác sĩ cho biết cơ thể cô không đáp ứng điều trị hóa chất, ung thư ăn lan rộng xuống nửa xương đùi. Hòa được phẫu thuật cắt u diện rộng và đặt cement xương để giữ không gian cho xương đùi nhân tạo, sau đó vào hóa chất 6 đợt theo phác đồ điều trị ung thư xương.
Đầu tháng 3/2020, nhóm bác sĩ phẫu thuật tiếp tục thay toàn bộ xương đùi ung thư, khớp háng và khớp gối toàn phần ở chân phải bệnh nhân.
Hòa tỉnh lại lúc chiều tối trong phòng hồi sức, không có điện thoại hay bố mẹ kề cận. Việc đầu tiên cô làm là thử nhúc nhích để xem chân còn hay mất, song không thể bởi còn ảnh hưởng thuốc tê và thuốc mê. "Khi đó tôi thậm chí không đủ sức lực để ngóc đầu dậy nhìn xem chân còn hay không", Hòa nói.
Sáng hôm sau, Hòa bật khóc khi kíp bác sĩ đến chúc mừng, cho biết "ca mổ hôm qua rất tốt". "Đến lúc đó tôi mới thật sự tin là mình còn chân, hạnh phúc vô cùng", cô nói.
Bốn ngày sau phẫu thuật, Hòa lần đầu đứng lên, tập đi lại với đôi chân mới sau một năm chỉ ngồi xe lăn. Thêm 3 đợt điều trị hóa chất kéo dài hơn 2 tháng, Hòa ra viện.
"Ba đợt này tôi trải qua nhẹ nhàng lắm vì biết mình đã với được tới ánh sáng", cô xúc động kể.
Hòa hiện tại. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Dù hiện tại khớp gối cô vẫn hạn chế, không gập được hết như người thường, đi lại hơi tập tễnh, nhưng Hòa trân quý việc có thể bước xuống giường với hai chân còn lành lặn.
"Nhiều người so sánh với cuộc sống trước kia nhưng ít ai hiểu khi trải qua biến cố, chỉ cần giữ được đôi chân và đi lại được, đã hạnh phúc lắm", Hòa nói.
Sau khi điều trị, Hòa hoàn thành các thủ tục còn lại để tốt nghiệp đại học, trở thành thư ký y khoa cho bác sĩ Dũng, hiện là Giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình và Y học thể thao Vinmec.
Hòa cũng hỗ trợ tinh thần và gây quỹ giúp đỡ người bệnh ung thư, đồng thời dành nhiều thời gian bên cạnh gia đình, bạn bè. Tháng 3/2023, vượt qua mọi rào cản, tự ti, Hòa kết hôn với chàng trai bên cạnh cô từ những năm tháng còn ngồi trên ghế nhà trường và đón con gái đầu lòng một năm sau đó.
Nhóm phẫu thuật đặt biệt danh cho Hòa là "iron woman" vì cô là người Việt Nam đầu tiên có xương đùi kim loại. Theo các bác sĩ, thành công của ca mổ không chỉ cứu đôi chân, cuộc sống của cô gái trẻ, mà còn mang lại một thành tựu y học trong nước. Đến nay, Việt Nam đã thực hiện được 18 ca thay toàn bộ xương đùi, thay đổi cuộc đời của nhiều bệnh nhân.
Mỹ Ý