Chuyên mục  


moi-gioi-17369897839881818512499.jpg

Môi giới D.T.H. (trái) và môi giới Q.L. tại TP.HCM tư vấn cho phóng viên về dịch vụ chọn giới tính thai nhi tại Thái Lan với giá khoảng 250 - 400 triệu đồng - Ảnh: THU HIẾN

Đã đến lúc phải có giải pháp mạnh và triệt để nhằm ngăn chặn tình trạng này, tránh gây hệ lụy khó lường về sau.

Các chuyên gia, bạn đọc Tuổi Trẻ đã đóng góp ý kiến, đưa ra giải pháp thiết thực để hy vọng giải quyết được vấn đề này.

BS Hồ Mạnh Tường (tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM):

Không nên tin quảng cáo "có cánh"

bs-ho-manh-tuong-1736989861602684803954.jpg

BS Hồ Mạnh Tường

Tuyến bài "Nhức nhối nạn lựa chọn giới tính thai nhi" mà báo Tuổi Trẻ đăng tải đã đụng đến vấn đề rất nhức nhối hiện nay.

Cần nhìn nhận đây là một vấn đề rất lớn và để lại hệ lụy nghiêm trọng, đặc biệt đáng lo ngại khi tỉ số chênh lệch giới tính khi sinh đang có xu hướng tăng cao, nhất là ở các tỉnh phía Bắc.

Thực tế hiện có một số bệnh viện chủ yếu hướng về cung cấp dịch vụ IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) thường nhận điều trị cho các cặp chồng bình thường, không có vấn đề khó khăn về sinh sản.

Thực chất đây không phải điều trị vô sinh mà là một biện pháp chọn lựa giới tính.

Khi làm IVF chọn lựa giới tính thì bắt buộc phải sinh thiết phôi, nghĩa là phải làm thủng một phần màng trong suốt bảo vệ phôi và lấy đi một số tế bào của phôi để đi làm xét nghiệm di truyền. Nếu kỹ thuật sinh thiết phôi thực hiện không tốt có thể ảnh hưởng đến khả năng sống và phát triển của phôi và trẻ sau này.

Kết quả sinh thiết phôi không chính xác tuyệt đối, luôn có một tỉ lệ âm tính giả và dương tính giả. Chi phí thật sự để làm sinh thiết phôi và chẩn đoán nhiễm sắc thể thường không cao như giá các trung tâm IVF mà báo Tuổi Trẻ phản ánh.

Công nghệ chẩn đoán di truyền của Việt Nam hiện nay cập nhật các kỹ thuật mới nhất trên thế giới. Điển hình như công nghệ sinh thiết phôi NGS mà các môi giới quảng cáo cho khách hàng, Việt Nam đã thực hiện hơn 10 năm nay. Trình độ IVF Việt Nam không thua kém gì so với thế giới.

Giải pháp căn cơ để ngăn chặn tình trạng nhức nhối này là phải giáo dục thay đổi quan điểm, tập quán vốn ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều cá nhân và gia đình hiện nay. Bên cạnh đó bản thân người dân không nên tin vào quảng cáo "có cánh" để tránh "tiền mất tật mang".

Theo như tôi biết, Thái Lan cũng bị cấm lựa chọn giới tính thai nhi và các bệnh viện ở Thái Lan cũng làm chui như ở Việt Nam, nhưng có thể để thu hút du lịch y tế nên việc kiểm soát chưa chặt chẽ.

Ông Phạm Chánh Trung (chi cục trưởng Chi cục Dân số TP.HCM):

Xử lý nghiêm với cơ sở y tế vi phạm

ths-pham-chanh-trung-17369899107841760931642.jpg

Ông Phạm Chánh Trung

Qua tuyến bài "Nhức nhối lựa chọn giới tính thai nhi", công tác truyền thông về hệ lụy và các vấn đề liên quan mất cân bằng giới tính thai vẫn luôn cần được tiếp tục.

Nếu để tình trạng mất cân bằng giới tính kéo dài chắc chắn ảnh hưởng trực tiếp đến cơ cấu dân số.

Điều này sẽ phá vỡ cấu trúc cân bằng giới trong nguồn lực lao động. Theo phân tích và dự báo đến năm 2050, chênh lệch giữa số lượng giữa nam và nữ có thể từ 2,3 đến 4,3 triệu người.

Ngoài ra do thiếu nữ nên cấu trúc gia đình thay đổi đáng kể (một số nam giới có thể phải lựa chọn hay rơi vào tình trạng sống độc thân), điều này sẽ ảnh hưởng đến mức sinh và chất lượng dân số.

Các chuyên gia cũng lo ngại về tình trạng gia tăng các nguy cơ xâm hại tình dục phụ nữ cũng như sức ép về việc gánh vác các trách nhiệm từ phía gia đình của người chồng, vị thế của phụ nữ trong xã hội có thể bị ảnh hưởng.

Để kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, kinh nghiệm trên thế giới là phải nâng cao vị thế của người phụ nữ trong xã hội bằng chính những hành động thiết thực. Cụ thể như truyền thông giáo dục bằng nhiều nội dung và hình thức phù hợp để tạo dư luận xã hội ủng hộ và xóa dần sự phân biệt giữa con trai và con gái trong tiềm thức của người dân, bảo đảm sự bình đẳng giữa nam và nữ.

