"Việt Nam đang đối mặt với 3 vấn đề liên quan đến đột quỵ là tỷ lệ mắc cao, tử vong tương đương ca mắc và trẻ hóa tuổi mắc bệnh", PGS Nguyễn Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai nói tại Tọa đàm Những đổi mới trong chăm sóc sức khỏe tim mạch và điều trị đột quỵ, chiều 5/12 tại Hà Nội. Đây là phiên tọa đàm thứ 4 thuộc Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024.
Thực tế, số bệnh nhân đột quỵ vào Trung tâm tăng qua các năm. Năm 2023, các bác sĩ tiếp nhận 13.228 người, tăng hơn 2.000 ca so với năm trước đó, khoảng 8% là người trẻ. Trung bình mỗi ngày, nơi này tiếp nhận 50-55 bệnh nhân, ngày cao điểm đến 60 bệnh nhân. Đầu năm nay, Bệnh viện Bạch Mai phải mở rộng giường điều trị đột quỵ để đáp ứng nhu cầu bệnh nhân.
Bộ Y tế thống kê Việt Nam mỗi năm có khoảng 200.000 người đột quỵ, tỷ lệ tử vong khoảng 40%. Đặc biệt, số người trẻ bị đột quỵ đang có xu hướng tăng. Người trẻ và người trung niên chiếm khoảng 30% tổng ca đột quỵ. Theo thống kê tại các bệnh viện, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi trung bình tăng khoảng 2% mỗi năm, trong đó số nam giới nhiều gấp 4 lần nữ.
PGS Nguyễn Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Thanh Kiểu
GS. Valery Feigin, Đại học Công nghệ Auckland (New Zealand), cho biết đột quỵ là nguyên nhân đứng thứ hai gây gây tử vong và thứ ba gây tàn tật. Người tàn tật hoặc tử vong do đột quỵ tăng 89% trong 30 năm qua. Đặc biệt, 10 năm gần đây, tỷ lệ mắc mới và hiện mắc đột quỵ gia tăng, chủ yếu ở nước thu nhập thấp và trung bình, trong đó có Việt Nam. Tỷ lệ này gấp 4 lần so với New Zealand.
Các nguy cơ yếu tố gây đột quỵ ngày càng đa dạng, 60% do tăng huyết áp, ô nhiễm không khí chiếm 20%, số còn lại do hành vi. Chi phí điều trị tốn kém, chiếm 10 tỷ USD/năm trên toàn thế giới, tạo ra gánh nặng kinh tế vô cùng lớn.
Còn GS. Alta Schutte, Đại học New South Wales và Viện Sức khỏe Toàn cầu George (Australia), cho hay thống kê 70% bệnh nhân đột quỵ liên quan đến huyết áp, vì vậy việc kiểm soát vô cùng quan trọng trong dự phòng căn bệnh này. Song số người kiểm soát được huyết áp rất thấp, chỉ 23% ở nữ và 18% ở nam. Nhiều người không biết mình bị bệnh, số nhận thức được bệnh thì không được điều trị, không kiểm soát hiệu quả.
"Các quốc gia làm tốt cũng chỉ đạt 64% bệnh nhân kiểm soát được huyết áp, còn các quốc gia thu nhập thấp và trung bình thì tỷ lệ này thấp hơn nhiều", GS. Valery Feigin nói, thêm rằng ngoài huyết áp, 30-40% bệnh nhân đột quỵ có nhiều thói quen xấu trong sinh hoạt như ăn nhiều muối, hút thuốc. Vì vậy, chiến lược tốt nhất là thay đổi lối sống sinh hoạt để giảm tỷ lệ mắc bệnh.
Các chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Việt Hùng
Đột quỵ não gồm hai dạng là nhồi máu não và xuất huyết não. Hầu hết đột quỵ liên quan đến yếu tố nguy cơ, như tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa, bệnh lý tim mạch, lối sống không lành mạnh như lạm dụng thuốc, rượu bia, ít vận động thể lực... Đột quỵ còn do những bất thường bẩm sinh như dị dạng mạch máu não vốn có từ bé, đến thời điểm các phình mạch đủ lớn gây ra vỡ. Người bệnh đột quỵ cần được điều trị nhanh chóng tối đa, bao gồm chẩn đoán và xử trí cấp cứu, đặc biệt là tiêu huyết khối trong 4-5 giờ đầu.
Tại tọa đàm, các chuyên gia chia sẻ, cập nhật về các phương pháp, kế hoạch trong phòng ngừa và điều trị đột quỵ. PGS Tôn cho rằng cần có kế hoạch mạnh hơn, tập trung vào phòng ngừa trước, đưa phương pháp mới vào điều trị ở bệnh viện nhằm đạt mục tiêu giảm thiểu gánh nặng, cải thiện tình hình đột quỵ tại Việt Nam trong 5 năm tới.
"Chúng tôi đang đề xuất với Bộ Y tế xây dựng chương trình quốc gia, về phòng chống, quản lý bệnh nhân đột quỵ. Ba mục tiêu chính được đặt ra đó là giảm tỷ lệ mắc mới, tỷ lệ tử vong, tỷ lệ tàn phế", ông Tôn nói.
Lê Nga