Chuyên mục  


Tại phòng khám Bệnh viện E, người đàn ông nói đi khám vì bị đối tác "ép", còn bản thân không mắc bệnh. Anh là giám đốc một công ty may mặc ở Hà Nội, tập thể dục thể thao đều đặn. Mỗi lần đến lịch khám định kỳ, anh đều bỏ qua, cho rằng sức khỏe bình thường.

Khoảng ba tháng nay, anh có dấu hiệu ngứa, rát hậu môn, nghĩ do vệ sinh không an toàn nên tự mua thuốc uống, lấy cớ công việc để không đi khám. Khi triệu chứng tăng dần, không thể đi vệ sinh, anh đành miễn cưỡng vào viện.

Bác sĩ Phạm Quang Khải, Khoa Phẫu thuật Thận Tiết niệu - Nam học, liên tục đặt câu hỏi thăm dò. Khoảng 20 phút đầu, bệnh nhân quanh co, thậm chí không muốn làm xét nghiệm. Bác sĩ nhấn mạnh cuộc trò chuyện chỉ có hai người biết. Lúc này, người đàn ông nói mình là người đồng tính và quan hệ đồng giới nam không dùng bao cao su. Anh đã nghi ngờ bản thân bị bệnh truyền nhiễm bệnh nhưng không dám đi khám, "sợ bị người quen bắt gặp, chê cười".

Tương tự, người đàn ông 40 tuổi, đã tái hôn một năm nhưng chưa có tin vui. Anh từng có một con trai với vợ cũ nên khẳng định bản thân khỏe mạnh, không chịu đi khám. Cuối cùng, bị vợ hối thúc, người đàn ông đến Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc.

Bác sĩ Lê Duy Thảo, Khoa Nam học, Trung tâm IVF, cho biết cơ quan sinh dục của bệnh nhân bé và gần như không có lông. Các xét nghiệm khác sau đó phát hiện người chồng không có tinh trùng trong tinh dịch, chẩn đoán vô sinh do hội chứng Klineifelter. Nhiễm sắc thể giới tính của anh thừa một nhiễm sắc thể X, tức là XXY, trong khi nam giới bình thường chỉ có một cặp nhiễm sắc thể giới tính là XY.

"Người mắc hội chứng này gần như không có khả năng sinh con tự nhiên do hai tinh hoàn không phát triển", bác sĩ nói. Kiểm tra ADN của con trai anh không cùng huyết thống.

Cũng lo lắng vì rối loạn cương dương, người đàn ông 57 tuổi thường xuyên nóng giận vô cớ. Ông không kiểm soát được hành vi, có những cơn bốc hỏa khiến tình cảm vợ chồng rạn nứt. Tình trạng kéo dài khoảng 4 năm, song ông không đi viện vì cho rằng đi khám chứng tỏ "suy giảm phong độ". Lâu dần, ông mất cảm xúc với vợ, chán nản, mệt mỏi, kiệt sức, mất ngủ. Bác sĩ kê đơn điều trị và hướng dẫn bệnh nhân đến bệnh viện có chuyên khoa tâm thần khám thêm.

Xét nghiệm máu giúp nam giới sàng lọc nhiều bệnh lý. Ảnh: GHP News

Việt Nam chưa có thống kê về số người mắc bệnh nam khoa. Tuy nhiên, phần lớn đàn ông ngại khám bệnh, hoặc chưa có thói quen kiểm tra định kỳ. Đến khi bệnh nặng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mới đi viện.

Theo bác sĩ Khải, nguyên nhân khiến đa số nam giới ngại đi khám vì "gần như không người đàn ông nào chấp nhận được việc thất bại khi thể hiện phong độ, bản lĩnh". Họ mang tâm lý là phái mạnh, trụ cột gia đình, không được quyền ốm yếu. Nhóm này thường ngại đến khám ở các cơ sở y tế công lập, vì sợ tình trạng quá tải khi chờ khám hoặc sợ bị người quen bắt gặp. Lúc này, họ nghe theo các quảng cáo không có cơ sở khoa học, sử dụng hóa chất không an toàn... khiến bệnh càng trầm trọng.

Ngoài ra, nhiều nam giới quan niệm bệnh nam khoa do "ăn chơi" chứ không phải là vấn đề bệnh lý cơ thể. Từ đó, nhiều người chưa quan tâm hoặc không có nhiều kiến thức để tự chăm sóc, bảo vệ sức khỏe. Thực tế, WHO đã đưa bệnh nam khoa vào danh mục phân loại bệnh tật quốc tế.

Mặt khác, hiện các dịch vụ về nam khoa, y học giới tính tại Việt Nam còn ít, chưa phổ cập. Thống kê của Đại học Y Hà Nội năm 2022, 70-80% đàn ông chưa tiếp cận với dịch vụ chăm sóc nam khoa.

Chi phí xét nghiệm liên quan đến nam khoa chi phí cũng đắt đỏ, khoảng hơn một triệu đồng cho một lần. Các loại thuốc như viagra - điều trị rối loạn cương dương, giá khoảng 10 USD/viên; thuốc điều trị xuất tinh sớm giá cũng gần 10 USD/viên. Các sản phẩm liên quan đến nội tiết như thuốc bôi trơn, chi phí điều trị khoảng 2 triệu/tháng, thuốc tiêm hơn một triệu/tháng. "Đây là một trong nhiều rào cản khiến đàn ông ngại đi khám nam khoa", ông Khải nói.

Bác sĩ Công thăm khám, điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Theo bác sĩ, nam giới chủ quan với sức khỏe tình dục khiến bệnh tiến triển nặng, điều trị tốn kém, ảnh hưởng sức khỏe sinh sản sau này. Chẳng hạn yếu sinh lý vừa giảm ham muốn, suy giảm thể lực, tăng nguy cơ vô sinh, hiếm muộn do tinh trùng chất lượng kém. Nam giới quan hệ tình dục không an toàn, từ viêm nhiễm chuyển thành sùi mào gà, lậu...

Ngoài ra, "bệnh nam khoa gắn liền với đời sống tình dục, nếu tình trạng bệnh không cải thiện sẽ khiến người đàn ông có cảm xúc tiêu cực, bi quan, chán nản", bác sĩ Vũ Đức Công, Trung tâm Sức khỏe Nam giới Men’s Health (TP HCM), cho biết.

"Nam giới nên coi các bệnh gặp ở vùng kín tương tự các bệnh lý khác để điều trị", bác sĩ Khải nói. Khi có dấu hiệu, cần đi khám sớm, bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn, tránh biến chứng nặng nề. Không đến những cơ sở kém uy tín, dẫn đến "tiền mất, tật mang" nhưng vẫn không khỏi bệnh.

Các cặp vợ chồng quan hệ tình dục chung thủy, chủ động tiêm ngừa các vaccine phòng ngừa bệnh lây truyền qua đường tình dục như vaccine ngừa HPV và viêm gan B.

Nếu có nguy cơ lây nhiễm HIV (như thường xuyên quan hệ tình dục với bạn tình lạ), nên nghĩ đến việc dùng thuốc PREP hàng ngày để dự phòng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Thùy An

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020