Sáng 17/7, Liên ngồi thu mình một góc trước cửa phòng khám Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác, nhớ lại chuỗi ngày điều trị "chết đi sống lại" sau khi bị chồng thiêu sống. Thỉnh thoảng, vùng da bỏng ngứa ngáy, Liên nhăn mặt chịu đựng vì sợ vén áo bị lộ vết thương. Hiện, Liên sống ở Thái Bình và bán thuốc tại một quầy thuốc nhỏ. Đây là công việc giúp cô trang trải cuộc sống và chi trả dần cho khoản nợ viện phí khổng lồ.
"Tôi cố gắng hòa nhập nhưng nỗi ám ảnh với lửa, sự tự ti về nhan sắc và mặc cảm với ánh nhìn mọi người khiến tôi chưa thể vực dậy hoàn toàn", Liên cho biết.
Một chiều tháng 3/2018, vợ chồng Liên cãi vã. Người chồng tưới xăng lên cơ thể vợ, đốt sống, lửa bén từ cổ xuống chân. Cô gái 21 tuổi la hét, giãy dụa, hàng xóm dập lửa và sơ cứu, chuyển cô lên Viện Bỏng cấp cứu.
Bác sĩ Nguyễn Thái Ngọc Minh, Khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác, vẫn ám ảnh, vẫn nhớ mãi ca này, nói bệnh nhân bỏng nặng, diện tích tổn thương hơn 80% cơ thể, nhiều nhất ở thân mình, "cơ hội sống chỉ 10%". Bệnh nhân không thể nói chuyện, gần như mất cảm giác, toàn thân băng kín, may mắn vùng mặt an toàn. Cô phải điều trị trong phòng sấy nóng để vết thương khô nhanh, nhiệt độ có lúc lên trên 40 độ.
"Bỏng xăng khiến bệnh nhân lóc từng lớp da, buộc phải cấy ghép, song vùng da lành vô cùng hiếm", bác sĩ nói.
Bỏng xăng là tai nạn bỏng nguy hiểm gây tổn thương cơ quan. Khói hoặc hơi xăng có thể khiến tổn thương da, mắt và phổi bệnh nhân. Đặc biệt, Carbon monoxide là một loại khí không màu, không mùi, thường gây ngộ độc và tử vong trong các vụ cháy.
Hiện tại, Liên chấp nhận sống chung với vết thương và tự nhủ phải sống tốt hơn để không để bố mẹ phiền lòng. Ảnh: Minh An
Liên phải trải qua 7 lần phẫu thuật liên tục trong 7 tuần để cấy ghép. Tuy nhiên, bệnh nhân bị bỏng toàn thân, vùng da lành hiếm. Cô phải lấy da đầu liên tục 4 lần, "đến mức da đầu mỏng như lá lúa mới dừng lại". Sau đó, bác sĩ tìm những vùng da không bị tổn thương để lấy ghép cho nơi khác. Mỗi lần thay băng, mùi tanh của máu, mùi hôi của những vùng thịt hoại tử bốc lên khiến Liên ngạt thở, "cắt đến đâu, buốt óc đến đấy". Khi tắm hay vệ sinh vết thương, cô đều phải gây mê.
"Cơn đau tróc da tróc thịt, tôi sống không bằng chết", Liên nhớ lại khi ấy, thậm chí xin bác sĩ rút hết ống truyền để ra đi thật nhanh.
Ngoài bỏng, Liên còn bị nhiễm nấm tạng, nấm máu, suy giảm miễn dịch, tiên lượng tử vong. Theo bác sĩ Minh, nhiễm nấm rất khó chẩn đoán, gây khó khăn trong quá trình điều trị như vết thương chậm liền, hỏng da ghép, biến chứng suy cơ quan. Điều trị nhiễm nấm rất khó khăn do nấm thường ký sinh dai dẳng trong mô, tạng. Chưa kể, các thuốc điều trị nhiễm nấm máu, nấm tạng rất đắt và phải sử dụng trong thời gian dài. May mắn, cô đáp ứng thuốc, các vùng da ghép liền khô, thể trạng hồi phục nhanh.
"Bệnh nhân qua cơn nguy kịch như một kỳ tích, song di chứng và ám ảnh để lại gần như suốt đời", bác sĩ nói.
Bỏng là một bệnh lý ngoại khoa gây tác động rất mạnh về mặt tâm thần đối với bệnh nhân. Các rối loạn tâm thần trong bỏng do chấn thương tâm lý, sự đau đớn về thể xác, tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc, suy dinh dưỡng gây ra. Bệnh nhân bị stress cấp, cơn hưng cảm, cơn trầm cảm, ý định tự sát, lo âu. Do đó, ngoài điều trị thể xác, bác sĩ điều trị tâm lý, giúp bệnh nhân sớm vực lại tinh thần để tái hòa nhập cộng đồng.
Liên khi bị bỏng 80% cơ thể, cơ hội sống chỉ như "chỉ mành treo chuông". Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cuối năm 2019, Liên nộp đơn vào trường Y Thái Bình, vừa để có tấm bằng vừa mong hòa nhập cuộc sống. Đây là khoảng thời gian cô tự chữa lành cho mình. Vết thương co kéo khiến cô đi lại khó khăn, chân phải bị mất cảm giác, khó đứng vững. Hàng ngày, cô phải mặc quần áo dài để che vết sẹo trên cơ thể.
Cô tham gia nhiều nhóm dành cho bệnh nhân bỏng, tìm hiểu thêm nhiều phương pháp giảm co kéo và lành sẹo. Cô tập nhìn mình nhiều trong gương nhiều hơn, nói đây là bài học để có thêm bản lĩnh sống. Cô mong có cửa hàng thuốc của riêng mình và một tủ thuốc từ thiện để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn giống mình.
Bác sĩ khuyến cáo sơ cứu bỏng xăng tương tự như các vết thương bỏng nhiệt khác. Nếu bệnh nhân bất tỉnh kèm theo ngừng thở, cần tiến hành hỗ trợ hô hấp trong khả năng, nhờ người báo cho lực lượng y tế gần nhất giúp đỡ. Nếu bệnh nhân bị bỏng mặt, khạc đờm đen lẫn muội khói, nói khàn, cần đề phòng nguy cơ bỏng đường hô hấp. Trường hợp bỏng do axit, dùng nước xà phòng 5%, dung dịch natri bicacbonat 2-3% hoặc nước vôi trong để rửa. Tuyệt đối không tự ý thoa thuốc hay chườm đá lạnh.
Minh An