Chuyên mục  


ket-hon-muon-1733322839083338433272.jpg

Xu hướng kết hôn muộn ngày càng gia tăng - Ảnh minh họa

Bác sĩ Nguyễn Văn Phúc, khoa nam học Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết trong xã hội hiện đại, kết hôn muộn trở thành xu hướng phổ biến ở nhiều quốc gia, đặc biệt là trong các đô thị lớn. 

Ở nước ta tình trạng kết hôn muộn có xu hướng tăng liên tục. Theo số liệu ghi nhận từ Cục Thống kê, năm 2023 độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu của người dân TP.HCM là 30,4 tuổi (đã vượt qua mốc 30 tuổi).

Theo ghi nhận, độ tuổi kết hôn trung bình có xu hướng tăng liên tục từ năm 2019 - 2023. Cụ thể, độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu năm 2019 là 27,5 tuổi; năm 2020 là 28 tuổi; năm 2021 là 29 tuổi và năm 2022 là 29,8 tuổi (bình quân mỗi năm tăng 0,7 tuổi).

Niên giám thống kê năm 2023 cho biết tuổi kết hôn trung bình lần đầu cả nước là 27,2 tuổi, tăng hơn 2 tuổi so với 2019. Trong đó các bạn trẻ Hà Nội 27,9 tuổi; Vĩnh Phúc và Bắc Ninh cùng 24,4 tuổi; Quảng Ninh 27,4 tuổi...

Trung du và miền núi phía Bắc kết hôn sớm hơn, như Hà Giang 22,8 tuổi, Cao Bằng 24 tuổi, Bắc Kạn 24,7 tuổi; Tuyên Quang 24,9 tuổi; Thái Nguyên 25,8 tuổi; Lạng Sơn 25,6 tuổi...

Khu vực Đông Nam Bộ ngoài TP.HCM kết hôn muộn còn có Bà Rịa - Vũng Tàu (28,8 tuổi, trong khi năm 2019 là 26,3 tuổi); Đồng Nai 28,5 tuổi (2019 là 26 tuổi).

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, tuổi kết hôn trung bình lần đầu ở Cần Thơ tới 29,3 tuổi; Bạc Liêu tới 28,2 tuổi, trong khi năm 2019 lần lượt là 26,9 tuổi và 25,3 tuổi.

Năm 2023, cả nước cũng ghi nhận tới trên 32.000 vụ ly hôn. Tính theo vùng, Đồng bằng sông Cửu Long là nhiều nhất với trên 10.700 vụ.

Bác sĩ Phúc chia sẻ việc kết hôn muộn kéo theo nhiều hệ lụy, đặc biệt là những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản.

Vì sao giới trẻ kết hôn muộn?

Có nhiều ý kiến về việc này, nhưng có những yếu tố như:

Áp lực công việc và sự nghiệp: Giới trẻ ngày nay dành phần lớn thời gian và năng lượng để đạt được thành công trong sự nghiệp. Họ cho rằng hôn nhân sẽ hạn chế tự do và làm chậm tiến trình phát triển bản thân.

Sợ rủi ro tài chính: Nhiều người e ngại rằng hôn nhân đòi hỏi một nền tảng tài chính vững chắc, từ đó họ trì hoãn quyết định này để đạt được sự ổn định kinh tế.

Xu hướng sống độc lập: Lối sống tự do và độc lập ngày càng được ưa chuộng, dẫn đến việc kết hôn không còn là ưu tiên hàng đầu.

Thay đổi nhận thức xã hội: Trong xã hội hiện đại, kết hôn muộn không còn bị kỳ thị, thậm chí còn được coi là một lựa chọn thông minh.

anh-chup-man-hinh-2024-12-04-213654-17333230714001989290058.jpg

Các bạn trẻ TP.HCM tập trung cho học tập, phát triển bản thân nhiều hơn - Ảnh: T.CHIẾN

Nhưng có hệ lụy tới sức khỏe sinh sản

Việc kết hôn muộn, dù mang lại một số lợi ích như thời gian tập trung cho sự nghiệp, sự ổn định tài chính hoặc chọn bạn đời phù hợp, vẫn kéo theo những hệ quả đáng lo ngại, đặc biệt là trong lĩnh vực sức khỏe sinh sản của cả nam và nữ.

