Trong bối cảnh nhiều cuộc thi nới lỏng quy định, chấp nhận các thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ, hiện nay, Hoa hậu Việt Nam là cuộc thi duy nhất cho biết giữ tiêu chí tôn trọng vẻ đẹp tự nhiên.
"Đây là áp lực với hội đồng giám khảo, rào cản với một số thí sinh, nhưng đó là nét khác biệt, giá trị của cuộc thi", ông Phùng Công Sưởng, trưởng ban tổ chức, cho biết.
Theo ông Sưởng, ban tổ chức sẽ có sự điều chỉnh linh hoạt với một số trường hợp cụ thể như bọc răng sứ hoặc tiểu phẫu, nếu họ buộc phải chỉnh hình do tai nạn, cung cấp được bệnh án có chỉ định của bác sĩ.
Trong lịch sử, Hoa hậu Việt Nam nhiều lần mạnh tay loại các thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ. Năm 2016, Nguyễn Thị Thành bị yêu cầu dừng thi vì chỉnh sửa răng. Tổ nhân trắc học nói không tìm được giấy tờ nào cho thấy thí sinh làm răng vì tai nạn. Với các trường hợp bị tố cáo phẫu thuật thẩm mỹ, ban tổ chức đều kiểm tra độ xác thực của thông tin.
Từ trái sang: Hoa hậu Tiểu Vy, Ngọc Hân, Đỗ Thị Hà, Đỗ Mỹ Linh, tại buổi họp báo chiều 26/12 ở Hà Nội. Ảnh: Ban tổ chức cung cấp
Tại buổi họp báo chiều 26/12 ở Hà Nội, ban tổ chức thông báo những điểm khác biệt sau 36 năm tổ chức. Sơ khảo diễn ra từ đầu năm sau, ở ba miền Bắc, Trung, Nam. Các vòng được xây dựng theo format mới của truyền hình thực tế, yêu cầu thí sinh thể hiện kiến thức, kỹ năng trên nhiều lĩnh vực. Vòng chung kết lần đầu tổ chức ở Thừa Thiên Huế, với nhiều hoạt động như trình diễn áo dài, cổ phục, thăm làng nghề, các di tích lịch sử. Tân hoa hậu là người đáp ứng bốn tiêu chí "nhan sắc - văn hóa - trí tuệ - cống hiến".
Đương kim Hoa hậu Việt Nam Thanh Thủy. Ảnh: Ban tổ chức cung cấp
Năm nay, ban tổ chức là báo Tiền Phong dừng bắt tay đối tác - công ty Sen Vàng, sau 10 năm hợp tác. Tuy nhiên, Sen Vàng hiện nắm quyền cử thí sinh thi Hoa hậu Thế giới (Miss World). Trước đó, nhiều Hoa hậu Việt Nam từng tham gia cuộc thi này gồm Đỗ Thị Hà, Trần Tiểu Vy, Đỗ Mỹ Linh.
Đại diện ban tổ chức sẽ làm việc với các đơn vị nắm bản quyền, tìm cơ hội cho tân hoa hậu đến một cuộc thi khác phù hợp. Gần nhất, Hoa hậu Việt Nam 2022 Thanh Thủy đăng quang Miss International ở Nhật Bản hồi tháng 11.
Ông Phùng Công Sưởng - Tổng biên tập báo Tiền Phong, trưởng ban tổ chức cuộc thi. Ảnh: Ban tổ chức cung cấp
Hoa hậu Việt Nam là cuộc thi sắc đẹp do báo Tiền Phong khởi xướng, tổ chức lần đầu năm 1988 với tên Hoa hậu Hội Báo Tiền Phong. Người đầu tiên giữ vương miện là Bùi Bích Phương, người Hà Nội. Trong hơn 30 năm, đây là một trong những cuộc thi nhan sắc cấp quốc gia uy tín. Nhiều người đẹp đăng quang cuộc thi thành công trong các lĩnh vực, quen mặt với công chúng, như: Hà Kiều Anh (1992), Mai Phương Thúy (2006), Đặng Thị Ngọc Hân (2010), Đặng Thu Thảo (2012), Nguyễn Cao Kỳ Duyên (2014), Đỗ Mỹ Linh (2016), Trần Tiểu Vy (2018), Đỗ Thị Hà (2020), Huỳnh Thị Thanh Thủy (2022).
Khoảnh khắc đăng quang của Hoa hậu Thanh Thủy, năm 2022. Video: Ban tổ chức cung cấp
Hà Thu