Ban ngày nắng ấm, chiều tối se lạnh, sáng sớm lại trở nên rét buốt- đó là thực trạng thời tiết Hà Nội những ngày này. Sự chênh lệch nhiệt độ trên 10 độ C giữa ngày và đêm này khiến cơ thể chúng ta khó thích nghi, sức đề kháng suy giảm, dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, tim mạch, thậm chí là đột quỵ.
Với hai đối tượng là trẻ em và người cao tuổi thì nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe lại càng cao hơn.
Sự chênh lệch nhiệt độ lớn giữa ngày và đêm dẫn đến những nguy cơ gì về sức khỏe của chúng ta?
Nguy cơ mắc bệnh hô hấp tăng cao: Nhiệt độ chênh lệch quá ‘vênh’ trong ngày khiến hệ miễn dịch của con người suy yếu. Đây là yếu tố quan trọng khiến các bệnh hô hấp như viêm họng, viêm phổi, hen suyễn, viêm đường hô hấp trên tấn công cơ thể chúng ta. Đây cũng chính là thời điểm thời tiết giao mùa, là môi trường lý tưởng cho virus, vi khuẩn sinh sôi. Chính vì vậy, trẻ em và người có sức đề kháng kém rất dễ bị ốm.
Nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim ở người cao tuổi tăng cao: Sự chênh lệch nhiệt độ ngày đêm còn ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch, đặc biệt là ở người cao tuổi.
Ban ngày, nhiệt độ cao có thể khiến cơ thể mất nước, hạ huyết áp. Đến tối, khi nhiệt độ giảm, cơ thể phải điều chỉnh để duy trì thân nhiệt. Sự điều chỉnh này thường không gây ảnh hưởng nhiều đến người trẻ và khỏe mạnh nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ cho người lớn tuổi, đặc biệt là những người mắc bệnh tim, cao huyết áp.
Khi nhiệt độ lạnh, mạch máu sẽ co lại để giảm thiểu sự mất nhiệt. Điều này khiến huyết áp tăng lên, tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu. Ở những người có hệ tim mạch khỏe mạnh, sự co thắt mạch máu này không gây ra vấn đề gì đáng kể. Tuy nhiên, với những người bị bệnh tim và huyết áp nó có thể dẫn đến tắc nghẽn động mạch, gây ra cơn đau tim, thậm chí là đột quỵ.
Chúng ta cần bảo vệ sức khỏe trong điều kiện chênh lệch nhiệt độ ngày đêm cao như thế nào?
Để bảo vệ sức khỏe khi thời tiết có sự chênh lệch nhiệt độ lớn, chúng ta cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh để tránh cơ thể bị... sốc nhiệt trong một ngày.
Giữ ấm cơ thể là quan trọng nhất: Chúng ta cần mặc đủ ấm, đặc biệt là vào sáng sớm và chiều tối. Khi ra ngoài, nên mặc áo khoác, áo len, khăn quàng cổ. Đối với trẻ em và người già, cần chú ý giữ ấm cổ, ngực, bàn chân. Khi đi ngủ nên đắp chăn đủ ấm, đi tất.
Lưu ý mặc nhiều lớp quần áo để có thể dễ dàng cởi ra khi ban ngày nhiệt độ tăng cao.
Hàng ngày thường xuyên cập nhật thông tin về thời tiết. Chuẩn bị đầy đủ trang phục phù hợp khi ra khỏi nhà, tránh để cơ thể quá nóng, quá lạnh.
Sức đề kháng của cơ thể giúp chúng ta đối phó với thời tiết không thuận lợi:
Theo chuyên gia dinh dưỡng, TS.BS. Trương Hồng Sơn (Viện Y học ứng dụng Việt Nam), để cơ thể khỏe mạnh, đủ sức chống chọi với thời tiết không thuận lợi thì cần bổ sung đầy đủ dưỡng chất, đặc biệt là vitamin C, D, A, kẽm, magie... có nhiều trong các loại rau xanh, trái cây tươi, các loại hạt, cá, trứng, sữa...
Đối với trẻ nhỏ và người lớn tuổi, cần chia nhỏ các bữa ăn và nên ăn tăng cường những món ăn dễ tiêu hóa như cháo, súp. Hạn chế đồ ăn dầu mỡ, nhiều đường, đồ uống có cồn, chất kích thích. Uống đủ nước (1,5 - 2,5 lít/ngày) để phòng bệnh hô hấp và tăng cường sức khỏe.
Duy trì môi trường sống lành mạnh và chế độ sinh hoạt khoa học:
Trong điều kiện sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn thì việc vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng để ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn, virus, nấm mốc... càng trở nên quan trọng hơn những thời điểm khác.
Các bài tập trong nhà như yoga, thể dục nhịp điệu... chính là một gợi ý tốt để bạn vẫn đảm bảo cơ thể dẻo dai mà lại tránh được sự khắc nghiệt của thời tiết.
Duy trì việc tập thể dục đều đặn là một thói quen tốt thế nhưng chúng ta cần ghi nhớ: Không nên tập luyện quá sớm, đặc biệt là những người lớn tuổi. 6 giờ sáng là thời điểm lý tưởng để vận động. Các bài tập trong nhà như yoga, thể dục nhịp điệu... chính là một gợi ý tốt để bạn vẫn đảm bảo cơ thể dẻo dai mà lại tránh được sự khắc nghiệt của thời tiết.
Lưu ý, giấc ngủ tốt cũng có vai trò quan trọng với sức khỏe của chúng ta. Vì vậy, chuẩn bị tâm thế cũng như không gian ngủ là điều cần lưu tâm với mỗi chúng ta.
Tuyệt đối không được tắm rửa bằng nước lạnh mà phải sử dụng nước ấm và tránh tắm lâu, tắm vào lúc đêm khuya. Đây là thời điểm nhiệt độ xuống thấp nhất, khi tắm, cơ thể dễ bị lạnh có thể dẫn đến bị cảm lạnh, đột quỵ, tăng hoặc giảm huyết áp đột ngột…