Bên cạnh đó cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những cơ sở y tế vi phạm về việc cung cấp thông tin giới tính hoặc lựa chọn giới tính.

Để giải quyết, khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh thì vấn đề cốt lõi vẫn nằm ở việc truyền thông chuyển đổi hành vi, thông qua việc hiểu đúng và tự nguyện thực hiện các chủ trương chính sách pháp luật của Nhà nước có liên quan đến vấn đề tôn trọng sinh con theo quy luật tự nhiên.

moi-gioi-1-17369900726831851796233.jpg

Bác sĩ và nhân viên phiên dịch người Thái Lan tư vấn cho bệnh nhân quy trình thực hiện IVF lựa chọn giới tính thai nhi - Ảnh: ĐAN THUẦN

Bà Nguyễn Thị Vân Anh (giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên):

Bền bỉ, từng bước thay đổi nhận thức của cộng đồng

nguyen-thi-van-anh-1736989956325959190525.jpg

Bà Nguyễn Thị Vân Anh

Việc lựa chọn giới tính khi sinh, muốn có con trai dù bằng phương pháp nào thì điều đó vẫn thể hiện quan điểm định kiến giới - "trọng nam, khinh nữ". Vì vậy chúng ta cần thay đổi được quan niệm về việc phải có con trai để phụng dưỡng tuổi già, con trai nối dõi tông đường.

Nhiều cha mẹ nghĩ rằng phải sinh con trai để về già có người chăm lo.

Vậy để giải quyết vấn đề này, chúng ta phải chăm lo đến đời sống an sinh, có chính sách hỗ trợ cho người cao tuổi. Khi họ không còn phải lo về tuổi già hoặc có thể tự chăm sóc khi về già thì họ sẽ không còn suy nghĩ bắt buộc phải có con trai.

Bên cạnh đó phải làm sao để tạo được môi trường phụ nữ được phát triển bình đẳng như nam giới.

Nhiều người phụ nữ bản thân họ đã chịu nhiều áp lực do mang giới tính nữ. Họ phải chịu định kiến xã hội như phụ nữ phải biết chu toàn việc nhà, biết chăm sóc con cái, biết kiếm tiền...

Và nữ giới cũng là phái chịu bạo lực gia đình nhiều hơn. Chính bản thân người phụ nữ không muốn mình sinh con gái vì sợ "con sẽ khổ như mình".

Chỉ khi một xã hội bình đẳng, khi nữ giới được tạo điều kiện để phát triển, họ có thể trở thành lãnh đạo, thành công, có vị trí trong xã hội... thì khi

đó việc sinh con gái hay con trai cũng không còn quan trọng bởi cả hai giới đều có chỗ đứng như nhau.

Định kiến giới là những quan niệm không thể loại bỏ ngay trong ngày một ngày hai, bởi không thể thay đổi quan điểm của một bộ phận chỉ bằng một hai bài báo hay giảng dạy.

Nhưng chúng ta cần bền bỉ thông tin, từng bước thay đổi nhận thức của cộng đồng để mỗi đứa trẻ được sinh ra đều có cơ hội phát triển bình đẳng như nhau.

Ông Vũ Tú (38 tuổi, nhân viên văn phòng ở Hà Nội):

Cấm trong nước nhưng ra nước ngoài lựa chọn giới tính

vu-tu-17369900113031496390122.jpg

Ông Vũ Tú

Theo dõi những bài viết trên báo Tuổi Trẻ, tôi thấy đây dù không phải đề tài mới nhưng đã phơi bày sự thật mà trong cộng đồng, chúng tôi hiểu với nhau "phải có tiền thì mới làm được".

Việc sàng lọc giới tính để sinh con trai không quá phổ biến, nguyên nhân không phải vì các gia đình không thích con trai mà do kinh tế không cho phép. Tôi thấy hầu hết gia đình nào cũng mong sẽ có "đủ nếp, đủ tẻ", nhưng nếu họ "sinh con một bề" thì cũng chấp nhận. Chỉ khi họ có đủ kinh tế thì mới sinh tiếp và lúc đó họ sẽ tìm đến các dịch vụ lựa chọn giới tính để đảm bảo "an toàn".

Làm sao để ngăn chặn được việc này? Nếu chúng ta siết chặt việc lựa chọn giới tính trong nước thì họ sẽ ra nước ngoài, ngoài phạm vi quản lý của Việt Nam và tình trạng vẫn tiếp diễn.

Vì vậy theo tôi, vấn đề quan trọng vẫn là phải thay đổi được quan niệm phải có con trai của một bộ phận xã hội. Nhiều gia đình hiếm muộn họ phải mất 5 năm, 10 năm để có một đứa con. Hay con sinh ra khỏe mạnh đã là niềm hạnh phúc của cha mẹ. Việc đứa trẻ là con trai hay con gái cũng không khiến bố mẹ chúng ít yêu thương chúng hơn. Xã hội ngày càng phát triển, bình đẳng không nên chạy theo hai từ "giới tính" mà hãy để những đứa trẻ được sinh ra bình thường, được sống và yêu thương.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020