Giảm khả năng thụ thai

Khả năng sinh sản không duy trì ổn định theo thời gian, mà giảm dần khi tuổi tác tăng lên, nhất là ở phụ nữ.

Ở nữ giới: Sau tuổi 35, số lượng và chất lượng trứng suy giảm nhanh chóng, làm giảm tỉ lệ thụ thai tự nhiên. Ngoài ra, nguy cơ sẩy thai cũng tăng lên do sự suy giảm chất lượng tế bào trứng. Một nghiên cứu chỉ ra rằng phụ nữ trong độ tuổi từ 35-40 có nguy cơ sẩy thai cao gấp đôi so với những phụ nữ dưới 30 tuổi.

Ở nam giới: Mặc dù tinh trùng được sản xuất liên tục, nhưng chất lượng tinh trùng cũng giảm dần theo tuổi. Độ di động của tinh trùng giảm, đồng thời tỉ lệ tinh trùng bất thường về hình dạng và cấu trúc tăng lên. Những yếu tố này khiến khả năng thụ thai tự nhiên giảm đáng kể, đặc biệt khi người vợ cũng lớn tuổi.

Gia tăng nguy cơ mắc bệnh lý sinh sản

Kết hôn muộn cũng đồng nghĩa với việc sinh con muộn, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan đến hệ sinh sản.

Ở phụ nữ: Các bệnh lý phổ biến bao gồm lạc nội mạc tử cung, hội chứng buồng trứng đa nang, và u xơ tử cung. Những tình trạng này không chỉ làm giảm khả năng thụ thai mà còn gây đau đớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Ngoài ra, phụ nữ lớn tuổi mang thai có nguy cơ cao bị tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ, hoặc sinh non.

Ở nam giới: Đàn ông kết hôn và sinh con muộn có thể đối mặt với các vấn đề như suy giảm nồng độ hormone testosterone, giãn tĩnh mạch tinh, hoặc viêm nhiễm đường sinh dục, ảnh hưởng lớn đến khả năng sinh sản và sức khỏe tổng thể.

Nguy cơ vô sinh cao

Nghiên cứu cho thấy tỉ lệ vô sinh ở các cặp đôi kết hôn muộn cao gấp 2-3 lần so với các cặp đôi kết hôn sớm hơn. Điều này đặc biệt rõ rệt ở các cặp đôi trên 35 tuổi.

Quá trình điều trị vô sinh thường kéo dài, tốn kém và gây áp lực tâm lý lớn. Một số phương pháp hỗ trợ sinh sản như thụ tinh nhân tạo: Bơm tinh trùng vào tử cung (IUI), thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI) cũng không đảm bảo thành công, đặc biệt khi tuổi của cặp đôi càng cao.

Ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và con

Không chỉ ảnh hưởng đến việc thụ thai, kết hôn muộn và sinh con muộn còn đặt sức khỏe của cả mẹ và con vào những nguy cơ nghiêm trọng.

Với người mẹ: Tuổi cao khiến cơ thể người mẹ khó thích nghi với những thay đổi trong thai kỳ. Các biến chứng thường gặp bao gồm tăng huyết áp, tiền sản giật, và nguy cơ phải sinh mổ cao hơn.

Với em bé: Trẻ sinh ra từ những cha mẹ lớn tuổi có nguy cơ cao mắc dị tật bẩm sinh hoặc các bệnh lý di truyền như hội chứng Down. Ngoài ra, trẻ cũng dễ bị sinh non hoặc thiếu cân, làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe lâu dài trong tương lai.

Áp lực tinh thần

Việc sinh con muộn không chỉ đặt áp lực lên cơ thể mà còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm lý của các bậc cha mẹ. Họ thường xuyên lo lắng về sức khỏe của con, áp lực kinh tế khi nuôi dạy con ở độ tuổi trung niên, và cảm giác hụt hơi khi phải đồng hành cùng con trong các giai đoạn phát triển sau này.

Mặc dù có những lý do hợp lý nhưng xu hướng kết hôn muộn vẫn cần được nhìn nhận một cách thận trọng, vì những tác động sâu rộng của nó đến sức khỏe sinh sản và tương lai gia đình.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020