Chuyên mục  


Các bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất nghĩ nhiều đến xuất huyết tiêu hóa trên, song nội soi dạ dày cấp cứu lại không phát hiện vị trí chảy máu. Chụp CT bụng phát hiện bệnh nhân có dị dạng mạch máu gây chảy máu ở ruột non. Kích thước dị dạng rất to, không thể xử trí qua nội soi hay can thiệp thả coil bằng kim loại để bít tắc vị trí chảy máu như bình thường.

Ngày 10/10, BS.CK1 Vũ Lộc, Khoa Ngoại Tiêu hóa, cho biết ruột non dài đến 4-5m, xếp chồng lên nhau, rất khó tìm thấy vị trí chảy máu. Các bác sĩ quyết định can thiệp thả coil vào để xác định vị trí rồi được bệnh nhân vào phòng phẫu thuật.

Dưới sự hướng dẫn của hệ thống C-Arm (máy chụp X-quang tại chỗ) có thể phản quang hình ảnh kim loại, êkíp xác định được vị trí xuất huyết và cắt bỏ đoạn ruột non dị dạng, khâu nối phục hồi ruột.

"Do ruột non quá dài, máu lại đang chảy, nếu chỉ mở bụng mà không nhờ coil định vị thì rất khó tìm được nơi xuất huyết, khả năng tốn rất nhiều thời gian, tăng rủi ro cho người bệnh", bác sĩ Lộc nói. Sau cuộc mổ kéo dài khoảng một giờ, bệnh nhân dần hồi phục ngoạn mục, da hồng hào.

Bệnh nhân hồi phục tốt sau mổ. Ảnh: Lê Phương

BS.CK2 Hồ Hữu Đức, Trưởng Khoa Ngoại Tiêu hóa, Bệnh viện Thống Nhất, cho biết xuất huyết ruột non chỉ chiếm khoảng 10% các trường hợp chảy máu tiêu hóa, còn lại phần lớn là từ dạ dày, đại tràng. Trong đó, nguyên nhân dị dạng mạch máu rất hiếm gặp, chỉ chiếm 1-2%, chưa rõ nguyên nhân.

Tùy kích thước dị dạng, tốc độ chảy máu, bệnh nhân thậm chí có thể tử vong trong 5-6 giờ. Trường hợp này, khi vào viện bệnh nhân đã tụt huyết áp, mạch rất nhanh. Các bác sĩ phối hợp nhiều chuyên khoa, vừa hồi sức truyền dịch để bù máu mất, vừa nỗ lực tìm kiếm nguyên nhân trong thời gian sớm nhất mới có thể can thiệp kịp thời, giữ được tính mạng người bệnh.

Hơn 10 năm trước, các bác sĩ từng gặp trường hợp tương tự. Bệnh viện phải huy động tất cả nguồn máu của thành phố, truyền hơn 40 đơn vị máu để giữ tính mạng người bệnh. Khi đó, chưa có kỹ thuật can thiệp nội mạch. Bác sĩ phải nội soi dò tìm bằng nội soi hàng giờ mới xác định được vị trí chảy máu và phẫu thuật cắt đoạn ruột.

Theo BS.CK2 Ngô Thị Thanh Quýt, Trưởng Khoa Nội Tiêu hóa, xuất huyết ruột non do dị dạng mạch máu ở bệnh nhân trẻ như ca này là cực kỳ hiếm gặp, bởi tình trạng này chủ yếu xuất hiện ở người bệnh lớn tuổi. Trước kia, xuất huyết đường tiêu hóa trên, chủ yếu là dạ dày, chiếm tỷ lệ cao, song nay giảm dần nhờ những phương pháp điều trị tốt bệnh lý ở vùng này. Gần đây, xuất huyết ruột non bắt đầu gặp nhiều hơn, bệnh nhân trẻ tuổi hơn.

"Với bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa, việc hồi sức nội khoa song song với tìm nguyên nhân rất quan trọng, đòi hỏi bác sĩ nhanh nhạy và phối hợp tốt các chuyên khoa", bác sĩ Quýt nói.

Bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân thiếu máu, đi tiêu bất thường nên khám sớm để phát hiện sớm, can thiệp kịp thời nếu có bệnh lý. Do triệu chứng bệnh thường không biểu hiện rõ, đôi khi một số người thiếu máu lại không biết nguyên nhân nên chủ quan bỏ qua, dẫn đến nhiều rủi ro sức khỏe.

Lê Phương

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020