Chuyên mục  


kem-chong-nang-co-gay-ung-thu-khong-1718506727399173872553.jpeg

Không có bằng chứng y tế nào cho thấy kem chống nắng gây ung thư - Ảnh: Getty

Xu hướng này cho rằng kem chống nắng không những không bảo vệ làn da, mà còn liên quan đến nguy cơ gây ung thư. Điều này có đúng không, và chúng ta nên, hay không nên dùng kem chống nắng?

Chống kem chống nắng do sợ ung thư

Theo Yahoo Life, xu hướng chống kem chống nắng bắt đầu sau khi một số bác sĩ trên mạng xã hội tuyên bố rằng một số loại kem chống nắng và các thành phần được sử dụng có thể liên quan đến ung thư.

Theo bác sĩ Anisha Patel - phó giáo sư tại khoa da liễu thuộc Trung tâm Ung thư MD Anderson, Đại học Texas, không có bằng chứng y tế nào cho thấy kem chống nắng gây ung thư.

Cô nhấn mạnh mặc dù kem chống nắng từng được phát hiện chứa benzen gây nhiễm bẩn, nhưng chất này không được sử dụng chính thức trong các công thức về chỉ số chống nắng (SPF). Các loại kem chống nắng có chứa benzen sau đó cũng bị thu hồi khỏi kệ hàng.

Tiến sĩ Patel cũng lưu ý về sự khác biệt giữa kem chống nắng hóa học và kem chống nắng vật lý, cũng như tầm quan trọng của việc bôi lại kem trong ngày.

Kem chống nắng giúp bảo vệ làn da khỏi tia cực tím (UV) bằng cách hấp thụ hoặc bảo vệ chúng. Kem cũng có thể giúp giảm nguy cơ ung thư da, cháy nắng, các vết nám và tăng sắc tố, cải thiện kết cấu da, làm chậm việc hình thành nếp nhăn và giúp làn da duy trì độ đàn hồi tự nhiên.

Hầu hết các chuyên gia thẩm mỹ và bác sĩ da liễu đều khuyên sử dụng kem chống nắng ở bước cuối cùng trong quy trình chăm sóc da buổi sáng, bất kể thời gian nào trong năm, đồng thời bôi lại trong ngày tùy theo thời gian bạn tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Chọn kem chống nắng thế nào?

Khi chọn kem chống nắng, điều quan trọng là chọn loại có chỉ số SPF cao hơn vì chúng có khả năng bảo vệ tốt hơn khỏi tia UV. Điều quan trọng nữa là chọn những loại có khả năng bảo vệ phổ rộng, vì những loại này bảo vệ khỏi tia cực tím A (UVA) và tia cực tím B (UVB).

Các nghiên cứu cũng khuyên bạn nên chọn những loại có khả năng chống nước hoặc chống thấm nước, vì khi bạn ở gần những vùng nước lớn, Mặt trời có thể phản chiếu và khiến bạn dễ bị bỏng hơn. Việc bôi kem chống nắng càng quan trọng hơn nếu bạn dành cả ngày bên hồ bơi hoặc trên bãi biển.

Bằng cách ngăn chặn tia UVB, kem chống nắng lại sinh ra một hiệu ứng khác. Kem có thể hạn chế khả năng sản xuất vitamin D của cơ thể, vốn đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe hệ miễn dịch và xương.

Bạn có thể hấp thu một số vitamin D thông qua chế độ ăn uống khoa học, hoặc dùng các chất bổ sung. Tuy nhiên, nguồn vitamin D tự nhiên chính là ánh nắng mặt trời.

Để có đủ lượng vitamin cần thiết, những người da sáng chỉ cần phơi nắng khoảng 10 đến 15 phút trên mặt, cánh tay và chân vài lần mỗi tuần. Những người có làn da sẫm màu hơn có thể cần thêm tối đa 30 phút.

Một số quan điểm cho rằng tia cực tím từ mặt trời có thể gây ung thư da nên việc bổ sung vitamin D bằng cách tiếp xúc với ánh nắng mặt trời không được khuyến nghị. Tia UV mạnh nhất vào mùa xuân và mùa hè, ở những vị trí gần xích đạo hơn và trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều.

Tuy nhiên, Diya Mutasim, giáo sư khoa da liễu tại Đại học Y khoa Cincinnati (Mỹ), nói rằng "có một số lợi ích khi tiếp xúc với một chút ánh sáng mặt trời để tổng hợp vitamin D và cho tâm trạng của bạn".

Mutasim cho biết điều quan trọng là tận dụng những lợi ích của ánh nắng mặt trời mà không gây ra những thay đổi cho làn da. Màu da đỏ nhẹ và thậm chí rám nắng cho thấy da đã bị tổn thương do ánh nắng mặt trời. Nhiều yếu tố, bao gồm mây che phủ, thời gian trong ngày và mùa, có thể ảnh hưởng đến tốc độ bạn bị tổn thương do ánh nắng mặt trời.

Giáo sư Murasim nhấn mạnh điều rõ ràng là bất kỳ ai dự định ở dưới ánh nắng mặt trời trong thời gian dài nên có kế hoạch bảo vệ vùng da hở. Điều đó có nghĩa là thoa kem chống nắng chống nước, có khả năng bảo vệ phổ rộng và chỉ số SPF ít nhất là 30,1.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020