Nghiên cứu được công bố trên tạp chí The BMJ số ra tháng 12. Theo phân tích, ăn ít nhất 5 phần nhỏ chocolate đen (mỗi phần 28,35g) mỗi tuần có thể giảm 21% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2. Khi lượng chocolate đen tiêu thụ tăng lên, lợi ích cũng tăng theo. Tuy nhiên, ăn chocolate sữa có thể gây tình trạng tăng cân quá mức - yếu tố chính dẫn đến bệnh tiểu đường type 2.
"Chocolate đen và chocolate sữa có lượng đường, chất béo và calo bổ sung tương tự nhau, nhưng điểm khác biệt quan trọng nhất là chocolate đen chứa nhiều cacao hơn", tác giả chính Binkai Liu, nghiên cứu sinh tại khoa dinh dưỡng của Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan, cho biết.
Cacao là dạng chocolate thô, ít chế biến được thu hoạch từ cây theobroma cacao. Cacao chứa hàm lượng flavanol cao nhất, tỷ lệ phần trăm cacao được ghi trên nhãn của thanh chocolate đen càng cao, hàm lượng flavanol càng nhiều. Flavanol hoạt động như chất chống oxy hóa và giảm viêm, có thể ngăn ngừa các bệnh mạn tính như bệnh tim và tiểu đường.
Tiến sĩ Nestoras Mathioudakis, đồng giám đốc y tế của Chương trình Giáo dục và Phòng ngừa Bệnh tiểu đường tại Johns Hopkins Medicine, cho biết các hợp chất hoạt tính sinh học trong cacao có thể cải thiện độ nhạy insulin, giảm stress oxy hóa và viêm nhiễm - tất cả đều là thành phần sinh lý bệnh của bệnh tiểu đường.
Những người tham gia phải hoàn thành bảng hỏi về thực phẩm 4 năm một lần trong khoảng thời gian 25 năm. Sau đó, các nhà nghiên cứu đã xem xét mức tiêu thụ chocolate đen, chocolate sữa và tổng lượng chocolate trong số hơn 111.000 người yêu thích món này.
Các chuyên gia cho biết chocolate đen có thể làm giảm nguy cơ mắc tiểu đường type 2. Ảnh: Pexel
Điều chỉnh các yếu tố nguy cơ về chế độ ăn uống và lối sống, các nhà nghiên cứu phát hiện, những người ăn ít nhất 5 phần 28,35g chocolate đen có tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường type 2 thấp hơn đáng kể so với những người hiếm khi hoặc không bao giờ ăn chocolate.
Cứ 10 người Mỹ thì một người mắc bệnh tiểu đường, 95% trong số đó được chẩn đoán tiểu đường type 2, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ. Nghiên cứu toàn cầu hồi tháng 7/2023 ước tính, ít nhất 1,31 tỷ người có thể sẽ mắc bệnh tiểu đường vào năm 2050, tăng từ 529 triệu vào năm 2021.
Nguyên nhân của xu hướng này là mức độ hoạt động thể chất thấp hơn, thói quen sử dụng rượu bia và thuốc lá, chế độ ăn uống kém, phụ thuộc quá nhiều vào thực phẩm siêu chế biến. Một nghiên cứu quan sát công bố vào tháng 9 cho thấy, cứ 10% thực phẩm siêu chế biến bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày sẽ làm tăng 17% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2. Chocolate thực tế cũng là thực phẩm siêu chế biến, vì vậy, bác sĩ không khuyến khích tiêu thụ quá nhiều.
Nghiên cứu vẫn có những hạn chế. Tình nguyện viên là người da trắng lớn tuổi, mức tiêu thụ chocolate tương đối thấp. Ngoài ra, kết quả mâu thuẫn với một nghiên cứu vào tháng 12/2023, cho thấy tiêu thụ cacao không có nhiều lợi ích cho người mắc tiểu đường.
Thục Linh (Theo CNN)